7 người ở nhà "siêu nhỏ" trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt

Mộc Khải

(Dân trí) - Dù sinh hoạt có phần bất tiện nhưng hơn 20 năm qua, gia đình chị Kim Dung vẫn gắn bó với căn nhà chật hẹp tọa lạc tại khu Chợ Gà (quận 1, TPHCM) và chưa từng có ý định rời đi.

20 năm sống trong cảnh chật hẹp

Giữa trưa, chị Kim Dung (SN 1980) ngồi giữa con hẻm chật chội trong khu Chợ Gà (quận 1, TPHCM) rửa rau. Dường như "sinh hoạt giữa đường" là chuyện thường tình ở khu này, bởi xung quanh, nhiều người cũng đang loay hoay làm việc nhà ở... giữa đường như chị Dung.

Sở dĩ chị Dung phải tận dụng con hẻm để rửa rau là bởi căn nhà của chị có diện tích vô cùng khiêm tốn nếu không muốn nói là "siêu nhỏ". Căn nhà có bề ngang khoảng 2m, chiều dọc cũng không khá hơn là bao. Đứng ở ngoài, người đi đường chỉ cần liếc mắt đã có thể thấy trọn "nội thất" của căn nhà.

7 người ở nhà siêu nhỏ trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt - 1

Phần lớn đồ dùng của gia đình chị Dung được để bên ngoài căn nhà (Ảnh: Mộc Khải).

Đáng nói, dù diện tích chỉ khoảng 4m2, nhưng căn nhà của chị Dung là nơi "che mưa che nắng" của 7 con người. "Vợ chồng tôi, 2 con trai, 1 con dâu và 2 cháu nội sống cùng nhau. Nhà chật, 1 trệt, 2 lầu. Mỗi tầng lầu chỉ để được vỏn vẹn một chiếc nệm nên trên lầu chỉ là nơi để 7 thành viên trong nhà ngả lưng", chị nói.

Chị Dung cho biết ở khu Chợ Gà, nhà "siêu nhỏ" không thiếu. Ngày trước, những căn nhà này là nơi tiểu thương bày hàng buôn bán. Về sau, các gian hàng được cho thuê, trở thành nơi ở của nhiều người dân lao động.

Thời gian đầu dọn về, chị Dung ngỡ ngàng trước không gian hẹp đến mức không đủ chỗ ngồi của căn nhà. Song, chấp nhận hoàn cảnh nên các thành viên trong gia đình chị cố gắng sắp xếp, "chia ca" sinh hoạt nên mọi thứ cũng trở nên dễ dàng.

"Ban đầu chỉ có vợ chồng tôi với con trai út ở đây, về sau thấy con trai lớn đi làm bên ngoài phải thuê trọ tốn kém, tôi mới kêu con về ở cùng, vậy là nhà thêm 4 người (2 vợ chồng và 2 con, một bé 5 tuổi và một bé 9 tháng tuổi). Sống lâu ngày cũng quen, chật thì chật nhưng hiện cuộc sống cũng ổn thỏa", chị nói.

Căn nhà 4m2 với 7 thành viên sinh sống tại trung tâm TPHCM (Thực hiện: Mộc Khải).

Theo quan sát của phóng viên Dân trí, chiếm diện tích lớn nhất trong tầng trệt của căn nhà là chiếc bàn thờ và chiếc tủ lạnh. Ngoài ra, máy giặt, bếp núc và nhiều đồ gia dụng khác của gia đình chị Dung đều được đặt để bên ngoài.

Căn nhà có một nhà vệ sinh nhỏ ở tầng trệt. Mỗi sáng, từ 3h, khi các con còn yên giấc trên lầu, chị Dung đã thức dậy để nấu nướng, vệ sinh cá nhân rồi ra ngoài buôn bán. 

"Buổi sáng chỉ còn các con ở nhà nên việc sinh hoạt, sử dụng nhà vệ sinh cũng thoải mái. Các cháu quen rồi, nên đi cầu thang bình thường, không sợ té. Còn tôi cũng có tuổi, nên mỗi lần leo cầu thang lên lầu phải ngồi nghỉ mệt một chút", chị Dung cho biết.

7 người ở nhà siêu nhỏ trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt - 2

Căn nhà với diện tích chỉ khoảng 4m2 (Ảnh: Mộc Khải).

Nấu hơn chục món ăn để bán từ chiếc bếp đặt giữa đường

Tính đến nay, chị Dung đã sống trong căn nhà này hơn 20 năm. Hiện giá thuê nhà là 3,5 triệu đồng/tháng. Thừa nhận cuộc sống gia đình "người này ở trong nhà thì người kia phải ra ngoài ngõ", nhưng chị Dung cho biết mình chưa từng có ý định dọn đi nơi khác.

Ngày trước, chị Dung buôn bán hành tỏi, cà phê ở chân cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM). Gần 4 năm nay, chị chuyển sang bán đồ ăn sáng. Mỗi ngày, chị Dung đặt xe hàng cùng vài bộ bàn ghế nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, đoạn dưới chân cầu Ông Lãnh để buôn bán.

7 người ở nhà siêu nhỏ trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt - 3

Chị Dung bán đồ ăn sáng trên đường Nguyễn Thái Học, đoạn cầu Ông Lãnh (Ảnh: Mộc Khải).

Xe đồ ăn sáng của chị Dung được nhiều người ủng hộ bởi mỗi ngày chị lại bán một món khác nhau, tổng cộng hơn chục món như: Hủ tiếu Nam Vang, bánh canh cua, bò kho, bún riêu, bún bò, bún Thái, bún măng vịt, bún mọc...

"Ngày xưa, bà ngoại với mẹ tôi cũng bán đồ ăn, không có công thức gia truyền gì cả, chỉ là tôi phụ nấu nên dần dần "có nghề", nấu được nhiều món. Bán nhiều món luân phiên nên tôi có nhóm Zalo để liên lạc với khách quen, tiểu thương ở chợ. Hằng ngày, dọn hàng xong, tôi lại thông báo với mọi người", chị Dung chia sẻ.

Vì mỗi ngày bán một món ăn khác nhau, nên chị Dung cũng đảm bảo nguyên liệu nấu tươi ngon, chỉ dùng trong ngày. Trừ hủ tiếu Nam Vang và bún Thái có giá 45.000 đồng/phần, các món còn lại được bán đồng giá 40.000 đồng/phần.

7 người ở nhà siêu nhỏ trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt - 4

Chị Dung luân phiên bán hơn chục món ăn (Ảnh: Mộc Khải).

Chị cũng chia sẻ thêm, ngày trước có người phụ bán, nên chị đăng bài giới thiệu lên mạng xã hội. Nhờ đó, ngoài bán tại chỗ, chị Dung còn giao đồ ăn đi các khu vực xa hơn trong thành phố.

Thời gian gần đây, chỉ có vợ chồng chị Dung cùng con trai buôn bán, nên quán chủ yếu tiếp khách quen và tiểu thương ở chợ. Mỗi ngày, chị Dung bán 60-70 tô, đến khoảng 11h thì dọn hàng. Toàn bộ chén tô được vận chuyển vào "căn nhà 4m2" trong hẻm để rửa.

"Nhà nhỏ, chuyện nấu nướng, rửa chén, lặt rau đều làm ngoài đường, nhưng đâu cũng vào đấy thôi. Khoảng 13h, tôi bắt đầu rửa rau chuẩn bị cho món hôm sau, rồi nghỉ ngơi, tắm rửa. Tôi cố gắng hoàn thành mọi việc trước khi lên lầu ngã lưng, bởi tôi đi lên đi xuống cầu thang cũng hơi mỏi", chị Dung nói.

Đến sáng hôm sau, chị Dung lại thức dậy dọn bếp ra giữa đường để nấu nước lèo. Cuộc sống của chị và gia đình thời gian qua cứ trôi qua như thế, mà chưa bao giờ chị có ý định chuyển đi nơi khác.

7 người ở nhà siêu nhỏ trung tâm TPHCM: Bếp giữa đường, chia ca sinh hoạt - 5

Dù sống trong cảnh chật hẹp, nhưng chị Dung và gia đình chưa có ý định dọn đi nơi khác (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Dung nói hiện gia đình chị chưa có điều kiện mua nhà, mà cũng chẳng biết đi đâu vì đã quen sinh sống, buôn bán ở nơi này.

"Ở đây nhỏ hẹp, hẻm hóc như thế nhưng lại rất êm đềm, không tệ nạn, hàng xóm lại hòa nhã với nhau. Nhà ai cũng chật, nên đồ đạc, xe cộ đều để ở ngoài từ sáng đến đêm, nhưng không lo trộm cắp.

Nếu sau này khu tôi sống có giải tỏa, hoặc gia đình tôi buộc phải dọn đi đâu đó thì tính sau. Chắc lúc đó cuộc sống sẽ diễn ra theo một hướng khác. Còn bây giờ, chật chội, bất tiện cũng có, nhưng có thể nói cuộc sống gia đình tôi đang vô cùng ổn định", chị Dung tâm sự.