Tổng giám đốc công ty RAAS:

Cuộc đời là những chuyến yêu thương

(Dân trí) - Là cháu nội một vị quan triều đình nhà Nguyễn, cha mất sớm, mẹ không cáng đáng nổi đàn con, vì thế 4 anh em được họ hàng dẫn về nuôi. Hoàng Kiều đi theo ông chú ruột, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rời vùng quê nghèo làng Bích Khê, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vào Sài Gòn từ năm lên 5 tuổi.

Dứt áo ly hương

Ông rời quê hương Quảng Trị khi còn rất nhỏ, vậy ký ức của ông về những tháng ngày này, về quê hương, và về người chú của mình như thế nào?

Trong tâm thức của tôi, đó là những tháng ngày không thể nào quên với hình ảnh của các anh chị em mình, về một vùng cát trắng, nắng cháy da cháy thịt. Chú tôi khi đó rất nghèo, vậy mà, ngoài nuôi tôi, chú còn nuôi thêm một người cháu khác là Hoàng Thi Thao.

Tuy nghèo, nhưng chú vẫn lo cho chúng tôi được học chữ và còn truyền niềm say mê âm nhạc cho cháu. Tôi được học đàn piano, còn Hoàng Thi Thao thì học violon. Được học hành bài bản vậy, nhưng dường như không có khiếu âm nhạc là mấy nên tôi chẳng tiến bộ gì.

Lý do nào dẫn bước chân ông đến nước Mỹ? Công việc mới ở hãng Abott của ông bắt đầu với những khó khăn và thuận lợi gì?

Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Sài Gòn, tôi làm công việc của một công chức ở hãng thuốc Sài Gòn, rồi làm nhân viên của toà Đại sứ Mỹ. Lập gia đình xong tôi có 5 đứa con, cuộc sống sung túc với thu nhập dư dả, sắm được nhà, cũng mua được xe hơi... Năm 1975, cùng với hàng triệu đồng bào ly hương khác, tôi và gia đình bắt đầu tạo dựng lại từ đầu nơi đất khách với hai bàn tay trắng và nỗi mặc cảm tha hương.

Tới Mỹ khi đã 30 tuổi, một vợ và 5 đứa con nhỏ dại, tôi bắt đầu lại từ đầu trong hoàn cảnh tay trắng. Khi phỏng vấn xin việc, tôi có may mắn là được gặp một vị tiến sĩ làm việc cho hãng Abbott. Biết tôi tốt nghiệp ĐH Khoa học, từng làm việc tại hãng thuốc, ông giới thiệu tôi vào làm việc tại hãng Abbott. Hàng ngày, tôi phải thức dậy từ 5 giờ sáng chở vợ đi làm, đưa con đi học rồi mới đến sở làm.

Lúc bắt đầu với chức vụ nhân viên thường của công ty Abbott tôi được trả lương 1,75 USD/giờ, cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Sếp trực tiếp của tôi khi ấy là một người da đen nên ông ta cũng có những nỗi niềm riêng và dễ thông cảm với những người da màu xa xứ. Bằng sự nỗ lực, sau ba tháng, tôi trở thành giám thị và 6 tháng sau, tôi lên làm quản lý. Công việc có vẻ suôn sẻ bắt đầu từ đây.

Khi tách ra khỏi hãng Abbott để thành lập công ty riêng của mình, ông có nghĩ là mình “liều” và đối mặt với nguy cơ phá sản hàng ngày, hàng giờ xuất hiện ở nước Mỹ không?

Tôi nảy ra ý định thành lập công ty riêng khi Abbott bán đi từng phần trong việc kinh doanh của hãng. Với 6.000 USD làm vốn ban đầu, gian gara cũ của gia đình tôi được sửa lại làm văn phòng công ty.

Năm 1980, tại California, tôi thành lập công ty Rare Antibody Antigen Supply, Inc. – Công ty cung cấp kháng thể - kháng nguyên hiếm có (tên viết tắt là RAAS). Với mục đích chuyên cung cấp huyết tương cho kỹ nghệ chiết tách huyết tương.

Lúc đầu, công ty chưa có khách hàng, khó khăn chồng chất khó khăn, vợ tôi không chịu nổi nên đã bỏ đi, để lại 5 đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn... Đã có lúc, tôi tưởng rằng mình suy sụp, quỵ ngã, nhưng rồi không hiểu vì lý do gì, tôi lại có sức mạnh để đứng dậy.

Mọi việc cũng đâu vào đấy khi công ty bắt đầu có những khách hàng lớn và thành lập một trung tâm thí nghiệm theo tiêu chuẩn của Mỹ, tính đến năm 1994, RAAS đã phát triển thành 11 trung tâm thử nghiệm và thu huyết tương trên khắp đất nước, xây dựng những phòng thí nghiệm riêng hiện đại.

Từ khi mới tạo lập công ty, tôi luôn mơ ước sẽ có một ngày, công ty của tôi sẽ có chỗ đứng trong những tòa cao ốc văn phòng tráng lệ của nước Mỹ, không ngờ chỉ sau 10 năm, mơ ước ấy đã trở thành sự thật. Tôi cảm thấy quá đỗi vui mừng.

Khi thị trường Mỹ xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trăm công ty sản xuất huyết tương, ông bắt đầu hướng tới một thị trường rộng lớn hơn là Trung Quốc. Từ đâu ông có quyết định này?

Năm 1985, tôi đến Trung Quốc nghiên cứu thị trường. Trong mắt tôi, khi ấy Trung Quốc là một đất nước giàu tiềm năng, nội lực để phát triển kinh tế với dân số hàng tỉ người, các chính sách mở cửa của nhà nước thu hút đầu tư nước ngoài với rất nhiều điều khoản ưu đãi...

Sau khi tham quan nhiều nơi, tôi quyết định chọn Thượng Hải, vì đây là trung tâm kỹ nghệ và là nơi có một tỉ lệ dân số có học thức rất cao. Sau ba năm chuẩn bị, năm 1988, RAAS và Trung Tâm huyết học Thượng Hải quyết định cùng hợp tác thành lập Công ty TNHH Chế phẩm máu tại Thượng Hải.

Tôi cũng không ngờ rằng, tại chính nơi đây, tôi bắt đầu những bước chân đầu tiên về nguồn cội.

Hành trình về cội nguồn Việt

Ông đã mất bao nhiêu thời gian để đi hết con đường dài đó? Trong ý nghĩ của ông, quê hương khi đó có dấu ấn...

Sau 30 năm 6 tháng, (tôi đã tỉ mẩn ngồi làm phép tính chính xác như thế) lần đầu tiên tôi trở về quê hương theo lời mời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Trước đó, tôi đã từng nhận được lời mời của các quan chức cao cấp trong Chính phủ khi sang thăm Thượng Hải và được Chính quyền thành phố giới thiệu làm quen, nhưng vì còn nhiều e ngại nên tôi cứ lần lữa...

Tận mắt chứng kiến những thành quả của công cuộc đổi mới trong nước, tôi càng thêm cảm thông với những người đồng bào mà cuộc sống còn quá nhiều gian khổ, khó khăn. Khi ấy, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: trong những năm cuối đời mình, sẽ làm hết sức để góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con, bắt đầu từ vùng quê nghèo Quảng Trị.

Ông đã bắt đầu những chương trình làm từ thiện của mình như thế nào?

Việc đầu tiên tôi làm là dựng lại một ngôi trường tiểu học khang trang hơn cho làng Bích Khê, rồi chuyển máy cày về quê cho bà con cày cấy, xin 100 giường bệnh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Tháng 1/2006, là chương trình Tiếp sức tới trường của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chương trình tiếp theo tôi làm là chương trình Tiếp sức tới trường của Hội Khuyến học Quảng Trị, trao học bổng cho 85 em học sinh nghèo không có tiền đi học đại học, xây nhà tình thương, cung cấp huyết tương đặc trị cứu sống một em bé bị bệnh về máu tại Nam Định...

Ngoài ra, hàng năm RAAS còn tài trợ một số chương trình khác liên quan đến những bệnh nhân Hemophilie như đào tạo đội ngũ y bác sĩ, giáo dục, phổ biến rộng rãi những kiến thức cần thiết để bệnh nhân tìm đến các trung tâm điều trị về Hemophilie đã được thiết lập tại Hà Nội, Huế, TPHCM, Cần Thơ.

Công ty RAAS và cá nhân ông đã tham gia trực tiếp rất nhiều công việc từ thiện lớn đằng sau những việc làm này của ông ẩn chứa thông điệp gì, thưa ông?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều là, mình có điều kiện để làm từ thiện thì mình nên làm, để cho những người nghèo có cơ hội có cuộc sống khá hơn. Trong các chương trình trao tặng học bổng, tôi cũng có những “điều kiện” riêng của mình, ví dụ như anh A. nhận được một suất học bổng trị giá 1 triệu đồng thì sau khi học xong, anh ta phải tìm được việc làm phù hợp để hoàn trả lại số tiền đó cho Quỹ Hội, số tiền đó sẽ được quay vòng để trao đến tay anh B. có hoàn cảnh khó khăn hơn tiếp tục được đến trường.

Làm như thế, không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người được tới trường, mà số tiền Quỹ Hội đó cũng lớn lên theo từng ngày, mở rộng cửa học hơn với nhiều em khác.

Tôi sẽ làm phim về cuộc đời mình

Có một người bạn của ông luôn kề vai sát cánh cùng ông trên con đường từ thiện này, ông Peter Hồng, ông có thể nói gì về người bạn này của mình?

Peter Hồng là Tổng Giám đốc công ty Asia Pacific Trading Co, một Việt kiều Úc. Cùng với những hoạt động của RAAS, Peter Hồng đã vận động nhiều nhà hảo tâm tại Úc tài trợ cho bệnh viện tỉnh Quảng Trị 200 giường bệnh, 50 máy vi tính cho các trường học và sẽ đưa một đoàn bác sĩ từ Úc về Quảng Trị mổ mắt cho bệnh nhân nghèo...

Cũng là người đi lên từ hai bàn tay trắng như tôi, ông Hồng rất thấu hiểu khó khăn và muốn giúp đỡ những người dân nghèo trong khả năng vốn có của ông ấy.

Dự định của ông trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Tôi có một ước nguyện, đó là làm được cho tất cả 64 tỉnh thành trong cả nước những công việc từ thiện tôi đã làm, mặc dù nó có ít hay có nhiều. Trong thời gian tới, tôi đang hoàn tất thủ tục xin giấy phép để chương trình ca nhạc từ thiện Những lời yêu thương sẽ được công diễn vào cuối tháng 7/2006 tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và TPHCM với sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và hải ngoại, nhằm gây quỹ xây dựng 300 căn nhà tình nghĩa cho các địa phương. Tôi hy vọng là mình sẽ hoàn thành tốt những công việc này.

Thưa ông, các con của ông hiện đều thành đạt và là những nhà kinh doanh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ, có khi nào... ông nghĩ đến “bước nữa” trong cuộc đời mình?

(Cười) Tôi có quá ít thời gian để dành cho chuyện đó. Tôi đã vất vả làm việc, nuôi dạy 5 con của mình, giờ cháu nội cháu ngoại cũng đủ đầy rồi, nên nếu nói vui như một câu trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao thì đã “nhịn” được đến giờ thì “nhịn” luôn đi cho xong rồi...

Sau này, có thời gian rảnh rỗi, điều kiện cho phép, tôi sẽ làm một cuốn phim về cuộc đời mình. Có thể sẽ không đem ra công chiếu rộng rãi, nhưng đó sẽ là những thước phim quý giá, những kỷ niệm còn lại cho con cháu tôi.

Xin cám ơn ông.

Hương Đinh (thực hiện)