Hàn Quốc tặng hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 cho Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về công nghệ hạt nhân giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) – Bộ khoa học và Công nghệ (MOST) với Hàn Quốc, VINATOM đã nhận được hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 thông qua việc hợp tác với Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc – KOTRA Hà Nội và Công ty Hàn Quốc SI DITECTION.

Hàn Quốc tặng hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 cho Việt Nam - 1

 

Hàn Quốc tặng hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 cho Việt Nam - 2

Hệ thiết bị này bao gồm 01 phổ kế ghi bức xạ gamma đa kênh đặt tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) và 01 server quản lý đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST), được lắp đặt và đưa vào vận hành ngày 01/12/2015 do công ty SI DITECTION trao tặng thông qua dự án CSR (trách nhiệm xã hội) của Văn phòng Kotra Hà Nội.

Hệ thiết bị được thiết kế để giám sát liên tục theo thời gian thực suất liều bức xạ gamma môi trường xung quanh, hệ thống này có khả năng phân biệt giữa nuclit phóng xạ tự nhiên và nhân tạo, và truyền tải dữ liệu thông qua mạng lưới trực tuyến kết hợp với các trạm quan trắc phóng xạ khác. EFRD-3300 là sản phẩm từ sự phát triển và nghiên cứu chung của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Viện an toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) và SI DITECTION sản xuất các hệ thống phát hiện bức xạ. Hệ thống EFRD tương tự đã được đưa vào các mạng lưới quan sát bức xạ toàn quốc tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Qatar và Hàn Quốc từ năm 2000.

Hàn Quốc tặng hệ thiết bị quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến EFRD-3300 cho Việt Nam - 3

Hệ thiết bị EFRD-3300 hoàn toàn mới này sẽ góp một phần quan trọng trong hệ thống quan trắc và cảnh báo tình trạng bức xạ môi trường, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần giám sát bức xạ kịp thời, ví dụ như thảm họa nhiễm phóng xạ từ sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011. Hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường theo thời gian thực này cũng được thiết kế để nhận dữ liệu bức xạ từ các trạm giám sát từ xa khác. Các hệ thiết bị này có thể được lắp đặt tại các khu vực đã được lựa chọn trong cả nước, góp phần nâng cao khả năng cảnh báo sớm và ứng phó sự cố bức xạ của Việt Nam.