Vì sao Vincom rút khỏi dự án chợ Hôm - Đức Viên?

(Dân trí) - Ngày 9/7, Công ty cổ phần Vincom, một trong hai nhà thầu dự án xây dựng chợ Hôm - Đức Viên Hà Nội, đã có cuộc gặp gỡ báo giới và chính thức tuyên bố rút khỏi dự án này. Tại sao Vincom lại xin rút khỏi dự án? Dân trí đã tìm hiểu bản chất của sự việc.

Đến thời điểm này có 2 nhà thầu tham gia dự án này là Công ty cổ phần Vincom và nhà thầu liên danh của 3 công ty (trong đó có 2 công ty của Hàn Quốc là Golden Bridge, Media Will và 1 công ty của Việt Nam là công ty 36 - Bộ Quốc Phòng (Gọi tắt là liên danh).

“Nếu chúng tôi tiếp tục, Công ty 36 sẽ khó thắng thầu”

Trên một vài phương tiện thông tin đại chúng gần đây, ông Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 (Công ty 36) cho rằng liên danh của họ với Hàn Quốc hoàn toàn có đầy đủ năng lực để thực hiện dự án xây dựng chợ Hôm - Đức Viên.

Công ty Cổ phần Vincom - Vincom JSC - được thành lập vào ngày 3/5/2002. Đây chính là đơn vị chủ quản đầu tư và quản lý Vincom City Towers với tổng số vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm hoạt động, Công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có uy tín trên thị trường.

Với những hiệu quả kinh doanh, tính đến thời điểm này, cổ phiếu của Vincom được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đánh giá cao. Theo tham khảo của một số công ty Chứng khoán vào chiều ngày 9/7 giao dịch CP Vincom thành công chủ yếu ở mức giá 125.000đ. Trước đó ngày 3/7, Vincom đã đấu giá thành công với mức trung bình 119.479đ/cổ phần.

Mức chào giá thuê đất cao gấp 5 lần, khoản hỗ trợ ngân sách cho thành phố nếu trúng thầu cao gấp 11 khiến thành phố thu được khoản ngân sách tới 474 tỉ đồng và họ cũng sẽ xây dựng khu chợ Hôm - Đức Viên thành Trung tâm thương mại hạng 1 chứ không phải hạng 2 như Vincom...

Nghe qua có vẻ có lý và dư luận sẽ đặt dấu hỏi là nếu đã gọi là đấu thầu thì đương nhiên nhà thầu nào chào giá cao hơn, phương án đưa ra có lợi hơn cho Nhà nước thì các cơ quan chức năng sẽ chọn nhà thầu đó. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi thấy sự thật lại không phải như vậy.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cho biết: Các chuyên gia kinh tế của Vincom đã xem xét kỹ lưỡng dự án dựa trên các tiêu chí mà hồ sơ mời thầu đưa ra.

Theo quan điểm của chúng tôi thì nếu Vincom ở lại và tiếp tục tham gia thì liên danh này sẽ rất khó có khả năng thắng thầu vì liên danh này đã đăng ký dự thầu vào thời điểm hết hạn đăng ký. Hơn nữa nếu chúng tôi tiếp tục theo thầu đến cùng thì Hà Nội sẽ khó quyết định được việc ai sẽ thắng thầu nên chúng tôi muốn rút và không có khiếu kiện gì về việc này.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết nhà thầu thứ 2 đã đưa ra các chỉ tiêu tài chính đóng góp cao gấp nhiều lần của Vincom, do mong muốn đóng góp cho Thủ đô một công trình đáng ghi nhớ và không coi trọng các mục đích kinh tế và kinh doanh.

Chúng tôi hoan nghênh chủ trương nói trên của nhà thầu thứ 2 và tuyên bố rút khỏi việc đấu thầu dự án xây dựng TTTM chợ Hôm - Đức Viên, nhằm tạo điều kiện để liên danh nhà thầu Media will - Công ty 36 - Golden Bridge có điều kiện thực hiện mong muốn tốt đẹp của mình.

Việc Vincom ngừng tham gia đấu thầu dự án này sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu liên danh thực hiện các cam kết của mình, để Thủ đô Hà Nội vừa có được công trình mới, vừa có cơ hội thu được nguồn tài chính đáng kể cho ngân sách.

Đấu thầu, giải toả chợ: Bài toán quá nan giải

Điểm lại, trước đây đã từng có một số công ty tham gia đấu thầu xây dựng chợ ở Hà Nội, nhưng chưa có một cuộc đấu thầu nào thành công. Mặc dù Hà Nội đã có chủ trương là xã hội hoá, mời gọi đầu tư để xoá đi sự nhếch nhác, chắp vá, xuống cấp các chợ đầu mối lớn... nhưng bài toán này e rằng sẽ khó được giải quyết nếu không có sự đồng thuận của dư luận và sự kiên quyết của thành phố.

Cụ thể cách đây gần 10 năm, cũng đã có công ty NT có ý định xin đấu thầu chợ Đồng Xuân, một trong những khu chợ nằm ở vị trí được coi là đắc địa nhất Hà Nội, tuy nhiên cuối cùng công ty này cũng phải ngậm ngùi bỏ cuộc.

Cho đến bây giờ chợ Đồng Xuân vẫn chỉ được cải tạo, vá víu mà không được đầu tư xây lại đúng với tầm thế phát triển của nó. Lý do: Việc giải bài toán đền bù với hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân là bài toán không bao giờ có hồi kết.

Chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ, chợ Hàng Da...cũng đều nằm trong tình trạng như vậy. Ý kiến của nhiều hộ kinh doanh ở chợ Hôm - Đức Viên mà phóng viên Dân trí có dịp trò chuyện cũng đủ làm nản lòng các nhà đầu tư tâm huyết nhất.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nói gì về việc đấu thầu này?

Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến việc đấu thầu chợ Hôm - Đức Viên, chiều 9/7, Dân trí đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Phí Thái Bình.

Ông Bình cho biết: ban đầu khi thành phố có chủ trương xây dựng lại chợ Hôm - Đức Viên thành trung tâm thương mại, có rất ít nhà đầu tư tham gia, trong đó có Vincom. Ngay khi đó, một số ban ngành chức năng của thành phố đã có phương án giao thẳng cho nhà đầu tư này. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải thông qua đấu thầu.

Ông Bình khẳng định vẫn chưa có kết quả đấu thầu. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Tài chính kiểm tra năng lực tài chính thực tế của phía đối tác nước ngoài trong liên danh nhà thầu Công ty 36-Media Will-Golden Bridge.

Đề cập đến thông tin cho rằng công ty cổ phần Vincom đang tìm cách rút khỏi cuộc đấu thầu chọn nhà đầu tư Trung tâm thương mại chợ Hôm - Đức Viên, ông Bình khẳng định đến nay Ủy ban vẫn chưa nhận được đơn chính thức xin rút khỏi cuộc đấu thầu chọn nhà đầu tư này.

“Có thông tin cho rằng Vincom sẽ rút khỏi cuộc chạy đua do giá bỏ thầu thấp hơn 5 lần so với “đối thủ”. Ông nghĩ sao về điều này?

Quan điểm của thành phố là không phân biệt bất cứ nhà đầu tư nào, vấn đề là nhà đầu tư nào có phương hướng khôi phục hiệu quả, khả thi. Giá bỏ thầu chỉ là một phần quyết định chọn nhà thầu…

Vậy theo ông, đâu là mấu chốt phức tạp nhất trong cuộc bỏ thầu xây dựng trung tâm thương mại chợ Hôm - Đức Viên?

Theo tôi, mọi cái minh bạch thì không có gì phức tạp cả. Mọi chi tiết của cuộc đấu thấu, cái nào công khai thì đã công khai rồi. Báo chí phải bình tĩnh cho thành phố xử đã (cười). Tuy nhiên, một vấn đề không thể không nhắc đến là việc giải quyết như thế nào với 7 hộ dân có sổ đỏ và hơn 20 hộ dân có hợp đồng thuê đất dài hạn.

Có thông tin cho rằng riêng việc này, phía liên danh thể hiện một quyết tâm rất cao “sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu quận Hai Bà Trưng đề ra?”

Tôi chưa đọc bản thầu của hai bên. Tuy nhiên, qua báo cáo lên cũng cho thấy bên liên danh khẳng định phương án nào họ cũng chấp nhận. Cái đó phải xem lại vì trong hồ sơ dự án anh em phải xem phương án nào để chấp nhận.

Vì chỉ cần nói đơn giản, nếu một trong 7 hộ đó không đồng ý thì dự án gặp khó. Làm việc gì cũng phải tính toán cho kỹ nhưng doanh nghiệp lúc họ đang hăng hái phấn khởi, tự tin, mình phải kiểm tra lại…

Phúc Hưng (thực hiện)

ĐT