Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hoá: Lãi tăng, thu nhập tốt

Lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết, sau cổ phần hoá, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng cũng nhu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động, các chế độ chính sách người cho người lao động đều tốt hơn giai đoạn trước khi cổ phần hóa.


Cảng Quy Nhơn đang hoàn thiện hệ thống cần cẩu hàng

Cảng Quy Nhơn đang hoàn thiện hệ thống cần cẩu hàng

Vô vàn khó khăn trước cổ phần hoá

Cảng Quy Nhơn được thành lập năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải) quản lý. Đến năm 2009, cảng trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Năm 2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 8/2015 Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành việc thoái hết toàn bộ vốn nhà nước.

Theo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, trong giai đoạn là doanh nghiệp với 100% vốn nhà nước, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, điều hành sản xuất, đảm bảo việc làm thu nhập cho người lao động nhưng công ty vẫn gặp không ít khó khăn.

Do nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng hạn chế, khiến các thiết bị không được đổi mới bổ sung thêm dẫn tới tình trạng lạc hậu, hầu hết sử dụng dầu diezel để vận hành nên chi phí cao, hiệu quả thấp.

Cạnh đó, hầu hết các cầu tàu đã xuống cấp, phải thường xuyên sửa chữa để đảm bảo an toàn trong khai thác, không có hệ thống điện cấp cho thiết bị.

Đại diện Cảng Quy Nhơn cũng cho biết, mặc dù tổng diện tích bãi xấp xỉ 20 hecta song có tới 60% chưa được bê tông hoá, kho bãi để hàng manh mún, có diện tích nhỏ nên khó khăn trong khai thác. Việc bê tông hoá tuy có được triển khai nhưng do đa phần đầu tư từ trước năm 2000 nên đã xuống cấp, cần phải nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn.

“Cùng với đó, công nghệ quản lý, điều hành của Cảng còn lạc hậu, chưa được tin học hóa; việc kiểm soát chi phí không được tốt; giá thành dịch vụ của Cảng Quy Nhơn cao hơn đáng kể so với một số cảng biển Việt Nam”, đại diện Cảng Quy Nhơn cho hay.

Một điểm đáng lưu ý, hầu hết các vị trí thuận lợi cho công tác quy hoạch hệ thống bãi container chuyên dụng, xây dựng hệ thống kho phục vụ cho công tác giải phóng hàng rời đã được cho thuê theo hợp đồng từ khi Cảng Quy Nhơn còn là doanh nghiệp nhà nước với thời hạn rất dài, từ 20 năm đến 43 năm và hiện có những hợp đồng vẫn còn thời gian thuế tới 30 năm nữa. Ngoài việc bị ràng buộc thời hạn hợp đồng, Cảng Quy Nhơn còn phải thực hiện giá dịch vụ theo hợp đồng cũ rất thấp so với mặt bằng thị trường hiện nay.

Từ đó xảy ra nghịch lý, Cảng Quy Nhơn cho khách hàng thuê 5.000 đồng/m2/tháng nhưng khi có nhu cầu sử dụng bãi thì Cảng Quy Nhơn phải thuê lại của khách hàng là 30.000 đồng /m2/tháng.

Vươn dậy mạnh mẽ sau cổ phần hoá

Sau khi thực hiện cổ phần hóa và thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quyết định của Chính phủ, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã thực hiện đầu tư phương tiện thiết bị, cơ sở hạng tầng, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo nguồn tài chính để đầu tư…


Một góc cảng Quy Nhơn

Một góc cảng Quy Nhơn

Từ sau năm 2015, vốn đầu tư của Cảng Quy Nhơn đã bứt phá đáng kể, từ chỗ bình quân chỉ là 48,4 tỷ đồng/năm khi còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được nâng lên bình quân 200 tỷ đồng/năm, tăng hơn 3 lần. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2017, cảng đầu tư trên dưới 280 tỷ đồng/năm.

cảng tập trung nâng cấp hơn 10.000m2 kho chứa hàng; 50.000m2 hệ thống đường nội bộ, mặt bằng bãi chứa hàng; cùng hàng loạt thiết bị hiện đại, chuyên dụng khai thác hàng container và hàng rời như: hệ thống băng tải xếp dỡ hàng dăm gỗ rời công suất 400 tấn/h; cần cẩu, máy đào-xúc-ủi... hệ thống phễu rót, hút hàng rời; đội xe đầu kéo chuyên dụng; cần cẩu xích 100-120 tấn, cần cẩu phục vụ khai thác tàu lớn; hệ thống tàu lai, đầu tư trạm điện, đổi mới công nghệ xếp dỡ sử dụng dầu diezen sang sử dụng điện; hệ thống công nghệ thông tin điều hành góp phần số hóa dữ liệu, minh bạch thông tin.

Cảng cũng hợp tác đầu tư với đối tác lớn như Xi măng Vissai Ninh Bình, Xi măng Hải Vân... để mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cảng Quy Nhơn hiện đã vận hành thử nghiệm để tiến tới vận hành chính thức hệ thống thiết bị xếp dỡ gồm 2 cẩu trục STS, 5 cẩu RTG được nhập khẩu từ Nhật Bản, tạo điểm nhấn trong hệ thống thiết bị khai thác của cảng.

Nhờ vậy, công ty đã “phát triển vượt bậc” so với giai đoạn trước cổ phần hóa, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động, các chế độ chính sách người cho người lao động đều tốt hơn giai đoạn trước khi cổ phần hóa.


Một số chỉ tiêu trước và sau cổ phần hóa

Một số chỉ tiêu trước và sau cổ phần hóa

Không dừng lại với kết quả đã đạt được, cảng Quy Nhơn vẫn tiếp tục kiên định giải pháp chiến lược đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, thích đáng cho hạ tầng, công nghệ, công tác quản lý-điều hành và tin học hóa quản lý giai đoạn tới năm 2020. Tập trung các thiết bị xếp dỡ, kho chứa chuyên dùng, hệ thống chuyên dùng xếp dỡ container, hệ thống phần mềm kiểm soát và quản lý container; phát triển chuỗi giá trị logistics...Thu nhập cho gần 1.000 CNCNV, người lao động tại cảng - chủ yếu là người địa phương, cũng được đảm bảo ổn định và có mức tăng trưởng tốt, từ bình quân đạt 11,88 triệu đồng/người/tháng (trước CPH), lên 14,4 triệu đồng/người/tháng (sau CPH), tăng 21,2% so với giai đoạn trước cổ phần hóa.

Qua đó, cảng đặt mục tiêu giảm thời gian giải phóng tàu 30-50%, giảm giá thành khai thác cảng tối thiểu từ 15% trên mỗi đơn vị hàng hóa thông qua cảng, giảm giá thành khai thác tối thiểu 15 % trên mỗi đơn vị hàng hóa thông qua cảng; đảm bảo năng lực thông qua hàng hóa qua cảng đến năm 2020 đáp ứng 12 - 15 triệu tấn/năm; làm tiền đề cho thực hiện định hướng đến năm 2030 năng lực đáp ứng 20 - 25 triệu tấn hàng hóa thông qua.

Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Bình Định: Không khí lao động tại cảng đang ngày một đổi mới, đoàn kết, xích lại gần nhau. Những năm gần đây cảng không còn xảy ra tình trạng đơn thư… Do năng suất lao động, thu nhập và các chế độ cho người lao động ngày một tăng cao, ổn định tâm lý, sản xuất. Kết quả kinh doanh các năm luôn duy trì tốc độ tăng trưởng, và kỳ vọng tăng cao nhờ giải pháp đầu tư, hiện đại hóa, tự động hóa thiết bị khai thác, giảm tối đa thời gian làm hàng… Giải pháp chiến lược đầu tư, đổi mới phương tiện lao động, hạ tầng khai thác cầu cảng… rất đúng đắn, phù hợp, góp phần tạo đà tăng trưởng bền vững cho cảng thời gian qua và những năm tới.

Hà Yên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm