Đầu tư ra nước ngoài: Niềm tin được khẳng định

Sau những băn khoăn ban đầu về việc Viettel đầu tư trong lĩnh vực viễn thông tại Campuchia, niềm tin về sự thành công của một công ty Việt Nam tại nước ngoài được khẳng định qua những kết quả cụ thể.

Tháng 6/2006, khi Tổng công ty viễn thông Quân đội (Viettel) thành lập công ty con tại Campuchia với thương hiệu Metfone để cung cấp các dịch vụ viễn thông, Viettel nhận được không ít hoài nghi và đúng là "vạn sự khởi đầu nan". Công ty con của Viettel tại quốc gia này phải mất tới gần 3 năm để đầu tư cho hạ tầng, mới có thể chính thức khai trương hoạt động và kinh doanh.

 

Thế nhưng, sau những khó khăn ban đầu trong việc đầu tư, Metfone đã trở thành công ty lớn có hạ tầng viễn thông lớn nhất tại Campuchia và là hãng đầu tiên cung cấp đa dịch vụ viễn thông (cả di động, internet, cố định…). Và sau 2 năm kinh doanh, Metfone đã trở thành hãng viễn thông số 1 về mọi mặt tại đây như hạ tầng, thuê bao, doanh thu, nộp thuế.

 

Đầu tư ra nước ngoài: Niềm tin được khẳng định
Unitel - liên doanh của Viettel tại Lào đã đoạt giải “Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển” tại giải thưởng truyền thông thế giới (WCA) năm 2012

 

Hai năm sau khi vào Campuchia, Viettel tiếp tục tìm hiểu thị trường Lào và đã quyết định đầu tư tại đây. Tương tự như Campuchia, cũng chỉ sau 2 năm kinh doanh, Unitel - thương hiệu liên doanh của Viettel tại Lào cũng trở thành hãng viễn thông số 1 tại đây.

 

Tại Campuchia và Lào, sau 3 năm kinh doanh, Viettel đã hoàn vốn và chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2011, 2 công ty tại nước ngoài đã chuyển khoản lợi nhuận lên tới hơn 40 triệu USD về Việt Nam và dự kiến năm 2012 là gấp đôi con số này. Bên cạnh đó, 2 thương hiệu này của Viettel cũng liên tiếp nhận được các giải thưởng của thế giới về viễn thông. Năm 2011, Metfone nhận giải “Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển” tại giải thưởng truyền thông thế giới (WCA); năm 2012 đến Unitel được trao danh hiệu này.

 

Năm  2010, khi Viettel quyết định đầu tư vào viễn thông Haiti - một quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất khiến nửa triệu người chết và phá hủy tới 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Nhiều người đã cho rằng Viettel quá mạo hiểm vì khi đầu tư tại quốc gia này, những kinh nghiệm tại Lào, Campuchia hay Việt Nam đều khó áp dụng bởi điều kiện ở Haiti hoàn toàn khác và cách xa “tổng hành dinh” tới hơn nửa vòng trái đất. Khoản đầu tư tại Haiti giống như một phép thử mới cho Viettel tại nước ngoài bởi nhiều chuyên gia viễn thông nước ngoài cho rằng công ty Việt Nam sẽ bỏ cuộc bởi sự khắc nghiệt khi đầu tư tại đây.

  

Đầu tư ra nước ngoài: Niềm tin được khẳng định
Tại châu Phi, Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) đoạt giải thưởng “Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông vùng nông thôn châu Phi” tại giải thưởng  truyền thông châu Phi 2012

 

Thế nhưng, tại Haiti, mặc dù vấp phải rất nhiều khó khăn, Viettel đã không bỏ cuộc mà còn tạo nên một kỳ tích về xây dựng hạ tầng. Ngoài việc tìm ra những giải pháp riêng cho việc xây dựng mạng lưới tại quốc gia này, sau hơn 1 năm triển khai, Viettel đã tạo nên một mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Haiti, phủ tới cả vùng sâu, vùng xa nơi mà chưa một công ty nào tới trước đó.

 

Khi bước vào kinh doanh, Natcom - thương hiệu liên doanh của Viettel tại quốc gia châu Mỹ cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của mạng di động có số thuê bao lớn nhất tại đây. Tuy nhiên, sau hơn một năm kinh doanh, với việc tìm ra những giải pháp khác biệt và đặc thù tại thị trường Haiti, thương hiệu Natcom đã trở nên gần gũi, quen thuộc với mọi người dân trên đất nước này.

 

Tiếp đó, việc đầu tư của Viettel tại đất nước Mozambique lại khiến không ít người hồi hộp mong đợi sự thành công. Một quốc gia châu Phi nghèo với nhiều khác biệt về văn hóa, kinh tế… lại ở quá xa Việt Nam sẽ là một thử thách hoàn toàn mới và những kinh nghiệm trước đây cũng không đảm bảo cho sự thành công tại thị trường mới.

 

Khác biệt với những thương hiệu viễn thông hàng đầu thế giới khác, khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel mang theo hàng trăm nhân viên Việt Nam trong giai đoạn đầu. Những nhân tố nòng cốt, thạo nghề và nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” ở các thị trường nước nước ngoài luôn không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những giải pháp chuyên biệt cho những khó khăn mới phát sinh.

 

Đó cũng chính là lý do Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) cũng tạo ra được thành công ban đầu trong việc xây dựng hạ tầng tại quốc gia châu Phi sau khi tạo ra một kỳ tích về việc tái thiết và tạo lập một hạ tầng viễn thông lớn ở Mozambique. Nhờ đó, tại giải thưởng  truyền thông châu Phi 2012, Movitel dã được trao giải “Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông vùng nông thôn châu Phi”.

 

Sau những kết quả đầu tư của Viettel tại Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, niềm tin về khả năng thành công của một công ty Việt Nam ở thị trường nước ngoài được tăng lên rất nhiều. Một công ty Việt Nam không chỉ thành công ở những quốc gia láng giềng (Lào, Campuchia) - nơi gần gũi về điều kiện địa lý, văn hóa, mà còn có thể khẳng định mình tại những nơi rất xa và khó khăn như Haiti, Mozambique.

 

Nếu như trước đây, nhiều người còn nghi ngờ về khả năng thành công của một công ty Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài thì giờ đây, với những kết quả đạt được tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới, niềm tin đã dần được củng cố. Từ những quốc gia láng giềng (Lào, Campuchia) đến các nước xa xôi và khó khăn như Haiti (châu Mỹ), Mozambique (châu Phi), nơi nào công ty Việt Nam cũng xoay xở và tìm ra được giải pháp riêng cho từng thị trường cụ thể. Cũng nhờ thế, niềm tin cho khả năng “tiến ra biển lớn” khi Viettel tiếp tục đầu tư vào Peru, Cameroon… càng được củng cố.

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm