Doanh nghiệp logistics và bài toán nhân sự

Phát triển nóng với tốc độ trung bình 16-20%/năm, nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics Việt Nam hiện nay vẫn đang thiếu hụt. Doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hoá để thu hút nhân sự giỏi.

Logistics đang là ngành phát triển vượt bậc tại Việt Nam

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2014, chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2012; tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 - 20%/năm.

Với việc chính thức gia nhập các Tổ chức, tham gia Hiệp định Kinh tế lớn trong khu vực và trên toàn thế giới mà gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành logistics Việt Nam đang và sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới.

Cảnh sát PCCC tập huấn nghiệp vụ PCCC cho Cán bộ nhân viên Vinafco
Cảnh sát PCCC tập huấn nghiệp vụ PCCC cho Cán bộ nhân viên Vinafco

Cầu vẫn cần mà cung thiếu hụt

Việc phát triển nóng dẫn đến nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics Việt Nam hiện nay trở nên thiếu hụt. Hiện tại, số lượng lao động khoảng gần 1,5 triệu làm việc trong các doanh nghiệp logistics là một con số tương đối lớn nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lao động của ngành. Trong đó, tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics còn chiếm khá thấp, chỉ từ 5-7%. Nhìn từ thực tế đào tạo, số lượng khoa/ chuyên ngành của các trường ĐH, CĐ dạy bài bản về logistics hiện cũng còn hạn chế, nổi bật chỉ có tại ĐH Giao thông vận tải tp.HCM hay ĐH Bách Khoa TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc CTCP Vinafco dẫn lời Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam cho biết: “Trong ba năm tới, các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động; các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần đến trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.” Ông cho biết thêm, tại Vinafco, thu nhập của các nhân sự đang ở mức khá cao so với các ngành nghề khác với mức lương khởi điểm từ 6 – 7 triệu/tháng; các vị trí quản lý, lãnh đạo có thể đạt đến mức lương vài nghìn USD/tháng. Nhu cầu từ các doanh nghiệp là có thực, mức lương hấp dẫn, tính chất công việc nhiều thử thách, ngành logistics vẫn còn rất nhiều đất diễn cho các ứng viên đam mê công việc phân tích, quản lí và điều phối chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp.

Chuyên gia về Hệ thống quản trị chất lượng ISO - TUV NORD đến tập huấn cho đội ngũ đánh giá nội bộ của Vinafco
Chuyên gia về Hệ thống quản trị chất lượng ISO - TUV NORD đến tập huấn cho đội ngũ đánh giá nội bộ của Vinafco

Doanh nghiệp xây dựng chính sách riêng để thu hút nhân sự

Lựa chọn ứng viên ngay từ khâu đầu vào tại các trường Đại học, dành cho các ứng viên tiềm năng những cơ hội để thực tập cầm tay chỉ việc, các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước cũng đã phải xây dựng nhiều chính sách mới để thu hút nhân sự chất lượng, trong đó đáng lưu ý phải kể tới: xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho nhân sự; chính sách đào tạo nhân viên một cách bài bản và chất lượng; tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân, khen thưởng cho nhân viên; xây dựng các hoạt động giải trí, giao lưu; đẩy mạnh thông tin giao tiếp trong nội bộ; từng bước hình thành bản sắc văn hóa riêng cho chính doanh nghiệp đó.

Mỗi doanh nghiệp đều có những chính sách riêng nhưng điểm chung dễ thấy là đều nỗ lực tạo ra sự thoải mái, vui vẻ và thẳng thắn giữa nhân viên và các cấp quản lý... nhưng đồng thời vẫn có được khuôn khổ, quy trình làm việc chuyên nghiệp.

Các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới tạo thêm nhiều kênh truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Tumblr, Instagram, Flickr để tạo ra sự kết nối giữa các nhân viên đang và sẽ làm việc cho mình, truyền cảm hứng cho họ bằng những câu chuyện và tôn vinh những cá nhân xuất sắc.

Trong khi đó, Các công ty logistics lớn của Việt Nam như Vinafco, Phúc Đại Phát, 365Express, Vinalink, Transimex Sài Gòn… cũng đã và đang dành những sự quan tâm nhất định và đúng mực dành cho đội ngũ nhân sự của mình cũng như hướng tới xây dựng bản sắc văn hóa riêng cho doanh nghiệp.

Với thế mạnh về tài chính, Vinafco lại mạnh dạn đầu tư vào xây dựng nguồn nhân sự cao cấp, lên kế hoạch từ sớm đào tạo thực tập sinh nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho công ty, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các bạn sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, sẵn sàng mời chuyên gia giỏi nước ngoài để xây dựng hệ thống vận hành theo tiêu chuẩn “best practice”. Ngoài ra, Vinafco còn gửi các các cán bộ nhân viên tham gia các khóa học đào tạo chuyên sâu tại các trung tâm đào tạo logistic có uy tín; xây dựng các chuẩn mực và phương pháp quản trị tiên tiến như hệ thống quản trị Nhân sự theo mục tiêu và bảng điểm cân bằng (BSC); quản trị tài chính minh bạch, chuẩn hóa các quy trình thực hiện dịch vụ... tiến tới việc khẳng định thương hiệu Vinafco “Cung cấp dịch vụ Logistics tích hợp trên phạm vi rộng với giá hợp lý”.

PV