Sẽ trình Quốc hội dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong kỳ họp này

Hiện nay, Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) để hoàn thiện dự án và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Trong quá trình gần 2 năm xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức nhiều phiên họp Ban soạn thảo; thường xuyên họp Tổ biên tập để xây dựng Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để tiếp thu một cách toàn diện các ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 

Cụ thể, ngày 4/7/2012, Hội nghị về Quy trình đấu thầu hiệu quả cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hà Nội đã được tổ chức để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam về Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội nghị ngày 31/7/2012 tại Hà Nội để tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, hiệp hội - đối tượng chịu tác động trực tiếp khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ban hành.

 

Tiếp đó, trong tháng 8/2012, hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM đã được tổ chức để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư, Ban QLDA góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); đồng thời nhiều hội thảo khác cũng đã được tổ chức để xin ý kiến đóng góp của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Liên minh châu Âu cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về đấu thầu đến từ Mỹ, Anh, New Zealand.

 

Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến theo các hình thức nêu trên, Bộ KH&ĐT còn thuê chuyên gia quốc tế và trong nước làm việc liên tục trong thời gian 2 tháng để nghiên cứu và góp ý chi tiết từng điều, khoản của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); đồng thời đã tiếp thu 200 ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

 

Với mục tiêu tăng cường tính pháp lý của hoạt động đấu thầu, thống nhất các quy định của Nhà nước về đấu thầu theo hướng là luật chung về đấu thầu; đồng thời nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu; giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đấu thầu, góp phần tiết kiệm nguồn vốn có hạn của Nhà nước, Bộ KH&ĐT đã và đang nỗ lực hết mình để sớm hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 

Tại Phiên họp thứ 18 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), qua thảo luận, đa số các thành viên của UBTVQH đánh giá, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đáp ứng được mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật; đồng thời cũng nêu lên một số nội dung cần được xem xét, hoàn chỉnh.

 

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này. 

 

 - Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, Chính phủ đã thảo luận và quyết nghị thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đồng thời giao Bộ KH&ĐT, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 

- Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và chương trình làm việc của UBTVQH tại phiên họp thứ 18, ngày 21/4/2013, Chính phủ đã có Tờ trình số 158/TTr-CP gửi UBTVQH về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 

- Ngày 26/4/2013, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp toàn thể để xem xét, thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

 

- Ngày 10/5/2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) gửi UBTVQH.

 

 Bích Thảo