Thành công nhờ “khác biệt hóa”

Khác biệt hóa là chiến lược quan trọng bậc nhất trong cạnh tranh, là “gậy thần” giúp các doanh nghiệp tìm được chỗ đứng cho mình trong nền kinh tế thị trường. Michael Porter - “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh đã nói “chiến lược là sự khác biệt để đạt tới mục tiêu ấy”.

Thành công nhờ “khác biệt hóa” - 1
Di động đã thực sự được bình dân hóa
 
Một doanh nghiệp từ con số không, chỉ sau 10 năm kể từ ngày cung cấp dịch vụ đầu tiên, đến nay đã trở thành Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển năm 2009 (WCA 2009). Vị trí ấy là kết quả của một chuỗi những khác biệt..

Khác từ cách nghĩ

Năm 2000, chính thức bước chân vào thị trường viễn thông. Viettel không có gì để so sánh với các đối thủ đã có mấy chục năm tích lũy kinh nghiệm, nhân lực, nguồn vốn và cả sự thống lĩnh thị trường. Cái duy nhất mà người ta nhắc đến Viettel, đó là doanh nghiệp của Quân đội.

Điều đó không sai, nhưng Viettel chỉ là một doanh nghiệp nhỏ thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin - Liên lạc, trong khi Quân đội có đến hàng trăm doanh nghiệp ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy khó có thể nói đây là khác biệt mang lại lợi thế cạnh tranh của Viettel.

Vậy, điều gì mang lại thành công cho Viettel ngày hôm nay? Rất, rất nhiều người đều công nhận đó là Viettel có cách nghĩ chẳng giống ai. Dù vừa bước chân vào thị trường, dù chẳng có trong tay một tí kinh nghiệm gì về viễn thông, dù nhân lực vỏn vẹn có vài anh sỹ quan thông tin, dù đồng vốn chỉ có 2,3 tỷ đồng, Viettel lại dám nghĩ rằng di động phải như mớ rau muống tức là ai cũng có thể dùng, ở đâu cũng có.

Để hiểu cái khác người trong suy nghĩ của Viettel, phải nhìn lại thị trường viễn thông Việt Nam 10 năm trước đây - thời điểm mà Viettel bắt đầu bước chân gia nhập thị trường. Sau 7 năm dịch vụ di động được cung cấp, tổng số mới có hơn 700.000 thuê bao tức là bình quân mỗi năm chỉ có thêm khoảng 100.000 thuê bao mới. Giá cước cao ngất ngưởng, cao nhất tới 8.000 đồng/phút.

Với thực tế ấy, giả sử Viettel cũng suy nghĩ như những người đi trước, rằng di động là dịch vụ cao cấp, chỉ dành cho người giầu, thì chắc chắn Viettel sẽ không dám đầu tư mạnh cho di động. Và như thế, số lượng trạm phát sóng sẽ chỉ là 500 - 1.000 trạm chứ không phải là vài chục nghìn trạm như hiện nay.

Khác đến cách làm

Để sự khác biệt trong cách nghĩ trở thành khác biệt trong thực tế, Viettel phải tự xây dựng cho mình một cách làm cũng rất khác người. Trong khi tất cả các doanh nghiệp viễn thông khác đều coi việc liên doanh, liên kết, hợp tác với đối tác nước ngoài là chuyện đương nhiên thì Viettel lại quyết định tự làm tất cả.

Tự đứng trên đôi chân của mình, tự đầu tư, xây dựng, tự thiết kế, lắp đặt, tự khai thác vận hành, tự tối ưu nâng cao chất lượng, làm chủ khoa học công nghệ để không chỉ kinh doanh trong nước mà Viettel còn ra nước ngoài, để không chỉ kinh doanh mà còn phục vụ quốc phòng.

Cho đến nay, Viettel vẫn là một trong số rất ít các công ty viễn thông Việt Nam tự thiết kế, lắp đặt tất cả các thiết bị trên mạng lưới. Vì làm chủ thiết bị nên Viettel có thể tối ưu hoá, sử dụng hiệu quả tài nguyên mạng lưới, sử lý sự cố, nâng cao chất lượng mạng, chuyển đổi một số lượng lớn các trạm BTS trong một thời gian ngắn.

Câu chuyện sau, không phải ai cũng biết. Tết năm 2006, Viettel lúc này đã mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, sau hơn 1 năm cung cấp dịch vụ đã có khoảng 2 triệu thuê bao. Tuy nhiên mạng lưới của Viettel vẫn chưa được hoàn thiện, tài nguyên dung lượng còn khá hạn chế.

Trước tết Ông Táo, lượng thuê bao từ các vùng nông thôn đổ lên các thành phố lớn đi mua sắm chuẩn bị tết tăng đột biến. Lập tức lãnh đạo Viettel ra lệnh điều chuyển một phần thiết bị từ các trạm nông thôn có lưu lượng thấp lên các trạm có lưu lượng cao để chống nghẽn. Có đến 30% trạm phải điều chỉnh. Tất cả phải thực hiện trong một ngày và tuyệt đối an toàn mạng lưới.

Tưởng thế là xong. Đến khoảng ngày 28 tết, nhận thấy nguy cơ chính các trạm ngày thường có lưu lượng thấp lại có khả năng trở nên quá tải khi mọi người bắt đầu rời khỏi các thành phố trở về quê, lãnh đạo lại ra lệnh điều chuyển thiết bị trở lại như ban đầu. Mọi việc phải kết thúc trước 12h trưa ngày 30 tết.

Vậy là trong khi hầu hết những người làm công ăn lương đã nghỉ ngơi, sum vầy với gia đình trong bữa cơm tất niên thì hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Viettel vẫn còn trên tuyến để rút card ra cắm card vào. Với những nơi khác chắc sẽ lạ và hiếm. Còn ở Viettel, những chuyện tương tự vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Và tiếp tục nghĩ khác, làm khác

Đầu năm 2009, Bộ TT&TT ra đầu bài thi tuyển cung cấp dịch vụ 3G. Lúc đó, ngoài các chuyên gia và nhà báo chuyên theo dõi ngành thì biết, còn lại hầu hết người dân chỉ biết 3G là một thế hệ di động mới, nhờ người ta có thể điện thoại thấy hình của nhau, hay xem phim trực tuyến trên điện thoại… Và chắc chắn giá sẽ rất đắt.

Đến khi hồ sơ thi tuyển được chấm xong và công bố, rất nhiều người đã ngạc nhiên đến mức khó hiểu khi Viettel cam kết một vùng phủ rộng khắp cả nước, xuống đến tận các huyện với số trạm phát sóng hơn gần gấp đôi nhà cung cấp đứng ngay sau trong bảng điểm.

Người dân nông thôn, miền núi mới chỉ đủ ăn, có tiền gọi điện thoại đã tốt lắm rồi, họ cần gì đến 3G? Lãnh đạo Viettel lại tuyên bố, cũng như 2G, 3G cũng chỉ là một dịch vụ viễn thông. Mà đã là viễn thông, chắc chắn phải là bình dân với 2 tiêu chí cơ bản là rộng và rẻ.

Thậm chí, khi đi vào triển khai, Viettel còn làm nhiều hơn hẳn những gì đã cam kết. Không dừng lại ở 8 ngàn trạm khi khai trương, Viettel tuyên bố đến cuối năm 2010 sẽ phủ sóng 3G rộng như 2G với hơn 20 ngàn trạm phát sóng và giá cũng sẽ rẻ như 2G vậy.

Đến lúc này, chưa thể nói chắc chắn rằng cách nghĩ khác, làm khác của Viettel về 3G có mang lại thành công hay không. Nhưng cái sự khác ấy ít nhất cũng đã đưa giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Việt Nam có cơ hội được sử dụng dịch vụ Internet giá rẻ, từ đó tri thức sẽ dễ dàng đi về từng bản làng, thôn xóm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên có vùng phủ 3G tới hơn 80% dân số ngay tại thời điểm khai trương.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm