Đức coi trọng thị trường thực phẩm Việt Nam

(Dân trí) - Tiến sĩ Robert Kloos, Quốc Vụ khanh Bộ Thực phẩm - Nông nghiệp và Bảo vệ Người tiêu dùng Cộng hòa liên bang Đức đánh giá thị trường thực phẩm Việt Nam là một thị trường vẫn đang phát triển và có khả năng mở rộng đối với doanh nghiệp Đức.

Tại buổi gặp gỡ báo chí bên lề triển lãm Thực phẩm & Khách sạn Việt Nam 2011 diễn ra tại TPHCM ngày 28/9, TS Robert Kloos cho rằng: “Điều quan trọng của các doanh nghiệp Đức lúc này là xây dựng các mối quan hệ kinh doanh có triển vọng ở đây”.

Đức coi trọng thị trường thực phẩm Việt Nam - 1
TS Robert Kloos (ngoài cùng, bên phải) tham gia giới thiệu hàng Đức tại triển lãm Thực phẩm & Khách sạn Việt Nam 2011

Theo tài liệu do bộ Thực phẩm - Nông nghiệp và Bảo vệ Người tiêu dùng Cộng hòa liên bang Đức (BMELV) cung cấp thì xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Đức vào thị trường Việt Nam còn thấp so với các nước khác trong khu vực Châu Á. Do đó, Bộ này đánh giá: “Vẫn còn tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Việt Nam”.

Về triển vọng hợp tác trong ngành thực phẩm giữa Việt Nam và Đức, BMELV cho rằng: “Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với nền văn hóa và ẩm thực Đức. Thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với thực phẩm và đồ uống nhập khẩu từ Đức. Từ lâu, người Việt Nam đã biết đến bia và xúc xích Đức. Tuy nhiên, nước Đức có thể cung cấp nhiều loại thực phẩm hơn thế”.

Trong bài phát biểu của mình, TS Robert Kloos cho biết: “Ngày nay, một phần tư doanh thu của nông nghiệp Đức là từ các mặt hàng xuất khẩu ngành thực phẩm. Trước tình trạng đình trệ của thị trường trong nước, ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp Đức cần phát triển hơn nữa việc xuất khẩu trên toàn thế giới để góp phần duy trì tăng trưởng và thịnh vượng Đức”.

Tuy nhiên, cũng theo TS Robert Kloos thì thương mại là mối quan hệ hợp tác song phương. Do đó, cùng đi với ông trong chuyến thăm Việt Nam lần này có một đoàn doanh nghiệp Đức hoạt động trong ngành thực phẩm. Mục tiêu chuyến đi của ông cũng là tìm hiểu ngành nông nghiệp của Việt Nam, mà trọng tâm là ngành sữa.

Theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa liên bang Đức tại TPHCM, trong lịch trình của đoàn doanh nghiệp Đức do TS Robert Kloos dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc với Vinamilk, đơn vị sản xuất sữa lớn nhất tại Việt Nam. Theo BMELV, Đức là nhà sản xuất sữa lớn nhất Châu Âu và đứng thứ sáu trên thế giới với khối lượng sản xuất là 30 triệu tấn trong năm 2010, tổng giá trị sản xuất là 18,7 tỷ EURO.

Trước đó, tại Hà Nội, TS Robert Kloos cũng đã có buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương. Ông cho biết người Đức rất thích các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhất là cà phê và thủy hải sản. TS Robert Kloos nói: “Cá ba sa là một trong số các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam được người tiêu dùng Đức ưa thích”.

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 28/9, TS Robert Kloos phát biểu: “Tôi cũng như các doanh nghiệp Đức đi cùng hoan nghênh tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác nếu thấy có cơ hội hợp tác với chúng tôi trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm”.

Tùng Nguyên