Xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu – điều không thể khác

Dư luận hoàn toàn ủng hộ xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu khi để ra những sự cố nghiêm trọng, như vụ án ở Vinaconex. Vì sự công bằng và để pháp luật được nghiêm minh, mong các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục điều tra, xử những vụ việc lớn hơn, sai phạm nghiêm trọng hơn nhưng vẫn chưa xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu.

Xử lý hình sự trách nhiệm người đứng đầu – điều không thể khác - 1

Chú thích: Đường ống nước sạch sông Đà đã bị vỡ 14 lần, ảnh hưởng đến 18 vạn dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh TL Dân trí

Việc khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình- nguyên Chủ tịch HĐQT Tcty Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thực sự nóng với dư luận. Nóng bởi trước đó, lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào tháng 5.2015 đã không có tên ông Bình cùng với một số vị lãnh đạo chủ chốt Tcty, với lý do các ông vi phạm lần đầu, thân nhân tốt và khai báo thành khẩn. Vậy đâu là lý do khiến các ông Phí Thái Bình, ông Nguyễn Văn Tuân (người kế nhiệm vị trí ông Bình vào năm 2006) và 5 người khác lại bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can lần này?

Công bằng mà nói, từ trước đến nay, những sự cố như đường ống dẫn nước sông Đà, không chứng minh được dấu hiệu của tham ô, tư túi thì hầu như không có chuyện khởi tố người đứng đầu. Đặc biệt, với người đã nghỉ hưu lâu như ông Phí Thái Bình, lại chỉ đạo dự án này có hơn 2 năm đầu trong gần 6 năm thực hiện, thì theo tôi biết, gần như không có chuyện khởi tố. Nhưng nay, lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn với phương châm “xử lý một vài người để cứu muôn người” và đòi hỏi của dư luận cũng cao hơn rất nhiều: Xử lý người đứng đầu để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, buộc họ phải có trách nhiệm rất cao khi xử lý công việc và không có khái niệm “hạ cánh an toàn”.

Với vụ việc này, theo kết quả điều tra bổ sung của công an, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT (ông Bình rời Vinaconex tháng 9.2006), Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống. Cụ thể, HĐQT đã cho đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Nói về loại ống sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh này, tôi rất may là một trong số những phóng viên được chiêm ngưỡng đầu tiên về công nghệ sản xuất nó từ khi Tcty Vinaconex mới nhập thiết bị về và sản xuất thử. Ngày đó, trong xưởng mái tôn rộng mênh mông mới có hơn chục ống sợi thủy tinh (cách nói nôm của các vị ở đây cho chúng tôi dễ hình dung) với đường kính 1,2 đến 1,8 mét. Các kỹ sư ở đây rất tự hào giới thiệu về công nghệ rất mới này, dù rằng chúng tôi vẫn còn bán tin, bán nghi về …sợi thủy tinh. Nhưng rồi chúng tôi bị thuyết phục bởi nhiều yếu tố. Nào là các thiết bị thử áp lực nước hiện đại, loại ống này không bị rỉ sét như loại ống gang, chủ động được vật tư... Mà ngày đó, các nhà máy đúc ống gang lớn nhất ở miền Bắc như nhà máy Cơ khí Mai Động (Hà Nội), nhà máy Đúc Tân Long (Hải Phòng) cũng chưa thể sản xuất được những ống gang có đường kính lớn như vậy. Đấy là chưa nói, để đảm bảo yêu cầu về áp lực, đó phải là các ống gang cầu, thì năng lực của các nhà máy này còn lâu mới với tới. Lúc đó, tôi chỉ thấy nể về sự chủ động về công nghệ, chủ động về nguồn vật tư của lãnh đạo Tcty Vinaconex cho dự án rất quan trọng nhằm phục vụ mục đích dân sinh này.

Nhưng rồi, ai học được chữ ngờ, liên tục vỡ, bục ống nước. Còn quyết định chuyển vật liệu ống này đúng hay sai, hay do quá trình kiểm nghiệm ống thiếu chặt chẽ, hoặc do làm cốt nền không đảm bảo, chắc chắn đòi hỏi cơ quan điều tra và các cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ hơn nhiều. Và cũng chính bởi sự phân trách nhiệm cho đường ống nước này phục vụ một khu vực dân cư rộng, nên nó trục trặc là hàng vạn người bị ảnh hưởng mà rất khó khắc phục. Đó cũng là lý do mà cơ quan điều tra kết luận “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Do đó, điều dễ hiểu, khi cơ quan điều tra khởi tố bị can lần đầu, không có danh sách những người đứng đầu Tcty Vinaconex, một số báo lên tiếng, như vậy là bỏ lọt tội phạm. Dù rằng, số tiền mà Tcy phải bỏ ra để khắc phục không lớn lắm (hơn 13 tỉ đồng), nhưng ảnh hưởng tới gần 18 vạn hộ dân do bị ngừng cấp nước gần 350 giờ trong 14 lần vỡ ống nước, 6 lần rò rỉ.

Tôi nghĩ, dư luận hoàn toàn ủng hộ xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để ra những sự cố gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, dư luận cũng hy vọng rằng, không ít những vụ việc còn lớn hơn, sai phạm nghiêm trọng hơn vẫn chưa xử lý hình sự người đứng đầu thì rất cần các cơ quan tiến hành tố tụng sớm xem xét, điều tra. Đó là đòi hỏi của sự công bằng và để pháp luật được nghiêm minh.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm