Góc nhìn chuyên gia

Giáo dục, từ chuyện riêng đến chuyện chung

...Có lẽ ta phải dự trù “trường kỳ kháng chiến” trong ba mươi năm! Để bắt kịp các nước khác. Dự trù trước để vạch đường đi


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong bài cải cách giáo dục đăng hôm nay trên VNExpress

http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/cai-cach-giao-duc-3569916.html

bác sĩ Trần văn Phúc có cho một thí dụ rất sư phạm: mẹ ông ấy đã dạy các con bà bắt đầu học chữ bằng cách đọc và viết tên mình, rồi đến tên anh chị và cha mẹ. Tức là dạy những gì có ý nghĩa cho trẻ.

Bên Bỉ, ở trường, giá máng áo khoác ở cấp mầm non, lớp một, các cháu dán hình một con thú hay hoa cây lá mà các cháu chọn – để biết là móc nào của mình. Có cháu là con sóc, cháu kế là con mèo, … Nhưng bắt đầu lên bốn, các cháu đã có thể nhìn và vẽ tên mình.

Chữ đầu tiên cháu nội tôi viết là PAPA (cha) và cháu hảnh diện khoe cả nhà.

Thế là từ từ các cháu học đọc, với bảng xe buýt đậu phía trước khi cháu bị kẹt xe trên đường, với tên hiệu bán kem lúc mẹ dừng xe mua kem cho cháu…

Học theo cảm tính, học bằng tiếp cận – một phương thức gần giống như học nói tiếng mẹ – không cần bài bản – một cách xã hội hóa - socialisation.

Vào lớp một, cô hay thầy giáo chỉnh đốn lại hết, có lớp lang và thứ tự có phương pháp. Các cháu sẽ học rất nhanh và rất giỏi . Cái vốn trước đó làm nền và giúp các cháu cấu trúc lại kiến thức – vì đọc bây giờ thành kiến thức chứ không còn là bươn chải để tập sống.

Nhưng các giáo viên lớp một cũng dạy đọc bằng những chuyên thường ngày – như chuyện “con bò Lucie đội nón” hay chuyện “con vịt bị lạc đàn” - Bài học đọc cũng là kể truyện, cũng là bài học khoa học, nhân văn, ... với những khái niệm cần cho cuộc sống với xã hội.

Ba tháng sau ngày khai trường của lớp một bậc Tiểu học, vào thời điểm của lễ Giáng sinh, các cháu đọc được. Phần còn lại của năm học là để củng cố – consolider - vốn biết đọc của các cháu.

Vì những tình cờ của cuộc sống, tôi đã có thời nghiên cứu về giáo dục và đã có hơn mười năm đảm trách việc đào tạo về sư phạm các giáo viên dạy về khoa học xã hội ở Đại học Liège. Chúng tôi đã làm rất nhiều chuyện – từ lịch sử và triết lý giáo dục đại cương, những phương pháp sư phạm cơ sở, ... tới những chuyện vặt vảnh hàng ngày trong một lớp học, giải quyết những tranh chấp, xung đột giữa thầy và trò, giữa trò với nhau, làm thế nào để trò học tốt,... . Dĩ nhiên những chuyện đó là công trình của tập thể, với các đồng nghiệp và với những giáo viên tương lai…

Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều người rất thú vị.

Bà Brand, một thanh tra bậc mẫu giáo. Bà say mê thuyết trìn về khả năng bẫm sinh của các cháu. Chỉ cần khuyến khích đúng và đúng thời điễm là cháu nở ra như một cánh hoa.

Ông Fourez, một triết gia về giáo dục, chuyên về liên hệ thầy-trò. Lúc đó là những năm 1980, ông đã viết về cuộc đồng hành giữa hai đối tác thầy và trò, trong một đối thoại riêng tư – colloque singulier -

Ông Louis, một đời tận tụy mang khoa học xã hội tới học sinh trung học, hướng dẫn học sinh của ông đọc sách. Mang những kết quả nghiên cứu xã hội học như những hình ảnh mà một cái gương phản chiếu các sự kiện xã hội. Khuyến khích học trò của ông từ bỏ thiên kiến để đi tới khoa học.

Ông Roosen, vốn là một giáo viên tiểu học nhưng từ từ thành giáo sư phương pháp sư phạm ở Đại học, ông chuyên cổ súy giáo dục dân tình và tổ chức nhiều buổi thuyết trình cho cộng đồng rộng.

Tôi cũng phải kể đến André Motte, lúc đó là khoa trưởng khoa Triết và Văn – Philo Lettres của Đại học Liège. Chúng tôi cùng lo việc cải tổ bằng chuyên khoa Sư phạm cho các ứng viên giáo viên.

Và nhất là với anh Jean Therer, cha đẻ của “Tuyên ngôn quyền của người đi học”.

Hiện, trừ anh Therer đang vui thú điền viên ở miền nam nước Pháp, những người khác đã đi rất xa, sang miền cực lạc nhưng các công tình của họ vẫn còn đó và tôi vẫn nhớ những “bài học” mà họ đã giúp tôi.

Tôi cũng có dịp quan sát rất gần học trình của các con tôi, và bây giờ học trình của các cháu tôi với những cái hay và cái dỡ, của cách hành xử ở những nước, nơi mà các cháu tôi sinh sống.

Từ 2008, tức là từ lúc nghỉ hưu, với hành trang của mình, tôi quay về xứ mẹ và để ý đến giáo dục trong nước. Tôi viết về những cập nhật cần thiết.

Ta làm nhiều chuyện “kiểu Việt Nam” - đại đa số các đề nghị của Việt kiều đều được trả lời là “nước ta làm khác” - Khác thì khác, tôi cũng đồng ý, không sao chép của ai được, nhưng hiện các triết lý, nội dung, chương trình và phương pháp sư phạm, ... của ta có lẽ phải cần canh tân gấp.

Không những vì tâm lý và thần kinh học của sự học đã tiến triển rất nhiều - hiện ta “thấy” được, qua máy chiếu cộng hưởng từ, não của học trò phản ứng khác nhau tùy theo nội dung và phương pháp dạy – Mặt khác, với những phương tiện thông tin mới như máy tính bảng và internet, điện thoại thông minh, ...trường học mà không thay đổi thì ta sẽ có những thế hệ chỉ biết Google chứ không còn biết Toán hay Văn…

Dĩ nhiên, đấy là một cách nói lẫy.

Có lẽ, trong chừng mực nào đó, ta cần đổi mới đào tạo giáo viên trước nhất. Dùng một phần tiền dành cho đổi mới giáo dục để khuyến khích sinh viên sư phạm – tại sao không ? Ta cần đổi mới giáo dục mẫu giáo: làm từ gốc, tạo một thế hệ học sinh phát triển tốt, đi vững vàng trên hai chân với một cái đầu biết suy nghĩ – suy nghĩ từ lúc lên ba! - chứ không phải một cái đầu đầy. Song song với hai mục ấy là khẳng định những mẫu đầu ra ta cần đào tạo để từ đó hoạch định chương trình và phương pháp đào tạo.

Và có lẽ ta phải dự trù “trường kỳ kháng chiến” trong ba mươi năm! Để bắt kịp các nước khác. Dự trù trước để vạch đường đi.

Chứ tôi không tin rằng hai chữ “đổi mới” suông là một chiếc đũa thần có khả năng thay đổi hiện tình – dù ta có đổ vào đó bao nhiêu triệu đô la Mỹ.

Nguyễn Huỳnh Mai