Sử dụng nguyên liệu thô để sản xuất thép tại Việt Nam là một việc làm cần thiết

Nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam dự báo đạt khoảng 11,7 triệu tấn trong năm 2010 và sẽ tăng thêm 10%/ năm trong 5 năm tiếp theo, đạt mức 20 triệu tấn thép vào năm 2015.

Trong vòng 10 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng và lượng tiêu thụ thép tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng GDP của cả nước. Nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam dự báo đạt khoảng 11,7 triệu tấn trong năm 2010 và sẽ tăng thêm 10%/ năm trong 5 năm tiếp theo, đạt mức 20 triệu tấn thép vào năm 2015. Tuy nhiên, hầu hết sản lượng tiêu thụ thép là từ nhập khẩu và điều này đã gây sức ép lớn đối với thâm hụt thương mại và dự trữ ngoại tệ quốc gia.
 
Để giúp tiết kiệm lượng ngoại tệ quy đổi và tránh tình trạng thâm hụt thương mại trầm trọng, Việt Nam cần phải sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu thô sẵn có.Thâm hụt thương mại của Việt Nam được dự báo là khoảng 12 tỷ USD trong năm 2009. Nếu trong thời gian tới lượng thép sản xuất từ nguyên liệu thô nội địa được tăng lên thì điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách và bảo vệ đồng VND khỏi sức ép trượt giá.
 
Việc ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước sẽ giúp Việt Nam cắt giảm chi phí phải trả cho những khoản tăng thêm từ sự chênh lệch giữa các thành phẩm nhập khẩu và nguồn nguyên liệu thô xuất khẩu. Một nhà máy sản xuất thép trong nước với công suất lớn có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu thép nội địa và dành 10%-15% công suất để xuất khẩu, qua đó, giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá sản phẩm nhập khẩu và giá sản phẩm trong nước.
 
Sử dụng nguyên liệu thô để sản xuất thép tại Việt Nam là một việc làm cần thiết - 1
Sản xuất thép

Tuy nhiên, chỉ có dự án nhà máy thép liên hợp mới có thể xử lý quặng thép và than cốc để sản xuất thép. Ông Indronil Sengupta- Giám đốc dự án khu vực Đông Nam Á, công ty thép Tata Steel Ấn Độ cho biết “Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu tới 50% nhu cầu phôi thép để sản xuất sản phẩm thép dài và nhập khẩu 90% nhu cầu về thép cán mỏng. Một nhà máy thép liên hợp sẽ sử dụng nguyên liệu thô (ví dụ như sắt) để sản xuất thép thành phẩm với công suất lớn. Triển khai một dự án thép liên hợp “đầu tư mới” rất phức tạp và khó khăn. Một con số minh chứng rõ ràng nhất là trong vòng 12 năm qua, không có một dự án thép liên hợp nào trên thế giới được triển khai thành công (ngoại trừ Trung Quốc)”

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Trưởng phòng Đầu tư Tổng công ty thép Việt Nam cho biết “Đối với loại dự án nhà máy thép liên hợp, Tata Steel, một trong số 10 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã đề xuất thực hiện tại Việt Nam với sự hợp tác cùng Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) và Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem). Và chúng tôi tin đây sẽ là một sự đầu tư nghiêm túc nhằm giữ vững cam kết đối với sự phát triển và mở rộng của ngành thép tại Việt Nam.”

“Ngoài ra, sản xuất mỗi một tấn thép đòi hỏi 1,8 tấn quặng thép và 0,8 tấn than cốc, nếu dựa trên giá thị trường để tính giá CIF nhập khẩu quặng sắt và than cốc thì tổng giá trị nhập khẩu sẽ là 466 USD/ tấn thép, nghĩa là sẽ mất 466 triệu USD/1 triệu tấn thép. Vì vậy, một dự án sản xuất thép như của Tata Steel-VnSteel sản xuất thép từ nguyên liệu thô sẽ giúp tiết kiệm 46 USD/ tấn thép hay 2,15 tỷ USD/ công suất 4,6 triệu tấn thép” ông Nguyên cho biết thêm.

Ông Đinh Huy Tâm, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận xét “Chúng tôi biết rằng việc sản xuất sử dụng nguyên liệu thô sẽ gây tác động tiêu cực tới môi trường và sự cạn kiệt nhanh chóng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, chúng tôi phải lưu ý trường hợp nguồn tài nguyên không được khai thác triệt để, bị bỏ ngỏ bởi các nhà đầu tư không nghiêm túc trong khi các nhà đầu tư nghiêm túc lại không được xem xét. Từng dự án thép hiện nay cần phải được rà soát lại kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng ta đang có những nhà đầu tư nghiêm túc và sẽ phải loại bỏ các nhà đầu tư không nghiêm túc. Số lượng các nhà đầu tư này đang gây cản trở cho các nhà đầu tư nghiêm túc là những công ty thấy được tiềm năng sản xuất tại Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều dự án thép chỉ trên giấy tờ mà chưa được triển khai. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nghiêm túc nhầm tưởng về sự quá tải nguồn cung thép, do đó, không cân nhắc đầu tư cẩn thận.”

Cũng theo ông Tâm, nhiều quốc gia hiện nay chỉ cân nhắc các dự án FDI từ 10 nhà đầu tư lớn nhất trên cùng một lĩnh vực vì các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có năng lực vốn và kỹ thuật vững mạnh để triển khai dự án với nguồn tài nguyên khai thác hiệu quả. Ví dụ, chính phủ Thái Lan chỉ mời 5 nhà đầu tư hàng đầu tham gia đầu tư nhằm đảm bảo chọn lựa được những nhà đầu tư chân chính, với sự đảm bảo vững mạnh về tài chính và công nghệ tiên tiến”.
 
Sử dụng nguyên liệu thô để sản xuất thép tại Việt Nam là một việc làm cần thiết - 2
Ông Indronil Sengupta - Giám đốc dự án Đông Nam Á - Tata Steel Ấn Độ

Ông Indronil cho biết thêm “Với hơn 100 năm kinh nghiệm trong ngành mỏ và sản xuất thép, Tata luôn cam kết tuân theo luật môi trường tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động. Đó là đạo đức và văn hoá của công ty. Chúng tôi luôn dành ít nhất 5% toàn bộ diện tích dự án để xây dựng “vành đai xanh” xung quanh và lắp đặt một số lượng lớn các thiết bị tiên tiến xử lý chất thải nhằm tối thiểu hoá tác động môi trường.”

Cùng với cam kết bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, theo Ông Trịnh Khôi Nguyên, Trưởng phòng Đầu tư Tổng công ty thép Việt Nam, nếu tính theo mức thâm hụt năm 2009, một dự án liên hợp như của Tata-VnSteel sẽ giúp giảm 18% thâm hụt thương mại (tiết kiệm 2,15 tỷ USD trên tổng giá trị thâm hụt thương mại là 12 tỷ USD).

Vì vậy, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần khuyến khích và đẩy mạnh các dự án sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu thô trong nước nhằm tiết kiệm lượng ngoại tệ quy đổi và ổn định đồng VND. Đây cũng là điều phải làm để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.