Khẳng định vị thế Chè Việt

Nằm trong các nhóm quốc gia xuất khẩu chè hàng đầu thế giới, Việt Nam đang cùng Srilanka, Ấn Độ, Trung Quốc và Kenya vẽ nên bản đồ về các vùng nguyên liệu nổi tiếng và tạo thêm động lực cho ngành chế biến chè.

Nếu như trước đây, giới nghiên cứu vẫn còn tranh luận về sự tồn tại của văn hóa trà trong đời sống người Việt thì giờ đây khái niệm đó đã trở nên rõ ràng.  Khởi nguyên từ những búp chè hái từ rừng Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái cho tới nồi trà xanh đun theo kiểu nhà  nhà nông, hái ở hàng rào sân nhà, cách thức uống trà của dân tộc đã dần được nâng tầm theo năm tháng, không quá cầu kỳ mà vẫn chứa đựng triết lý sống đầy nhân văn.
Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2013 diễn ra trong 2 ngày 8-9/10
Hội nghị quốc tế Chè Việt Nam 2013 diễn ra trong 2 ngày 8-9/10

Nếu như trà Tân Cương, Thái Nguyên thiên về hương vị chát, ngọt hậu đặc trưng thì dòng shan tuyết Hà Giang lại khiến khách thưởng thức trà thích thú bởi phong vị sương khói nguyên sơn của núi rừng toát ra từ những búp phủ lớp lông tơ trắng như tuyết. Những búp trà shan 1 tôm 2 lá, đặc biệt sản phẩm trà 1 búp khi được pha chế sẽ tỏa mùi hương quyết rũ, hương vị như chứa đựng gió, nắng cao nguyên.

Miêu tả về cái thú của việc uống trà thì chắc chắn văn học Việt từ cổ chí kim khó ai vượt qua Phạm Đình Hổ khi ông viết Trà ca. Tinh thần của đạo Lão mong đạt tới vô vi, ý chí của người quân tử luôn hướng về cái tinh của học thuật... dường như đều chứa đựng trong việc thưởng trà và ngày nay những người tâm huyết với ngành chè Việt đều mong mỏi nâng thương hiệu của mình ra thế giới, đưa Việt Nam lên ngang tầm với các cường quốc xuất khẩu chè. Điều này là hoàn toàn có thể khi hiện tại, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 5 trên thế giới.

Chương trình Hội nghị Quốc tế Chè tại Việt Nam “5th VIETNAM TEA OUTLOOK 2013” là chương trình được ngành Chè tổ chức hàng năm diễn ra  trong hai ngày 8 - 9 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội và đi thực địa tại Phú Thọ.

Ngoài mục đích chính là quảng bá các sản phẩm đặc trưng, các vùng chè lớn, tìm kiếm các cơ hội giao thương và đầu tư giữa các doanh nghiệp chè trong và ngoài nước, Hội nghị được tổ chức đặc biệt bàn về các giải pháp về sản xuất, quản lý kinh doanh chè theo hướng an toàn và bền vững, các giải pháp thúc đẩy mở rộng thị trường nâng cao giá trị sản phẩm như giải pháp về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giải pháp phát triển nguyên liệu chè bền vững, giải pháp tổng thể cho chè bền vững - bài học từ Cà phê, đánh giá về chè Việt Nam của các doanh nghiệp chè quốc tế, xu hướng tiêu dùng chè trên thế giới, cơ hội và thách thức cho chè Việt Nam.

Thành phần tham gia Hội nghị là đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè, các chuyên gia chè, các tổ chức NGO tại Việt Nam và các nhà nhập khẩu chè Hoa Kỳ, Nga, Maylaysia, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan, các Hiệp hội chè quốc tế.

PV