Phát triển năng lượng tái tạo EVN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn thực hiện hai nhiệm vụ kép đó là vừa mua điện của các doanh nghiệp sản xuất điện NLTT vừa triển khai kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện sạch.

Thu mua điện NLTT

Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư các nhà máy điện NLTT bao gồm thủy điện nhỏ dưới 30MW, điện mặt trời, điện gió, điện bã mía... Do không phải tham gia thị trường điện nên luôn được EVN thu mua toàn bộ theo quy định của nhà nước.

Trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt trong Quyết định 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 có nêu rõ: "các đơn vị quản lý lưới điện ký thỏa thuận đấu nối lưới điện với các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để phát điện đã được cấp giấy phép hoặc có trong danh mục các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối lưới điện trong khu vực thuộc phạm vi hệ thống lưới điện do các đơn vị điện lực quản lý".

Trên thực tế, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống điện đấu nối nhằm thu gom điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ, mặt trời và điện gió; huy động tối đa sản lượng của các nhà máy thủy điện nhỏ kể cả trong mùa mưa, nhất là các thủy điện ở phía Bắc; đồng thời tuân thủ nghiêm túc áp dụng biểu giá chi phí tránh được do Bộ Công Thương ban hành. Điều này đã giúp các chủ đầu tư thủy điện nhỏ, NLTT yên tâm sản xuất; giải quyết khó khăn về giá điện cũng như các vấn đề khác. Mặt khác giúp giảm nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.

Quan trọng hơn, việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cho thấy EVN đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong việc chia sẻ lợi ích; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn điện. (Nếu theo kinh tế thị trường mà không có sự điều tiết của nhà nước, EVN hoàn toàn có thể không huy động các nguồn này - PV).

Phát triển năng lượng tái tạo EVN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép - 1

Bên cạnh đó, với trách nhiệm là doanh nghiệp nhà nước, hiện EVN cũng đã tiếp nhận quản lý, vận hành nhiều hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhiều đảo xa bờ ở Việt Nam.

Chú trọng phát triển NLTT

Bên cạnh việc thu mua điện từ thủy điện nhỏ, NLTT, bản thân EVN xác lập định hướng và chủ trương chung trong nghiên cứu phát triển năng lương tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng của mình và tại các đơn vị thành viên nhằm: Góp phần bổ sung nguồn điện xanh, sạch cho đất nước; Làm mục tiêu so sánh giá thành, đánh giá chi phí tối ưu và hiệu quả của dự án điện mặt trời để có cơ sở tham mưu cho Chính phủ/ Bộ Công Thương trong lĩnh vực phát triển điện mặt trời/năng lượng tái tạo của Việt Nam; Đáp ứng nhiệm vụ nêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015).

Theo đó, đối với điện mặt trời, EVN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển một số dự án Nhà máy điện mặt trời (có nối lưới) tại các địa điểm có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; Ưu tiên lựa chọn các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN, xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và trên quỹ đất thuộc vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện, nhằm mục đích thuận lợi trong đấu nối lưới điện, giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý vận hành sau này.

Trong các năm qua, Tập đoàn đã giao các Tổng công ty Điện lực khẩn trương rà soát hiện trạng và quy hoạch phát triển lưới điện phân phối trong địa bàn quản lý của đơn vị để thông báo cho UBND các tỉnh về khả năng đáp ứng việc truyền tải công suất, kết nối lưới điện... của từng khu vực/địa bàn, để UBND các tỉnh xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án điện mặt trời/năng lượng tái tạo cho phù hợp.

Báo cáo của EVN cho thấy, đến thời điểm này, EVN và các đơn vị thành viên của EVN đang triển khai các bước Quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 3.100MW. Cụ thể, công ty mẹ Tập đoàn đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 04 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575MW bao gồm dự án Phước Thái (200MW), Sông Bình (200MW) và Sê San 4 (49MW); đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư (Dự án Trị An đang trình duyệt QH). Bên cạnh đó, EVN đang triển khai bước nghiên cứu quy hoạch 02 dự án (Phước Trung, Ninh Thuận ~50MW; Lộc Ninh 1, Bình Phước ~200MW).

Còn các Tổng công ty thành viên đang triển khai 17 dự án với tổng công suất khoảng 1.700MW. Trong đó 3 Tổng công ty phát điện 1-2-3 thực hiện 12 dự án; Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện 02 dự án, tổng công suất khoảng 4,2MW; Tổng công ty Điện lực miền Trung với 03 dự án, tổng công suất 57,3MW.

Đối với điện gió, hiện EVN đang quản lý vận hành nhà máy điện gió với công suất 6MW trên đảo Phú Quý sau khi tiếp nhận từ PVN; Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình (vốn góp của EVN và các đơn vị thành viên) đã đưa vào vận hành 01 dự án 24 MW và đang nghiên cứu phát triển 04 dự án với tổng công suất khoảng 570MW. Ngoài ra, các Tổng Công ty đang nghiên cứu đầu tư một số dự án điện gió tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Những kiến nghị đề xuất

EVN được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… vì vậy bên cạnh việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các nhà máy điện khác, EVN sẽ tiếp tục phát triển nguồn điện NLTT.

Tuy nhiên ngoài những khó khăn thách thức về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng...trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung vẫn còn nhiều tồn tại như: Các quy hoạch NLTT/ Điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện; Công suất phát của NLTT không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời..., với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện; Hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành/ tiêu chuẩn thiết kế, vận hành... đối với lĩnh vực NLTT còn thiếu, chưa đồng bộ.

Để tạo điều kiện cho NLTT phát triển, đại diện Tập đoàn EVN kiến nghị, về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách (vốn, thuế, đất đai..) để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện NLTT. Lập quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia gắn liền với việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện NLTT; Tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT; Các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn NLTT...

Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện; Các cơ chế, chính sách đảm bảo sự phát triển NLTT gắn liền vớicác yếu tố đảm bảo hiệu quả chung của Hệ thống điện và chi phí hệ thống.

Nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng, song song, đồng bộ với phát triển NLTT. Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về cơ chế đấu giá dự án NLTT. Đối với các địa phương cần cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch.

Đình Dũng