Xưa dạy trẻ chữ, gắn với dạy làm người thế nào
(Dân trí) - Cha ông mình xưa có cách dạy chữ cho trẻ ngay từ lúc còn để chỏm rất hay, đó là gắn liền dạy chữ với dạy làm người rất nhẹ nhàng dung dị nhưng trẻ em dù học từ thủa vỡ lòng cũng không bao giờ quên những giáo lý đó trong suốt cuộc đời chúng
Trên chuyên mục Diễn đàn, vừa đăng bài Giáo dục, từ chuyện riêng đến chuyện chung của tác giả Huỳnh Mai, có dẫn ra nhiều nhà sư phạm nước ngoài có những cách dạy rất hay.Tác giả viết: Bên Bỉ, ở trường, giá máng áo khoác ở cấp mầm non, lớp một, các cháu dán hình một con thú hay hoa cây lá mà các cháu chọn – để biết là móc nào của mình. Có cháu là con sóc, cháu kế là con mèo, … Nhưng bắt đầu lên bốn, các cháu đã có thể nhìn và vẽ tên mình.Tác giả lại viết: bác sĩ Trần văn Phúc có cho một thí dụ rất sư phạm: mẹ ông ấy đã dạy các con bà bắt đầu học chữ bằng cách đọc và viết tên mình, rồi đến tên anh chị và cha mẹ. Tức là dạy những gì có ý nghĩa cho trẻ.
Và tác giả dẫn bà Brand, một thanh tra bậc mẫu giáo, ông Fourez, một triết gia về giáo dục, ông Roosen, vốn là một giáo viên tiểu học nhưng từ từ thành giáo sư phương pháp sư phạm ở Đại học đều có nhưng cách dạy rất hay.
Từ chuyện dạy trẻ ở nước ngoài, tôi nhớ đến ngay từ ngày xưa thời phong kiến, ở Việt Nam khi còn dạy chữ tượng hình Hán Nôm, cha ông mình xưa có cách dạy chữ cho trẻ ngay từ lúc còn để chỏm rất hay, đó là gắn liền dạy chữ với dạy làm người rất nhẹ nhàng dung dị nhưng trẻ em dù học từ thủa vỡ lòng cũng không bao giờ quên những giáo lý đó trong suốt cuộc đời chúng, lại độc đáo, không sao chép cách dạy của nước nào
Ví dụ khi dạy chữ Bì 皮 và chữ Đại 大, các cụ dạy như sau:
Bì (皮) là da, thêm chấm thủy (氵) là ba (波), ba là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo
Đại (大) là to, bỏ nét ngang (一) thành nhân(人). Nhân là người, chớ thấy người sang bắt quàng làm họ
Với cách học này hồi đó, các học trò học 2 chữ 皮và 大lại hóa thành ra học được 4 chữ 皮, 大, 波 và 人. Vừa học chữ lại học cách làm người (Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo / Chớ thấy người sang bắt quàng làm họ).
Có ai dám chê cách dạy thời đó của các cụ không?
Và môi trường giáo dục ấy đã sản sinh ra những nhà trí thức vừa có tài vừa có đức, như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Chu Văn An đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau: “Chu Văn An tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh , Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là " Thất trảm sớ ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê”.
Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi, đỗ Trạng Nguyên, làm quan, bảy năm sau rứt áo từ quan về. Nhưng kể từ khi đỗ Trạng đến khi chết, hàng nửa thế kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nào cũng được trọng vọng. Nước chia Mạc, Nguyễn, Trịnh, thì cả nhà Mạc, Nguyễn, lẫn Trịnh đều từng đến tận nơi quê Nguyễn Bỉnh Khiêm ở để xin ý kiến ông về chuyện trọng đại nhất của mình.
Viết bài này cũng là để ôn cố tri tân, ngẫm về cách day trẻ học chữ gắn với dạy làm người của các cụ xưa để rồi nghĩ về nay vậy.
Nguyễn Đoàn