Bạn đọc viết:

Xốn xang tháng Chạp

(Dân trí) - Tháng mười hai âm lịch - tháng cuối năm mà ông bà ta vẫn gọi là tháng Chạp đã về. Buổi sáng ra đường, sương mù giăng kín làm những con đường quen thuộc phía trước mờ ảo, khiến ta có cảm giác lạ mà quen.

Hoài niệm Tết (ảnh minh họa: báo Gia Lai)
Hoài niệm Tết (ảnh minh họa: báo Gia Lai)

 

Vậy là một năm lại sắp đi qua với những ngày tháng Chạp sao mà da diết quá, như thể có sự thúc giục của thời gian. Mới hôm nào hè còn rực rỡ, rồi thu vàng phơi phới gõ cửa, chóng vánh lắm đã đến đông. Giờ đây đông cũng rũ áo đi nhanh, buông mành cho những gì ở lại.

 

Thời gian trôi nhanh nên con người cũng gấp gáp quá chăng… Hôm nay bước chân ra đường bắt gặp cảnh phố phường chăng đèn kết hoa, băng rôn khẩu hiệu cùng dòng người ai cũng hối hả nhộn nhịp dồn bước chân, khiến lòng ta cũng chộn rộn theo.

 

Người ta bảo: tháng Chạp là tháng đoản khúc thời gian khi bước đến tháng cuối cùng của một năm, nên mỗi người thường có thói quen nhìn lại và đánh giá về những điều đã trải qua, đã nhận được trong suốt mười một tháng trước. Có người ngoái nhìn lại với ánh mắt đầy mãn nguyện vì cuối cùng họ đã làm được một điều gì đó thật đáng tự hào. Có người thì thở phào vì cuối cùng cũng đi được hết mười một tháng vất vả….

 

Cảm giác hối hả, cập rập của một năm sắp qua xen lẫn sự rạo rực, vui sướng khi sắp chào đón một năm mới... có lẽ làm cho ai nấy đều cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả, thấy mình cần được yêu thương, chia sẻ.

 

Dù vui mừng hay tiếc nuối thì tháng Chạp cũng là tháng để mỗi người được trở lại là chính mình, được cho phép mình thả lỏng hơn một chút để tận hưởng thời khắc chờ đón một năm mới sắp đến với bao kế hoạch, dự định và cả những thách thức đang đợi chờ ở phía trước.

 

Thế nên tuy cũng như mọi tháng trong năm, nhưng chỉ riêng tháng Chạp lại được nhiều người coi là tháng của cảm xúc, tháng của yêu thương, tháng của hy vọng. Chả thế tháng Chạp về, mọi người như thơm thảo với nhau hơn bởi những món quà đầy ý nghĩa. Người tặng, kẻ biếu đều xỉ xả với niềm vui đong đầy….

 

Và những người con xa xứ càng nườm nượp hơn trên những con đường trở về quê hương, đem lại sự rộn rã thêm cho phố phường, làng xóm... Nhà này ngóng con, nhà kia hỏi thăm cháu… hồi hộp, mong ngóng, đón chờ. Và cứ mỗi độ đến ngày 20 tháng Chạp, người ta lại tự nhiên không ai bảo ai gần như quên mất ngày Dương lịch để coi những ngày cuối của tháng Chạp là Tết. Cứ mở miệng là hỏi nhau: Hăm mấy Tết rồi nhỉ? Rồi rủ nhau đi mua sắm Tết, rủ nhau đi lễ chùa, đi chợ hoa…

 

Cứ thế, tháng Chạp trở về giữa nhân gian bằng chừng ấy sự sinh chuyển của cỏ cây, của khí trời và lòng người. Cả những cơn mưa dằng dai và những vệt nắng hiếm hoi cũng như dùng dằng muốn níu kéo chút tàn dư mùa cũ.  

 

Những ngày tháng Chạp bỗng trở nên thiêng liêng hơn trong sự thành kính của việc chuẩn bị cho các tập tục tết cổ truyền. Tháng Chạp như ngưng lại, không trôi đi được cùng bao nhiêu việc phải làm cho một năm đã qua, cho một năm đang tới, làm cho ta lưu luyến những ngày tháng Chạp và dậy lên những phút ngân đọng của cảm xúc “dọn lòng” thênh thang.

 

Cũng chính bởi thế năm nào cũng vậy, tháng Chạp về khi đào, mai cựa mình lấm tấm những nụ mầm tươi non trên từng kẽ lá, trên chính thớ vỏ xù xì, thì ta lại miên man trong niềm hoài niệm, trong những mường tượng về một sớm xuân ấm áp mở  màn năm mới với bao hứa hẹn tương lai…

 

Một tháng Chạp nhiều cảm xúc và hoài niệm nữa lại sắp đi qua! Trong phút giao mùa này, lòng ai chẳng ít nhiều xốn xang cùng tháng Chạp như cứ dùng dằng đi chẳng dứt…

 

Minh Tư

(Phòng Tổ chức cán bộ-Công tác chính trị, trường Đại học Sư  phạm Thể dục Thể thao Hà Nội)