Tiến hành lắp đặt tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu

Sáng 14/10, Tập đoàn Điện lực VN EVN, Cty CP Lilama 10... đã tiến hành việc lắp đặt tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu (Huyện Nậm Nhùn, Lai Châu).

Cẩu trục nâng rotor vào vị trí lắp đặt vào tổ máy số 1 - Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Cẩu trục nâng rotor vào vị trí lắp đặt vào tổ máy số 1 - Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Để đưa chiếc rotor nặng 1.000 tấn, có đường kính hơn 15,5 m, chiều cao hơn 2,8m vào trong lòng Tổ máy số 1, đơn vị lắp đặt đã sử dụng cẩu trục 1.200 tấn do Tập đoàn Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) chế tạo.

Từ 5h sáng, lực lượng của các đơn vị tham gia lắp đặt đã vào vị trí thực hiện công tác chuẩn bị. 8h50phút chiếc rotor 1000 tấn của Tổ máy số 1 được từ từ nhấc lên khỏi mặt đất. Từ vị trí ban đầu, rotor sẽ được cẩu trục di chuyển khoảng 60 m trong khoảng thời 1 tiếng để lắp đặt vào trong lòng stator của Tổ máy số 1.

Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè , nay là huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu .

Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà , giáp với biên giới Trung Quốc , bậc trên của thủy điện Sơn La . Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên , đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Chiếc rotor đang được cẩu trục của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), đưa vào vị trí lắp đặt.
Chiếc rotor đang được cẩu trục của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), đưa vào vị trí lắp đặt.

Thủy điện Lai Châu có thiết kế chọn cao trình đập 295 mét sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 – 20 km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.

Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD mỗi năm.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm