Kinh tế tri thức, mô hình tương lai của ĐKKT Vân Đồn?

(Dân trí) - Từ những năm 60, rất nhiều nước, đặc biệt ở châu Á đã bắt đầu xây dựng các ĐKKT để từ bỏ chiến lược phát triển thay thế nhập khẩu và nhằm tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu...

Theo ông Nguyễn Như Văn, Tiến sĩ, chuyên gia công nghệ AVSE Global, khái niệm Đặc Khu Kinh Tế (ĐKKT) đã có từ rất lâu, bắt đầu với mô hình các khu tự do thương mại hoặc các khu chế xuất đến đặc khu kinh tế toàn diện (đây là mô hình của đặc khu Thâm Quyến nổi tiếng của TQ), khu phát triển công nghiệp công nghệ cao , khu công nghiệp sinh thái. Từ những năm 60, rất nhiều nước, đặc biệt ở châu Á đã bắt đầu xây dựng các ĐKKT để từ bỏ chiến lược phát triển thay thế nhập khẩu và nhằm tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu.

Đặc khu kinh tế toàn diện Thâm Quyến, Trung Quốc
Đặc khu kinh tế toàn diện Thâm Quyến, Trung Quốc

Tuy nhiên đa số các ĐK đều tập trung vào các hoạt động kinh tế liên quan đến xuất khẩu: kho ngoại quan, lắp ráp, chế biến, kinh doanh biên giới đối với vận tải và dịch vụ tài chính. Chỉ một số ĐK được thiết lập rõ ràng để tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), như các khu phát triển công nghệ cao và các khu khoa học. Hầu hết các ĐKKT đều được liên kết hoặc gần với vị trí với các cảng.

Trong các ĐKKT, chính phủ điều chỉnh luật pháp địa phương để tạo điều kiện hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư, mục tiêu là giảm số lượng các thủ tục quan liêu và làm cho quá trình đăng ký và bắt đầu một doanh nghiệp nhanh hơn.

Mặc dù Vân Đồn được hướng đến mô hình ĐKKT toàn diện, các chính sách phát triển và mục tiêu của nó vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Các nước trên thế giới đã đưa ra các dự án ĐKKT để theo đuổi các mục tiêu như: thu hút FDI, tăng cường việc làm, kiến thức và trao đổi công nghệ, sáng tạo; cải tiến và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế (trong nước và quốc tế); đa dạng hóa xuất khẩu, hợp tác và cạnh tranh; khuyến khích các công ty khởi nghiệp và các ngành bổ sung khác.

Phối cảnh đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh.
Phối cảnh đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh.

Với sự phát triển mạnh của các ĐKKT trên thế giới, các chính sách và thực tiễn quản lý các ĐK thay đổi theo thời gian. ĐKKT không còn chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm như trước mà sẽ chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế tri thức. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp dịch vụ ở các nước đang phát triển, ngày càng có nhiều ĐKKT sẽ phải phục vụ cho xu hướng dịch vụ dựa trên tri thức này. Các lĩnh vực dịch vụ như hậu cần, tài chính và công nghệ thông tin dường như là làn sóng của tương lai, phản ánh qua ưu thế của các dịch vụ này trong GDP và sự tăng trưởng của chúng trong thương mại. Ngoài ra các ĐKKT với nền kinh tế tri thức cũng có thể giúp tạo ra các thành phố thông minh hơn, làm cho chúng trở nên quan trọng đối với sự phát triển đô thị dài hạn của chính phủ,

Ví dụ, thành phố thông minh Songdo trong khu kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc phục vụ cho các ngành thương mại, y tế, giáo dục và khách sạn.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) "Khái niệm phát triển đô thị và tạo ra các thành phố thông minh sẽ ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của các ĐKKT dựa trên tri thức và công nghệ cao bằng cách kết hợp các trung tâm R&D, quản trị điện tử, lao động lành nghề và các trung tâm thương mại và giải trí khác."

Điều này cũng được hiểu rằng chúng ta cần các thành phố thông minh để tận dụng tốt nhất công nghệ cao nhằm cải thiện mức sống và giảm thiệt hại về môi trường. Các ĐKKT công nghệ cao, dựa trên nền kinh tế tri thức có thể đóng góp để thực hiện mục tiêu đó. Chúng được liên kết với các hệ thống quản trị điện tử, các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các tổ chức giáo dục...

Vì thế, chính phủ cần có kế hoạch dài hạn phát triển thành phố với các ĐKKT. Đặc khu Iskandar của Malaysia là một ví dụ về việc giải quyết các khía cạnh khác nhau của việc đô thị hóa thông qua ĐKKT. Mục đích là làm cho hành lang kinh doanh này ở bang Johor của Malaysia cạnh tranh hơn về cơ sở hạ tầng, quản trị, kết nối, di động, nhà ở, môi trường, y tế và giáo dục. Cuối cùng, mục tiêu là tăng đầu tư và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Xây dựng chính sách và mục tiêu cho một ĐKKT dễ dàng hơn nhiều so với việc đưa nó vào hoạt động và phát triển. Sự phát triển của ĐKKT có thể không dẫn đến kết quả mong đợi liên quan đến lợi nhuận thuế đầy đủ, vì chúng rất thấp. Các ưu đãi tài chính có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư ngắn hạn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển ĐK. Tuy nhiên, các ưu đãi này không có đủ tác động đối với thành công lâu dài.

Đối với vấn đề này, các ĐKKT dựa vào nền kinh tế tri thức sẽ có những kết quả tốt trên một bức tranh lớn hơn: các ĐKKT dựa vào nền kinh tế tri thức sẽ không ngừng thúc đẩy các nền kinh tế địa phương, không chỉ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn bằng cách làm chủ công nghệ và sáng tạo có giá trị gia tăng cao, tạo ra các công việc có tay nghề cao trong khu vực và tạo ra công việc ngoài khu vực trong các lĩnh vực hỗ trợ bao gồm xây dựng, dịch vụ và cung cấp.

Hơn nữa, các ĐKKT này có thể trở thành một động lực chính cho phát triển quốc gia thông qua các liên kết ngược và chuyển tiếp với phần còn lại của nền kinh tế trong nước, tạo cơ hội đáng kể cho việc chia sẻ kiến ​​thức, công nghệ sáng tạo và kỹ năng. Điều này làm cho các ĐKKT dựa vào nền kinh tế tri thức rất cần thiết cho chiến lược phát triển của chính phủ.