Làm giàu không khó: Nghệ thuật cư xử với nhân viên

Trong doanh nghiệp, cách cư xử với nhân viên rất đa dạng, có thể tùy thuộc vào tính cách và suy nghĩ của người quản lý, lãnh đạo. Nếu không để ý những điều tưởng như nhỏ nhặt này thì doanh nghiệp sẽ gặp phải khá nhiều rắc rối.

Chương trình Làm giàu không khó? phát trên VTV1 đã từng có dẫn chứng về cách cư xử của người lãnh đạo với nhân viên và hiệu quả của nó. Tập đoàn xe hơi Chrysler, từng là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 3 tại Mỹ. Trong một giai đoạn, việc kinh doanh tại chi nhánh Ý của Chrysler không được như ý. Lee Iaccocca, một nhà quản trị tài ba, khi đó là Tổng Giám đốc điều hành ở tập đoàn đã rất chú tâm vào vấn đề này.

Ông nhận thấy, nguyên nhân là do vị Giám đốc điều hành của chi nhánh tuy có năng lực tốt nhưng cách thức quản lý lại không thích hợp. Italia là một dân tộc lãng mạn, không quen với việc bị chỉ trích trực diện. Khi nhân viên mắc lỗi, ông Giám đốc chi nhánh này thường chỉ trích họ hết sức nặng nề, gây ra mâu thuẫn nội bộ giữa lãnh đạo với cấp dưới. Do vậy, nhân viên mất hết tinh thần và hứng thú làm việc, từ đó dẫn đến sự sa sút của chi nhánh.

Để khôi phục hoạt động kinh doanh, đồng thời cảnh tỉnh thái độ cũng như phương pháp quản lý của vị Giám đốc chi nhánh Ý, Iaccocca đã điều động ông này sang chi nhánh ở Pháp và bổ nhiệm một Giám đốc mới cho chi nhánh Ý. Ông Giám đốc điều hành mới này rút kinh nghiệm, đã tìm hiểu cặn kẽ tâm lý, thói quen, văn hóa của người Ý và đã đưa ra được cách quản lý mềm mỏng, tế nhị hơn.

Vì thế mà hoạt động kinh doanh tại chi nhánh ở Ý nhanh chóng được phục hồi và có tác động đến toàn bộ hệ thống Chrysler. Như vậy, dù kinh doanh có những nguyên tắc nhất định, người quản lý cũng phải dựa trên bản sắc văn hóa và tính cách của người lao động để có cách xử sự hợp lý nhất. Điều này giống như câu ca dao:“Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” của ông bà ta vậy.

Toyota có một quy tắc rất “ngược đời” được đề ra tại đây là các nhà quản trị không được quát tháo, đe dọa hoặc trừng phạt nhân viên dưới quyền khi có sai sót xảy ra trong quá trình làm việc. Thực ra đó không phải là cách quản lý e ngại nhân viên, mà thái độ xử sự này mới tạo cơ hội để nhân viên nếu có sai sót sẽ được báo cáo ngay và đầy đủ với lãnh đạo.

Từ đó, người quản lý mới có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa, giúp cho việc sửa đổi chính sách và các quy trình thực hiện công việc phù hợp và sát với thực tế của công ty hơn. Chính vì phương châm quản lý con người giàu tính nhân văn này mà sự nghiệp kinh doanh của Toyota ngày một phát triển, nguồn lực con người của họ luôn ổn định và lớn mạnh.

Những câu chuyện này tuy nói về những doanh nghiệp lớn và đa quốc gia nhưng là bài học quý báu cho các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Không thể chạy đua về tiền lương và các chế độ đãi ngộ như các công ty lớn, các nhà quản trị của doanh nghiệp nhỏ có thể biến cách đối xử với nhân viên thành công cụ duy trì sự ổn định về nhân sự và tăng hiệu quả công việc.

Về hai câu chuyện trên, khán giả có thể xem trong chương trình Làm giàu không khó? phiên bản 1 số 27 trên http://mfo.mquiz.net.

Hồng Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm