Hải quan An Giang ngăn chặn gian lận trong hoàn thuế GTGT

Cục Hải quan An Giang cho biết, thời gian qua có một số DN đã làm thủ tục xuất khẩu (XK) sang Campuchia, có dấu hiệu quay vòng toàn bộ lô hàng đã thực xuất, sau đó tiếp tục làm thủ tục XK để lợi dụng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Hải quan An Giang tăng cường giám sát hàng hoá XK để ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT. Ảnh: Đ.N
Hải quan An Giang tăng cường giám sát hàng hoá XK để ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT. Ảnh: Đ.N

 

Những dấu hiệu nghi vấn

 

Dấu hiệu có thể dễ nhận biết là tình trạng lượng tiền mặt tiền đồng Việt Nam làm thủ tục nhập qua cửa khẩu cũng tăng đột biến. Nếu như năm 2011, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình- Cục Hải quan An Giang xác nhận lượng tiền mặt tiền đồng Việt Nam qua cửa khẩu chỉ có 969 tỷ đồng thì năm 2012 tăng lên hơn 5.000 tỷ đồng.

 

Từ đầu năm 2013 đến đầu tháng 8/2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã xác nhận trên tờ khai nhập cảnh khoảng 2.000 trường hợp người nhập cảnh mang theo tiền mặt tổng cộng 5.100 tỷ đồng. Trong những tờ khai nhập cảnh, xuất cảnh này, người nhập cảnh kê khai mang tiền mặt trung bình từ vài trăm triệu đến vài ba tỷ đồng, một số ít tờ khai lên đến hơn 9 tỷ đồng /tờ khai.

 

Sở dĩ phát sinh tình hình này là xuất phát từ quy định tại Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN ngày 5/1/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

 

Theo đó, thương nhân Campuchia được sử dụng tiền mặt tiền đồng Việt Nam mang từ Campuchia vào, có xác nhận của hải quan cửa khẩu trên tờ khai hải quan khi nhập cảnh. Số tiền này sau khi có xác nhận của Hải quan được thương nhân Campuchia chuyển vào tài khoản mở tại các ngân hàng của người không cư trú tại Việt Nam để thanh toán cho thương nhân Việt Nam.

 

Theo Cục Hải quan An Giang, do địa bàn khu vực cửa khẩu giữa hai nước Việt Nam-Campuchia dài, khó quản lý nên không tránh khỏi việc hợp thức hóa tờ khai nhập cảnh có khai  tiền mặt tiền đồng Việt Nam để chuyển vào tài khoản mở tại các ngân hàng của người không cư trú tại Việt Nam để làm thủ tục hoàn thuế GTGT bằng cách mang tiền mặt từ nội địa đi qua hai cánh gà cửa khẩu sang biên giới, sau đó quay về qua cửa khẩu để làm thủ tục hải quan.

 

Về quản lý, Cục Hải quan An Giang đã thí điểm đối với điện thoại di động XK, Cục Hải quan An Giang đã yêu cầu DN phải kê khai và thực hiện kiểm tra đối chiếu số EMIE trên từng thân máy của toàn bộ 100% lô hàng để tránh xuất khống, xuất thiếu hàng hoá. Và kết quả cho thấy những DN có dấu hiệu lợi dụng đều ngưng hoạt động, giảm 80% kim ngạch và 80% DN ngưng hoạt động và có một số DN đã giải thể.

 

Tăng cường công tác quản lý

 

Trước tình hình trên, Cục Hải quan An Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lưu ý công tác quản lý đối với các DN XK các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, tiêu dùng; tăng cường vai trò trách nhiệm quản lý địa bàn để phòng chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, phòng ngừa hoàn thuế GTGT; lập tiêu chí phân tích cấp Cục đối với các DN có rủi ro cao; tăng cường công tác nắm tình hình, sưu tra trọng điểm đối với DN có xuất khẩu loại hình xuất kinh doanh sang thị trường Campuchia.

 

Cục cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp kiểm tra kiểm soát, bắt giữ xử lý các DN có hành vi xuất thiếu, xuất khống, xuất lậu hàng hoá; giám sát chặt chẽ  phương tiện vận chuyển hàng hoá đã thực xuất qua cửa khẩu nhưng vẫn còn nằm lân cận khu vực biên giới địa phận Campuchia chờ trong đêm tìm cách lén lút quay lại trái phép qua biên giới để tiếp tục quay vòng làm thủ tục XK để hoàn thuế GTGT nhiều lần.

 

Cục cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang, Tổng cục Hải quan được thí điểm đối với mặt hàng thuốc lá phải có bàn kê ghi rõ ngày sản xuất, số lô, xuất xứ, nhãn hiệu và ghi dấu đã kiểm tra vào vỏ thùng ngoài đính kèm bộ hồ sơ lưu hải quan để chống quay vòng trở lại VN rồi tiếp tục làm thủ tục XK hoàn thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Cục Hải quan An Giang cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan đề xuất Bộ Tài chính trao đổi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh quy định về thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia được ban hành kèm theo Quyết định 17/2004/QĐ-NHNN. Theo đó, đề nghị việc thanh toán cho một lô hàng có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên phải thông qua hệ thống ngân hàng.

 

Đồng thời quy định mức tối đa đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của khách xuất nhập cảnh khi xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương hộ chiếu quy định tại Quyết định 92/2000/QĐ-NHNN và Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh nhằm tránh việc lợi dụng để hoàn thuế GTGT./.

 

Theo Đăng Nguyên

Báo Hải Quan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm