Bài 2: Tìm giải pháp gỡ “tắc nghẽn” trong chuỗi giá trị nông sản
Tình trạng nông sản “được mùa mất giá” là do đầu tư chủ yếu tập trung vào kích cung, chưa chú ý đúng mức đến khâu chế biến, thương mại, gây “tắc nghẽn” cho chuỗi giá trị nông sản. Để tháo gỡ khó khăn này, cần tập trung đầu tư vào khâu tạo ra giá trị gia tăng...
Theo đánh giá, đầu tư công trong lĩnh vực nông lâm thủy sản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của ngành. Trong khi đó, phân bổ đầu tư công chưa hợp lý, vốn đầu tư trong ngành thời gian qua tập trung chủ yếu cho hạ tầng cơ bản có tính chất phi sản xuất hoặc chậm sinh lời, nhiều nhất là lĩnh vực thủy lợi. Kết cấu đầu tư chủ yếu tập trung vào kích cung và khâu trực tiếp sản xuất, chứ chưa chú ý đến khâu bảo vệ sản xuất, sau thu hoạch và thương mại, tạo ra “tắc nghẽn” cho cả chuỗi giá trị nông sản. Các lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), giao thông nông thôn, phát triển nguồn nhân lực…có khả năng đem lại hiệu quả cao thì chưa được đầu tư đúng mức.
Chính vì thế, trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để duy trì nhịp độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT xác định việc điều chỉnh cơ cấu, cơ chế đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vào ngành là yêu cầu cấp thiết.
Định hướng của ngành trong thời gian tới là đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư công; huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư vào ngành. Việc đầu tư phải dựa trên nguyên tắc lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường làm mục tiêu ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ vốn hàng năm.
Theo định hướng này, ngành nông nghiệp sẽ tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho các lĩnh vực trực tiếp sản xuất như khai thác, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, và nghề muối.
Cụ thể, lĩnh vực được tăng ưu tiên đầu tư trong cơ cấu ngành nông nghiệp là thủy sản. Tỷ trọng đầu tư tăng mạnh từ 2,9% giai đoạn 2006 – 2010 lên 5% giai đoạn 2011 – 2014 và 8,7% trong giai đoạn 2016 – 2020. Bộ sẽ hướng vốn đầu tư vào thực hiện các dự án hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, trung tâm giống thủy sản cấp quốc gia ở vùng ĐBSCL và Duyên hải Nam Trung bộ; đầu tư các cảng cá loại I tại các đảo có vị trí quan trọng, gần ngư trường trọng điểm và có khả năng kết hợp với khu neo đậu tránh bão, đồng thời tập trung hoàn thành các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng đang dở dang.
Các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp cũng được tăng tỷ lệ đầu tư với các chương trình, dự án tập trung vào phát triển giống cây, con, quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch. Trong khi đó, Bộ sẽ giảm mạnh tỷ trọng đầu tư đối với lĩnh vực thủy lợi từ 81,4% giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn 68% giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời, với điều chỉnh theo từng lĩnh vực, Bộ cũng điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo vùng qua việc tăng tỷ trọng đầu tư cho các vùng lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa như: ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng ven biển và hải đảo.
Bỏ cơ chế “xin-cho” trong cấp phép dự án đầu tư
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết: “Trong đề án tái cơ cấu, Bộ đã có định hướng rất rõ ràng là sẽ ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng. Sẽ giảm dần đầu tư thủy lợi cho cây lúa, tăng đầu tư thủy lợi cho các cây trồng cạn, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, những lĩnh vực có thể tạo ra giá trị gia tăng nhưng từ trước tới nay bị đầu tư thấp.”
Nhận định về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Trong thời gian tới cần điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư công theo hướng duy trì đầu tư cho các tuyến đê điều ở miền Bắc; còn ở miền Nam, thay vì ngọt hóa nguồn nước cho cây lúa thì nay nên xây dựng các vùng nuôi thủy sản một cách khoa học - tạo kênh đưa nước sạch và kênh nước thải riêng rẽ để phòng ngừa bệnh cho thủy sản, giảm sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu.
Với lĩnh vực trồng trọt cần đầu tư cho lĩnh vực quản lý thị trường phân bón, thuốc trừ sâu để kiểm tra chất lượng các loại hóa chất nông nghiệp nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước, đảm bảo chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, bảo vệ uy tín hàng Việt Nam trong cạnh tranh.
Ngoài ra, cần đầu tư mạnh hơn cho các vùng chuyển đổi đất lúa. Cụ thể như với cây vải thiều, cần đầu tư để mở rộng diện tích nhằm đón trước xu hướng phát triển của thị trường bằng cách chuyển đổi đất lúa ở miền Bắc sang trồng vải thiều thay vì trồng ngô lai vì trồng ngô đòi hỏi vốn đầu tư chuyển đổi hệ thống thủy lợi rất lớn.
“Để phân bố đầu tư công hợp lý và bỏ cơ chế “xin-cho” trong cấp phép các dự án, cần đầu tư theo định hướng thị trường dựa trên thế mạnh của từng địa phương tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, thiếu kế hoạch cụ thể dẫn đến việc sử dụng đồng vốn sai mục đích, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Thị trường nông sản không chỉ ở nước ngoài mà cần hướng tới 92 triệu dân trong nước,” ,GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Hơn nữa, khi cấp vốn đầu tư cho các ngành và địa phương, cần có một chủ trương chung đúng đắn, sau đó giao cho ngân hàng thực hiện. Nhà nước cấp vốn cho ngân hàng để ngân hàng xét duyệt các dự án cho vay một cách minh bạch và hiệu quả, tránh tình phân bổ vốn đầu tư theo ngành dọc gây lãng phí, không hiệu quả và tạo cơ hội cho tham ô, hối lộ.
N. A