3 câu chuyện về người Nhật khiến nguyên Thứ trưởng bất ngờ

Người bán hàng mướt mải chạy theo để trả khách 1 Yên tiền thừa, cô giáo kiên trì ở lại trường sơ tán học sinh trong thảm họa kép dù con mình không biết thế nào, một bé trai nói chưa sõi đã biết cảm ơn khi mẹ nấu cho bữa tối… là những câu chuyện dường như rất bình thường ở nước Nhật.

Người bán hàng và 1 yên Nhật

Ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã có 4 năm làm việc ở Nhật và ông rất ấn tượng với tính cách con người nơi đây.

Trong buổi Hội thảo "Làm việc hiệu quả như người Nhật" tổ chức tại ĐH Ngoại thương, ông Bình nhấn mạnh: “Người Nhật có đức tính đáng học hỏi nhất là sự trung thực. Ở đâu trên nước Nhật chúng ta cũng có thể thấy được điều này”.

Ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ tại Hội thảo
Ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ tại Hội thảo

Ông kể, ông từng vào một cửa hàng mua một món đồ với số tiền lẻ 99 yên, ông đưa cho người bán hàng tờ 100 yên (100 yên tương đương 0,9 USD). Nếu như ở Việt Nam, chúng ta quen với việc sau khi mua hàng với số tiền thừa nhỏ như 1 yên chúng ta sẽ không đứng lại lấy tiền lẻ. Thậm chí người bán hàng còn lờ đi hoặc cố tình trả khách bằng kẹo thay thế. Nhưng ở Nhật, khi khách hàng bước ra khỏi quán thì người bán hàng ấy đã cầm 1 yên chạy ra ngơ ngác tìm khách vừa mua để trả lại bằng được.

Việc nhỏ này đã khiến ông Bình rất ngạc nhiên. Ông cho rằng: “Chúng ta phải học được rằng 1 yên cũng là tiền và chúng ta phải quý trọng đồng tiền dù đó là đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất”.

“Con tôi sẽ có người khác lo”

Ông Bình nói thêm, điều thứ 2 người Nhật khiến ông nể phục là ý thức cộng đồng rất cao. Ngày bình thường họ vốn rất đoàn kết nhưng lúc xảy ra sự cố điều này càng thể hiện rõ hơn.

Ví dụ khi trận động đất năm 2011 xảy ra, các bà mẹ công tác ở Đại sứ quán có con nhỏ đang đi học ở trường rất lo lắng. Họ vội chạy đến trường thì được nhà trường thông báo các giáo viên đã đưa học sinh ra công viên, nơi không có nguy hiểm như nhà cửa, công trình…đổ sụp xuống đầu. Khi gặp các cô giáo, nhiều bà mẹ hỏi thăm: “Con cô ở nhà thế nào?”. Họ bình tĩnh trả lời: “Giờ các con tôi đang ở trường và chắc các cô giáo ở đấy cũng sẽ đảm bảo an toàn cho các con”.

Người giáo viên ý thức được rằng, họ được phụ huynh gửi gắm việc dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho con họ thì lúc xảy ra sự cố giáo viên phải ở lại đến cùng để chịu trách nhiệm về an toàn, sinh mạng của các học sinh. Họ cũng tin tưởng rằng, con em mình dù ở đâu cũng sẽ có những người như mình lo lắng, chăm sóc.

Trong thảm họa kép 2011, người Nhật đã khiến thế giới nể phục về sự kiên trì, bình tĩnh vượt lên khó khăn
Trong thảm họa kép 2011, người Nhật đã khiến thế giới nể phục về sự kiên trì, bình tĩnh vượt lên khó khăn

Cũng trong thời gian xảy ra thảm họa kép, việc cung cấp lương thực thực phẩm ở Nhật bị gián đoạn. Ông Bình kể, lúc này, các cửa hàng luôn kêu gọi khách mua ít để dành cho nhiều người khác. Bình thường vào cuối tuần các bà nội trợ thường dùng xe đẩy vào siêu thị, chất đầy hàng hóa để dành cho cả tuần nhưng giờ người Nhật vào cửa hàng, siêu thị không dùng chiếc xe ấy nữa. Họ tự ý thức giờ mua ít, mua đủ dùng để tránh tình trạng khan hiếm, cạn kiệt.

Cũng theo ông Bình, hàng cứu trợ gồm quần áo, bít tất…được để thành từng ô, che lều bạt. Mỗi người dân đến thì người canh giữ sẽ nhấc từng tấm lều bạt lên để họ lấy vật dụng cần thiết cho gia đình. Mỗi người dân đều lấy rất ít, chỉ lấy đủ nhu cầu dùng không hề có chuyện chen lấn, giật đồ. “Ngay lúc khó khăn nhất người ta vẫn nghĩ đến tập thể, cộng đồng”, ông Bình nhấn mạnh.

“Chưa nói sõi đã biết cảm ơn”

Ở Nhật, giáo dục cho trẻ ý thức rất được chú trọng. Ông nói: “Tôi chứng kiến nhiều cảnh sát giao thông cần mẫn, kiên trì hướng dẫn đường đi, luật giao thông cho các bé 2, 3 tuổi, thậm chí có bé còn nói chưa sõi. Các trẻ Nhật từ bé đã được dạy để biết cảm ơn, xin lỗi, biết qua đường đúng luật giao thông…"

Trong khi ở Việt Nam, các bé hay bị cha mẹ “nhồi sọ”, từ khi còn rất nhỏ đã phải học để đạt thành tích thì ở Nhật, trẻ đi mẫu giáo không phải để học kiến thức. Họ chú trọng giáo dục ý thức cho trẻ hơn.

Ông kể tiếp: “Tôi từng đến chơi nhà của một anh thư ký (người Nhật). Lúc đấy là bữa ăn tối, con anh vừa ở nhà trẻ về. Bé mới khoảng 2 tuổi, nói chưa sõi. Lúc này, vợ anh đưa ra bàn một cái bát bột. Cậu bé liền cúi đầu vào bảo với mẹ “tộ…tộ” (Arigatou- cảm ơn). Tôi cảm thấy ngạc nhiên vô cùng".

Ông cho rằng, khi trẻ Việt với bữa tối là một cuộc chiến ép ăn vói tivi, ipad, với la mắng, dọa nạt... thì trẻ Nhật lại biết cảm ơn mẹ và thưởng thức bữa tối ngon lành.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm