3 cách “siêu tiết kiệm” điện trong nhà bếp
(Dân trí) - Bếp là nơi tiêu thụ khá nhiều lượng điện năng trong gia đình. Một vài chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm điện hàng tháng từ các thiết bị điện trong nhà bếp.
Sử dụng đèn Led
Đèn Led là loại đèn tiết kiệm điện nhất hiện nay. Theo ước tính, nếu sử dụng loại đèn này, mỗi năm gia đình bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 232.200 đồng và sẽ lên khoảng 4,6 triệu đồng khi nhà sử dụng 20 bóng đèn. Nếu mỗi hộ gia đình đều sử dụng đèn Led sẽ giúp tiết giảm khoảng 10-15% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Ngoài việc tiết kiệm điện năng trong gia đình, đèn Led còn giúp không gian bếp của gia đình bạn mát mẻ hơn vì đèn không sản sinh ra nhiều nhiệt.
Rút phích cắm các thiết bị điện khi không dùng đến
Hãy tập thói quen rút phích cắm các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng như lò vi sóng, lò nướng… là cách tiết kiệm điện năng hiệu quả. Việc bạn không sử dụng nhưng vẫn để nguyên phích cắm thì tình trạng tiêu tốn điện năng vẫn xảy ra.
Sử dụng khôn ngoan các thiết bị nhà bếp
Nồi cơm điện: Một nồi cơm điện tiêu thụ khoảng 5,4 kwh giờ điện mỗi tháng, nhưng nếu bạn sử dụng chế độ giữ ấm để hâm nóng đồ ăn trong 2 giờ mỗi ngày thì lượng điện lãng phí sẽ đủ để nấu cơm trong nửa tháng.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện bạn nên hạn chế lượng nhiệt ở trong nồi thoát ra một cách ít nhất bằng cách đóng thật khít nắp đập của nồi. Nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng. Thường xuyên lau chùi phần đáy nồi và mâm nhiệt.
Tủ lạnh: Nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình khi thực phẩm trong tủ lạnh không quá nhiều. Hạn chế mở tủ lạnh liên tục để bộ phận làm lạnh không phải tăng thời gian hoạt động gây hao điện. Không đưa đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh vì nó sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm hao điện nhiều hơn.
Ngoài ra, cần lưu ý chừa các khoảng cách khi sắp xếp đồ trong tủ lạnh để khí lạnh đối lưu, lượng điện hao tổn giảm xuống.
Lò vi sóng: Khi mua lò vi sóng bạn cần để ý tới các thông số như dung tích sử dụng, mức công suất hoạt động để đảm bảo không lãng phí điện năng. Khi sử dụng không được bật lò vi sóng trong phòng có điều hòa nhiệt độ. Không dùng các vật dụng đựng thực phẩm bằng kim loại vì thời gian vi sóng làm chín thực phẩm lâu hơn, tốn điện hơn. Rút nguồn điện ngay sau khi sử dụng lò vi sóng vì lò vi sóng luôn hoạt động trong trạng thái chờ, không có nút tắt nguồn điện.
Lò nướng: Hạn chế mở nắp trong khi nướng để không làm thất thoát sức nóng, tiết kiệm điện. Thường xuyên kiểm tra lớp giăng của cửa lò để cửa lò cách nhiệt tốt. Khi không sử dụng, nên rút hẳn phích cắm ra khỏi ổ điện.
Bếp từ: Dùng đúng loại nồi, chảo phù hợp với bếp, không nên dùng chảo nhôm vì chúng không bị nhiễm từ. Không bật nhiệt độ cao trước khi làm chín thức ăn, thay vào đó là để chế độ nhiệt thấp khi mới bật bếp rồi tăng dần trong quá trình nấu. Tắt bếp trước vài phút khi quá trình đun nấu hoàn thành vừa là một cách tiết kiệm điện hiệu quả, vừa cũng đủ để làm thức ăn chín hoàn toàn.
Nhữ Trang
Tổng hợp