Gian nan nghề lính truyền tải

Từng là lính biên phòng, anh Nguyễn Hữu Thành, Đội trưởng Đội truyền tải điện Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, công việc của “lính truyền tải” có nhiều điểm giống lính biên phòng. Bộ đội biên phòng đặc thù là kiểm tra cột mốc, lính truyền tải kiểm tra cột điện.


Những hình ảnh phi thường của lính truyền tải điện

Những hình ảnh phi thường của "lính" truyền tải điện

Người lính thầm lặng

Bất kể ngày mưa, nắng những người làm nghề đường dây truyền tải điện vẫn lặng lẽ trên những tuyến đường dây điện, kiểm tra từng đoạn dây dẫn, từng vị trí cột, phát hiện, sửa chữa, tu sửa những hư hỏng trên hệ thống đường dây đảm bảo cho dòng điện an toàn ổn định.

Được biết, để đảm bảo đường dây truyền tải điện vận hành an toàn có rất nhiều công việc phải làm. Cụ thể, mỗi tháng công nhân phải đi kiểm tra định kỳ đường dây vào ban ngày ít nhất 2 lần và mỗi quý kiểm tra ban đêm ít nhất 1 lần, mỗi lần từ 4-5 ngày.

Công việc trong mỗi lần kiểm tra cũng rất phức tạp, công nhân phải đi kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng của từng con bu lông, đinh ốc hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây như cây cao trong và ngoài hành lang, tình trạng đốt nương rẫy gần hành lang…

Đặc biệt, công việc sửa chữa, vận hành đường dây đối với công nhân truyền tải điện tại những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, điều kiện địa hình khó khăn càng phức tạp, vất vả hơn.

Anh Nguyễn Hữu Thành, Đội trưởng đội truyền tải điện Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, Đội truyền tải điện Hạ Long quản lý gần 100 km đường dây 500kV, gần100km đường 220kV với địa hình đồi núi, khu vực heo hút nằm chủ yếu trên rừng và địa bàn khó khăn, dọc các tuyến đường dây chủ yếu là người dân tộc Dao. Đội truyền tải có 21 công nhân, chủ yếu là công nhân trẻ có tuổi từ 22-28 tuổi từ các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định.

Do đó, khó khăn theo anh Thành liên quan đến hành lang vì hành lang liên quan đến giao chéo giữa nhiều khu vực đồi núi cây cối trong hành lang rất nhiều.


Cheo leo

Cheo leo

Bên cạnh đó, địa bàn Quảng Ninh nhiều khu công nghiệp, đi qua những khu vực như khai trường than, những công trình có khả năng vi phạm và nguy cơ gây sự cố trong quá trình vận hành. Việc vận hành quản lý trong tuyến cần công tác vận động, tuyên truyền bà con địa phương bảo vệ an toàn hành lang đường dây.

Từng là người lính biên phòng, anh Thành chia sẻ, vất vả của lính truyền tải không khác bộ đội biên phòng. “Bộ đội biên phòng đặc thù là đi kiểm tra cột mốc, lính truyền tải kiểm tra cột điện cùng tại những địa hình đồi núi heo hút, ít người, công việc nặng nhọc vất vả nguy hiểm”, anh Thành nói.

Cũng theo anh Thành, lưới truyền tải cắt điện không lâu, thời gian xử lý ngắn, trừ khi trời tối, không đủ ánh sáng làm việc công việc trong ngày mới kết thúc, việc dậy sớm khắc phục sự cố xử lý trên lưới 3-4h sáng là bình thường.

Ăn trưa, uống nước trên đường dây

Tại công trường đại tu đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh (tại Thanh Hoá) tháng 7 mới đây, chúng tôi cũng có dịp chứng kiến công tác chuẩn bị, thi công việc đại tu đường dây, cảm nhận những khó khăn, vất vả của người lính truyền tải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng lên đến 40 độ C.

Theo phương án thi công được thành lập hồi tháng 4, phải mất 4 ngày để xử lý khoảng cách pha đất khoảng néo 282-292 đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh 1. Tuy nhiên, sau hơn 3 ngày làm việc trong đó có 1 ngày chuẩn bị và 2 ngày cắt điện thi công đơn vị thi công Truyền tải điện Thanh Hoá đã hoàn thành công trình.


Treo mình giữa trời xanh để đưa điện về khắp các vùng miền

Treo mình giữa trời xanh để đưa điện về khắp các vùng miền

Để thực hiện việc đại tu tổng số công nhân được huy động là 50 người là công nhân các đội truyền tải điện Yên Cát, Mục Sơn, Hà Trung, Thiệu Hoá được kiểm tra sức khoẻ trước khi bố trí công việc.

Toàn bộ công nhân thi công phải dậy trước 4 giờ, theo lịch cắt điện lúc 5 giờ sáng và giao lưới sẽ bắt đầu làm việc tuy nhiên, việc nhận lưới đã được tiến hành muộn hơn kế hoạch. Việc sửa chữa thường diễn ra trong 3 ngày nhưng do nắng nóng nên buộc phải hạn chế thời gian cắt điện xuống còn 2 ngày nên đơn vị phải đẩy tiến độ từng ngày, từng giờ. Muốn tận dụng thời gian, cơm được mang đến tận công trình và các công nhân ăn trưa ngay tại công trình.

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó giám đốc Truyền tải điện Thanh Hoá kể lại, trong đợt tổng sửa chữa đường dây khu vực Xuân Mai, Hòa Bình kéo dài hơn 1 tháng. Đợt đó, công ty huy động hàng chục đội đường dây về đây thi công. Do thời gian thi công kéo dài, trong khi lịch cắt điện lại phải đảm bảo ngặt nghèo, nên các đội phải mang theo cấp dưỡng nấu cơm tại công trường. Ăn trưa, uống nước trên đường dây tải điện.

Hàng ngày, công nhân cũng phải liên tục trèo cột, ra dây từ 4h sáng đến 16h chiều, bất kể thời tiết nắng hay mưa. “Sau mỗi đợt như vậy, có trường hợp người nhà thậm chí không nhận ra nổi anh em vì nước da của họ cháy nắng đến đem sạm, người thì gầy rộc đi”, ông Giang chia sẻ.

Hà Anh