Ý thức công dân

Cuối năm 2011, TPHCM chủ trương xóa bỏ việc đậu xe có thu phí trên 10 tuyến đường. Tại Hà Nội, 262 tuyến phố không được phép trông xe, thành phố vừa ra quân kiểm tra việc thực hiện chủ trương này.

Dẹp bớt các tuyến đường cho đỗ ôtô là đúng. Dẹp các điểm trông xe trên phố cũng không sai. Ùn tắc giao thông có nguyên nhân từ các tuyến đường bị lấn chiếm làm bãi đỗ xe. Xử lý được một nguyên nhân là giải quyết được một phần ùn tắc.

Người dân phàn nàn, khổ sở vì nạn kẹt xe, nhưng chưa nhận thức được rằng, bản thân mình cũng là một nguyên nhân. Một người ngồi trong xe hơi nhìn cảnh kẹt xe và bực tức vì cho rằng chính quyền quản lý quá kém, nhưng anh ta quên rằng, một mình ngồi một ôtô, chiếm diện tích mặt đường bằng bốn chiếc xe máy cũng là nguyên nhân. Nhiều người như vậy sẽ là một nguyên nhân lớn. Chưa kể, không ít người đậu xe ở các điểm cấm, dừng xe trên đường để đón con, chen lấn khi tham gia giao thông.

Người dân bức xúc vì chính quyền không có biện pháp giảm ùn tắc giao thông hiệu quả, nhưng người dân lại chưa ủng hộ tích cực khi chính quyền đưa ra một giải pháp cho việc này. Người dân thường phản ứng khi chính quyền đưa ra một giải pháp ảnh hưởng đến quyền lợi hay thay đổi tập quán sinh hoạt của mình, thái độ đó thể hiện một phần hạn chế nhận thức về lợi ích công cộng. Ai cũng muốn đường thông thoáng nhưng không mấy ai dám bỏ chiếc xe hơi ở nhà để đi làm bằng xe buýt. Để xây dựng được giá trị chung có lợi ích cho toàn cục, đôi khi phải hy sinh quyền lợi hay thói quen của cá nhân hoặc một nhóm người.

Tuy nhiên, những chủ trương đúng của chính quyền có thành công khi đưa vào áp dụng hay không còn phụ thuộc vào các biện pháp hỗ trợ. Xin lấy ví dụ, cho đến nay, sau một tháng cấm đậu xe ở 10 tuyến đường tại TPHCM, nhưng ôtô vẫn cứ đậu bình thường và khả năng các điểm trông xe ở Hà Nội cũng sẽ hoạt động trở lại, công khai hoặc lén lút. Nguyên nhân trước hết là do cả hai thành phố đều thiếu bãi đậu xe, thứ hai là người thi hành công vụ không kiểm tra, xử lý nghiêm, chưa kể là có hiện tượng tiêu cực.

Kêu gọi ý thức và trách nhiệm công dân khi tham gia xây dựng các giá trị xã hội, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng là điều cần thiết, phải thường xuyên làm. Nhưng cùng với nó, chính quyền phải có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng tối thiểu để hỗ trợ sinh hoạt của người dân. Nếu chỉ áp đặt dân chúng phải thực hiện các quy định của chính quyền trong khi tự thân chính quyền không tạo ra được những sản phẩm  phục vụ dân chúng thì những áp đặt đó sẽ không thuyết phục và tất nhiên không bền vững.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động