2 triệu con lợn rừng hoành hành, Trung Quốc tìm cách đối phó
(Dân trí) - Lợn rừng đang trở thành mối đe dọa với nhiều thành phố ở Trung Quốc khi chúng tấn công và phá hoại tài sản con người. Chính quyền các địa phương phải chi tiền để tìm cách giải quyết.
Trên nhiều nền tảng mạng xã hội và truyền hình đã ghi lại các trường hợp bị lợn rừng tấn công. Chúng xâm chiếm các khu vực đô thị và phá hoại tài sản người dân.
Ngày 9/11, một vụ việc mới nhất liên quan tới lợn rừng vừa được trình báo. Nạn nhân là một phụ nữ sống tại thành phố Chuzhou bị thương nhẹ khi bị lợn rừng húc ngã.
Trước đó, con vật đã lao vào tấn công 2 đứa trẻ đang chơi bên ngoài rồi suýt đâm chúng. Sau đó, con vật còn tấn công một người dân thường đi xe máy trên đường. Dù các nạn nhân đều không bị thương nặng nhưng cảnh sát đã xử lý con lợn hoang.
Vụ việc xảy ra khi vài ngày trước đó một con lợn rừng khác đột nhập vào sảnh khách sạn của thành phố.
Chia sẻ với truyền thông, cảnh sát thành phố Nam Kinh cho biết, năm 2023, họ nhận được 713 báo cáo liên quan tới lợn rừng. Con số này tăng gần 19% so với năm 2022, nâng tổng số ca bị lợn rừng tấn công trong 3 năm qua lên tới 1.913 trường hợp.
Tháng 8, một sự cố nghiêm trọng khác xảy ra liên quan tới một con lợn rừng lao vào nhà ga tàu hỏa ở tỉnh Giang Tây. Con vật đập vào cửa kính định tẩu thoát khi nhóm lính cứu hỏa cố bắt nó. Rất may không ai bị thương sau vụ việc.
Ông Jin Kun, chuyên gia đến từ viện Lâm nghiệp Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình CCTV, những tỉnh thành đang phải đối phó với nạn lợn rừng hoành hành bao gồm Thiểm Tây ở phía Bắc, Tứ Xuyên ở phía Tây Nam và Quảng Đông ở phía Nam.
"Số lượng của lợn rừng đang tăng lên nhanh chóng do môi trường sống được cải thiện và chúng không bị ảnh hưởng bởi những động vật săn mồi tự nhiên như sói và hổ. Khả năng sinh sản nhanh và thích ứng môi trường tốt đã góp phần khiến lợn rừng gia tăng quần thể nhanh chóng", chuyên gia Jin nhận định.
Số liệu từ Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc thống kê cho thấy, hiện Trung Quốc là nơi sinh sống của hơn 2 triệu con lợn rừng. Loài động vật này được phát hiện ở 28 tỉnh thành. Sự xuất hiện của chúng gây thiệt hại đáng kể tới tài sản và tấn công người dân.
Cũng theo chuyên gia Jin, lợn rừng có nhiều khả năng xâm phạm môi trường sống của con người vào mùa xuân và mùa thu, dẫn tới sự gia tăng các vụ tấn công gần đây.
"Mùa thu là mùa thu hoạch cây trái nông nghiệp. Chúng sẽ xuất hiện để ăn lúa, ngô và trái cây. Mục đích của lợn rừng khi vào thành phố là tìm kiếm nguồn thức ăn, nhưng có thể chúng cũng muốn mở rộng môi trường sống", vị chuyên gia phân tích.
Năm 2023, lợn rừng bị loại khỏi danh sách động vật cần được bảo vệ tại Trung Quốc nên lệnh hạn chế săn bắt cũng được nới lỏng. Kể từ đó, 14 tỉnh thành tại quốc gia này đã tổ chức các đội săn bắt chuyên nghiệp để kiểm soát số lượng.
Mới đây, Cơ quan Lập pháp Quốc gia của Trung Quốc đã phê duyệt luật cho phép săn lợn rừng làm thuốc, lấy da và làm thức ăn cho động vật, không phải làm sản phẩm tiêu thụ cho con người.
Theo Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia, tính tới tháng 1 năm nay, hơn 10.000 con lợn rừng đã bị săn bắt. Giới chức các địa phương đã phê duyệt hơn 8,5 triệu USD nhằm đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát số lượng.
Chính quyền thành phố Baoji ở tỉnh Thiểm Tây cho biết, tháng 10, họ đã thành lập 2 đội săn lợn rừng và giết chết 830 con.
Cũng trong tháng 10, chính quyền huyện Guyuan ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ đã cấp phép cho đội săn bắn. Đây là đội ngũ chuyên nghiệp sử dụng công nghệ như máy bay không người lái, camera hồng ngoại và hệ thống định vị để tiêu hủy đàn lợn rừng.
Đại diện chính quyền cho biết sẽ thưởng cho các đội nếu tiêu diệt thành công. Cụ thể, nếu giết được mỗi con lợn đực trưởng thành nặng hơn 40kg, thành viên sẽ nhận thưởng 2.400 tệ. Được biết, huyện Guyuan nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, hiện là nơi sinh sống của hơn 2.600 con lợn hoang, gây thiệt hại kinh tế gần 2 triệu tệ chỉ trong năm nay.
Huyện Wangjiang ở tỉnh An Huy tuy cũng đang bị nạn lợn rừng hoành hành nhưng kế hoạch săn bắn bị tạm gác vì thiếu kinh phí.
Được biết, vấn nạn lợn rừng không chỉ xảy ra tại Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, một số thành phố trên khắp châu Âu cũng đang đau đầu với sự hoành hành của chúng.