Xót xa “chạy” để được làm thầy, làm cô

“Chạy” làm thầy, làm cô – nghe xót xa quá. Nghề giáo, nghề danh giá và được kính trọng bậc nhất trong xã hội đang bị đánh mất bởi sự việc xảy ra tại Đắk Lắk.


(hình minh họa)

(hình minh họa)

Vụ việc đang gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Từ “chạy” ở đây không phải là từ “chạy” trong từ điển, nhưng nó dễ hiểu đến mức, một người không biết chữ vẫn biết nghĩa của từ “chạy” này.

Và câu chuyện của hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk cũng “nóng” hơn bởi từ “chạy” này.

Từ năm 2011 đến tháng 11.2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học khiến số lượng giáo viên bị thừa rất lớn, việc này liên quan đến 3 nhiệm kỳ chủ tịch UBND huyện. Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch giai đoạn 2011-2016 và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch đương nhiệm - là chủ yếu.

“Thời điểm đó không có tiền, gia đình phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ. Hiện sổ đỏ vẫn còn cầm trong ngân hàng chưa thể lấy ra mà một con tôi đã nhận thông báo chấm dứt hợp đồng, hai đứa còn lại thuộc diện thi tuyển nhưng không biết đậu không” – một bà mẹ nói trong nước mắt.

Một thầy giáo thì nói, hai vợ chồng phải bỏ ra hơn 120 triệu đồng để lo “chạy” vào biên chế, nhưng biên chế đâu không thấy mà chỉ hợp đồng với mức lương thấp dần rồi cắt luôn hợp đồng.

Còn rất nhiều trường hợp tương tự như vậy, tất cả đều có một điểm chung, đó là bỏ nhiều tiền để được làm cô, làm thầy trong một thời gian ngắn ngủi với đồng lương hợp đồng bèo bọt.

Tiền thì đã mất, nhưng các giáo viên thì đang rơi vào tình cảnh bị “đem con bỏ chợ”.

Vụ việc đang được xác minh, làm rõ. Kết quả không biết rồi sẽ đến đâu nhưng tôi tin những ông bố, bà mẹ chân lấm tay bùn kia; những thầy cô giáo khốn khổ kia không dựng chuyện để vu khống người khác.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - với dân tộc ta, đạo thầy trò luôn luôn được đề cao. Vậy nhưng chuyện các giáo viên phải bỏ tiền “chạy” để được đi dạy, “chạy” người mà hằng ngày mình cũng gọi là thầy, là đồng nghiệp thì nghe đau xót quá.

Krông Pắk là huyện miền núi khó khăn của Đắk Lắk mà đã vậy, thử hỏi ở các nơi khác thì thế nào, hay đây chỉ là các trường hợp cá biệt?

Không ai dám trả lời điều đó, nhưng tôi tin chuyện này không chỉ xảy ra tại Krông Pắk mà còn nhiều nơi khác nữa nhưng vì một lý do nào đó, sự việc chưa được bung ra mà thôi.

Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk phải khẩn trương làm rõ vụ việc, lực lượng chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ thông tin “chạy” để được làm thầy, làm cô; từ đó có hướng xử lý cụ thể để lấy lại lòng tin của người dân. Hơn 500 giáo viên là từng ấy số phận, từng ấy hoàn cảnh, và biết đâu cũng từng ấy “chạy” trong nước mắt để được đứng trên bục giảng. Một con số không hề nhỏ đâu, thưa các vị lãnh đạo!

Theo Lê Phi Long

Báo Lao động