Liên kết với nông dân để nuôi dế, doanh nghiệp trẻ vươn tầm thế giới, bà con cải thiện thu nhập
(Dân trí) - Ngành chăn nuôi dế mèn ở Việt Nam đã xuất hiện từ 20 năm trước nhưng quy mô vẫn nhỏ, sản lượng thấp và chưa tạo ra được sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, Cricket One, một doanh nghiệp xã hội của Việt Nam đang cố gắng thay đổi điều đó và hơn thế nữa với sức ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Vừa qua, Cricket One của Việt Nam đã xuất sắc lọt vào danh sách 7 đội gọi vốn thành công trong Chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ 2018 (YSE 2018). Phóng viên đã có dịp trao đổi với anh Đặng Cao Nam và chị Bicky Nguyễn, CEO của Cricket One về doanh nghiệp trẻ thú vị này.
1. Cơ duyên nào khiến anh/chị đi đến quyết định thành lập Cricket One?
Cricket One: Năm 2016, chúng tôi vô tình đọc được một ấn bản của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Trong ấn bản đó, FAO đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dế trong việc giải quyết các vấn đề an ninh lương lực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Ngay lập tức, suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu chúng tôi là tại sao không sản xuất dế ở Việt Nam và đưa ra thế giới, bởi vì chúng ta có đầy đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, giống bản địa, và con người.
Sau đó, chúng tôi nghiên cứu các công ty làm dế trên thế giới, tham quan các trại dế lớn nhỏ ở Việt Nam, học hỏi, và cho rằng còn quá nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp xanh của tương lai cũng như mang lại sự thay đổi trong thị trường này. Từ những kết luận đó, chúng tôi thiết kế những thử nghiệm, và Cricket One được ra đời.
2. Được biết, Cricket One ứng dụng công nghệ để nuôi dế mèn. Vậy Cricket One ứng dụng công nghệ ra sao và điều này có hạn chế được những khuyết điểm đã tồn tại 20 năm nay của ngành chăn nuôi dế Việt Nam?
Cricket One: Doanh nghiệp chúng tôi tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi cung ứng của nghành dế để đảm bảo sản xuất dế ra năng suất cao hơn, giá rẻ hơn, và tạo được các sản phẩm giá trị gia tăng từ dế.
Trước tiên, Cricket One hoàn thiện hệ thống và quy trình nuôi dế để đảm bảo tỉ lệ sống cao, năng suất tốt, và độ ổn định. Điều này bao gồm việc thiết kế chuồng trại ứng dụng các thiết bị thông minh để tối ưu môi trường sống cho dế sinh trưởng. Các kỹ thuật thực hành chăm sóc dế qua từng giai đoạn sinh trưởng, chuẩn hóa các thiết bị trong chăn nuôi dế.
Thêm nữa, Cricket One phối hợp với trường đại học để phát triển chương trình thức ăn chuyên biệt cho dế sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Mục đích ở đây là phù hợp nhất với chi phí thấp nhất.
Bên cạnh đó, Cricket One cũng liên kết với nông dân sản xuất dế. Chương trình liên kết gồm đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư các vật tư chính trong chăn nuôi dế, cung cấp con giống và đầu ra hoàn toàn. Chúng tôi hướng tới một liên kết bền vững để giúp bà con nông dân có một sinh kế ổn định, thu nhập tốt.
3. Vậy nguồn thức ăn, chế độ chăm sóc, chi phí để nuôi dế là gì và có đắt không?
Cricket One: Chi phí nuôi dế chỉ bằng một nữa so với nuôi gà. Hơn nữa, chúng tôi có chương trình liên kết với nông dân tái chế một số phụ phẩm nông nghiệp phổ biến làm nguyên liệu thức ăn cho dế. Từ đó bà con có thể tiết kiệm một phần chi phí thức ăn.
Hiện tại mô hình phổ biến của chúng tôi là 200m2, mỗi tháng có thể sản xuất được 2 - 2,5 tấn dế.
4. Vạn sự khởi đầu nan, câu này có đúng với Cricket One và cụ thể những khó khăn đó là gì?
Cricket One: Khó khăn từ những ngày khởi sự xuất phát từ 3 chữ “Thiếu”.
Thứ nhất là thiếu kiến thức, vì chúng tôi đột ngột “nhảy” vào một nghành hoàn toàn mới mà trước đó chưa hề có một khái niệm gì. Vượt qua khó khăn đó, chúng tôi tìm thầy để học và tự học.
Thứ hai là thiếu tiền. Tiền để thử nghiệm, tiền để xây nhà xưởng, trả lương cho nhân viên… Đây thật sự là thách thức lớn vì tiền đầu tư khởi nghiệp đa phần rơi vào các công ty internet, và nông nghiệp hay thực phẩm là một lĩnh vực khá “chát” trong mắt nhà đầu tư. May thay, từ năm 2017 các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và khu vực phát triển mạnh, và Cricket One cũng được hưởng lợi từ những trào lưu đó.
Cuối cùng là thiếu con người, hay đúng hơn là khó thu hút người tài. Kiếm được một nhân sự yêu nông nghiệp, yêu nền sản xuất xanh và muốn giúp đỡ nông dân đúng là không dễ. Cách làm hiện tại của chúng tôi là phát triển lao động địa phương, và thu hút sinh viên ra trường trở về xây dựng quê hương.
5. Lý do nào khiến Cricket One quyết định tham gia chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ 2018 (Young Social Entrepreneurs – YSE) do Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation – SIF) tổ chức? Chương trình này có gì thu hút Cricket One?
Cricket One: Lúc nộp đơn tham gia YSE, chúng tôi cũng chưa biết điều gì chờ đợi ở phía trước. Chúng tôi bị thu hút bởi sử mệnh của chương trình là “Better Together”.
Nhưng chương trình YSE đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi cho rằng giá trị lớn nhất mà chúng tôi nhận được là được truyền cảm hứng bởi quá nhiều câu chuyện, quá nhiều nhân vật. Nguồn năng lượng của họ thật là mạnh mẽ, khát vọng làm đẹp cuộc sống, giúp đời của các bạn thật tuyệt vời.
Chúng tôi cũng học được cách người Singapore bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và đối phó với tệ nạn xã hội. Hay một công ty café giúp phụ nữ bị bạo hành làm lại cuộc đời qua đào tạo và tạo công ăn việc làm... Được nghe họ, học và cảm nhận họ, chúng tôi thấy con đường minh đang đi gian nan mà tươi đẹp, và thấy vững tin vì biết rằng đâu đó chúng tôi luôn tìm được sự giúp đỡ.
6. Nhận được vốn hỗ trợ từ chương trình YSE để mở rộng quy mô hoạt động của mình, Cricket One đã có kế hoạch gì trong năm 2019 và những năm sau nữa?
Cricket One: Vốn tài trợ của YSE đến với Cricket One trong giai đoạn chúng tôi cần tài chính để tăng trưởng. Nguồn tiền này chúng tôi sử dụng vào một mục rất quan trong – xin Novel Food Dossier cho dế vào thị trường châu Âu. Đây là khoản đầu tư rất quan trọng đảm bảo sản phẩm của chúng tôi có thể tiếp cận người mua ở Châu Âu một cách suôn sẽ trong những năm sắp tới.
7. Cricket One nghĩ mình sẽ đóng góp được gì cho Việt Nam, cho các nước trong khu vực và rộng hơn nữa là cho toàn cầu với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực?
Cricket One: Sứ mệnh chúng tôi là sản xuất protein bền vững với giá cả phải chăng thông qua việc phối hợp với nông dân để sản xuất và giúp họ cải thiện cuộc sống. Là một doanh nghiệp xã hội mới chỉ 2 tuổi, Cricket One còn nhiều điều để phần đấu nhưng ít nhất chúng tôi đã xây dựng được một bệ phóng để có thể phát triển về sau.
Kỳ vọng trong một tương lai gần sẽ có nhiều người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm từ dế, và xa hơn nữa là dế sẽ có mặt bàn ăn của các hộ gia đình như thịt heo hay thịt gà.
Xin cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện!
Hồng Vân