Chưa nên tăng thuế suất tiêu thụ thuốc lá đặc biệt
Bộ Tài Chính đang xin ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo đó dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá.
Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HH thuốc lá VN đồng thời là Chủ tịch TCT thuốc lá VN (Vinataba).
Với tư cách là Chủ tịch HH thuốc lá VN, Chủ tịch TCT thuốc lá VN - Vinataba, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Tại công văn số 1537/BTC-CST ngày 25/01/2014 Bộ Tài Chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB. Theo đó dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% lên 75% từ 1/7/2015, và lên 85% từ năm 2018.
Nếu nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm hiện nay thì tình trạng buôn lậu sẽ càng gia tăng, dẫn đến SX trong nước sẽ bị thu hẹp nên tổng thu NSNN có thể giảm chứ không chắc sẽ tăng (mặc dù thuế suất tăng) !
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng buôn lậu thuốc lá ở VN hiện nay được không?
Theo số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư Quốc tế và tổ chức Oxford Economics, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát.
Năm 2013, tổng số thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỷ điếu, bao gồm 87,8 tỷ điếu hợp pháp và 17,0 tỷ điếu nhập lậu (Trong đó 90% là thuốc JET và HERO). Thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần và làm thất thu thuế nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước (ước tính ngân sách nhà nước thất thu 6.500 tỷ đồng tương đương 309 triệu USD).
Có thể kể đến những tác động của thuốc lá lậu như sau:
- Làm mất sản lượng nguyên liệu: 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta).
- Mất việc làm của nông dân: 5 triệu công lao động không có việc làm trong 5 tháng.
- Mất việc làm của công nhân: 600.000 công lao động/năm.
- Các doanh nghiệp sx hợp pháp bị mất cả về mặt doanh số và thị phần.
- Thuốc lá lậu không phải tuân thủ bất kỳ quy định nào về cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, ATVSTP (như lộ trình giảm Tar và Nicotin), không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng.
Ông có thể lý giải rõ hơn tại sao tăng thuế suất thuế TTĐB trong điều kiện hiện nay thì thu NSNN chưa chắc đã tăng?
Rất đơn giản, tăng thuế TTĐB thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá đã cao lại càng cao hơn do trốn thuế. Điều đó chắc chắn dẫn đến buôn lậu gia tăng.
Chúng ta đã có bài học thực tế về viêc này: Thuế TTĐB tăng từ 45% lên 55% vào năm 2006 và 65% vào năm 2008 đã gây ra sự tăng trưởng đột biến của thuốc lá nhập lậu khoảng 6 tỷ điếu (Năm 2006 nhập lậu: 12 tỷ điếu thì 2012: 18 tỷ điếu).
Thuốc lá lậu do trốn thuế nên có thể bán rẻ hơn thuốc sx trong nước, người tiêu dùng VN do thu nhập thấp sẽ quay sang hút thuốc lá lậu (bất chấp việc thuốc lá lậu không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng). Do vậy thuốc lá SX trong nước sẽ bị thu hẹp và tổng thu NSNN có thể giảm chứ không tăng (Mặc dù tăng thuế suất).
Vậy theo ông, khi nào thì tăng thuế TTĐB thuốc lá thì phù hợp? Và giải pháp hiện nay là gì ?
Theo tôi tạm thời chưa nên tăng thuế suất thuế TTĐB thuốc lá vào thời điểm hiện nay.Trước hết tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ thị gấp yêu cầu các bộ ngành và các địa phương cùng quyết liệt vào cuộc kiên quyết chống buôn lậu ở cả đầu vào và đầu ra thuốc lá lậu như những năm 90 của thế kỷ trước.
Đầu vào thuốc lá lậu là tại các cửa khẩu, biên giới (Chủ yếu là biên giới Tây Nam). Đầu ra thuốc lá lậu là các cửa hàng, tủ, quầy bán thuốc các địa phương. Chống ở đầu ra thì dễ hơn nhưng chính quyền các địa phương phải vào cuộc (Chúng ta đã có bài học thực tế việc này vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó thuốc lá lậu giảm hẳn)
Khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu thì có thể xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB, tuy nhiên cũng nên có lộ trình tăng dần chứ không nên tăng nhanh quá (Theo tôi mỗi lần nên tăng khoảng 5% là phù hợp)
Tổng đóng góp NSNN của toàn ngành công nghiệp thuốc lá VN hiện nay là gần 20.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD. Nếu ngăn chặn được buôn lậu thì đóng góp của ngành vào NSNN sẽ cao hơn nhiều.
PV