XKLĐ: Chữa “bệnh” lao động VN bỏ trốn phải từ cả hai phía

(Dân trí) - "Ý thức" lại được chỉ rõ đóng vai trò lớn nhất trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động Hàn Quốc “đóng băng”, dẫn tới nguy cơ dừng chương trình cấp phép mới (EPS) cho lao động VN, đe dọa gây thiệt hại kinh tế từ thị trường này gần 1 tỷ USD/năm.

Hàng trăm người dân Nghệ An chen lấn đăng ký thi tuyển tiếng Hàn (ảnh tư liệu: Nguyễn Duy)
Hàng trăm người dân Nghệ An chen lấn đăng ký thi tuyển tiếng Hàn (ảnh tư liệu: Nguyễn Duy)

 

Đường vòng và... chen ngang
 
Cũng theo các giới chức Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), phải gánh chịu thiệt hại “trong tầm tay” trước hết chính là 12.000 lao động (LĐ) đã hoàn thiện hồ sơ gửi lên mạng nhưng chưa được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc (HQ) lựa chọn, vì Chương trình EPS với VN không được ký tiếp.

 

Rào cản lớn nhất được nêu rõ là do tỉ lệ LĐVN bỏ trốn ra ngoài sống và làm việc bất hợp pháp quá cao (có tháng tới 57%), thì  dù người LĐ có viện bất kỳ lý do gì cũng không thể biện minh cho sự thực: ý thức của LĐVN nhìn chung còn kém. Và chắc chắn không ai phản bác điều được Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh: Không thể vì lợi ích cá nhân của một số người LĐ mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng vạn LĐ khác và tới lợi ích quốc gia!

 

Vậy nhưng quy định thường là rõ ràng, đầy đủ và hợp lý, hợp tình. Nhưng khi vận dụng vào thực tế thì có lẽ cả từ phía người làm công tác XKLĐ tới các LĐVN muốn đi XKLĐ đều… không thích đường thẳng? Bởi vì nếu cứ đường thẳng (hay đường quang nhỉ?) mà đi thì bên A mất đứt đi các khoản “tế nhị”. Còn bên B nếu cứ phải xếp hàng lần lượt chẳng thể được ưu tiên chen ngang, chen dọc. Chẳng thế mà đã có nhiều bạn đọc phải than trời: Sao dân ta giờ không còn văn hóa xếp hàng nữa rồi!!! 

 

Hung manhhungatk@yahoo.com cũng một lần nữa nhấn mạnh:

 

“Các bạn cứ nói là do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động XKLĐ làm việc không tốt, đó cũng là một lý do. Nhưng lý do quan trọng là ý thức của người Việt ta còn kém. Nếu không có Cầu thì làm gì có Cung? Người LĐ cứ đi đúng trình tự XKLĐ, không ai chen ngang lên trước thì cơ quan quản lý LĐ sẽ bắt buộc phải làm đúng. Tại phần lớn người LĐ cứ muốn đi trước, đi nhanh...và đưa tiền cho họ để được như ý mình muốn, thì mất nhiều chi phí là đúng. Vậy hãy nghĩ xem nên trách ai?”

 

Dân ta còn nghèo, biết là đi XKLĐ cũng vất vả, khổ sở thật đấy nhưng ít ra lương cũng cao hơn ở nhà (nhiều khi còn thất nghiệp). Vậy nên chỉ tiêu XKLĐ nhiêu chắc cũng chẳng đủ nhu cầu vì số người muốn đi luôn vượt trội. Nhất là với những thị trường được người LĐ ưa chuộng như HQ, Nhật Bản, Đài Loan…Song đúng là rằng hay thì thật là hay, xem ra ngậm đắng nuốt cay cũng nhiều.

 

Thế nên có lẽ phải những ai từng trải qua cuộc sống thực nơi xứ người mới thấm những tâm sự đắng cay như của Hoàng Hải Bến Hoanghaiben@yahoo.com:

 

“Tôi tin chẳng ai muốn ra ngoài kiếm tiền kiểu đó đâu, vì nguy hiểm và rủi ro rất nhiều. Tôi cũng sống cảnh như vậy vài năm ở Đài Loan nên tôi hiểu, nhưng vẫn phải chấp nhận mạo hiểm, vì sao ư? Đơn giản thôi:

 

1 - Bộ LĐTBXH công bố mức phí đi XKLĐ là 1, nhưng người LĐ muốn đi được phải đóng gấp đôi, thậm chí hàng trăm triệu. Số tiền đó rất lớn đối với gia đình nông dân, nhưng Bộ có quản lý nổi không? Sang 3 năm kiếm không lại nổi đã hết hạn phải về. Để đi sang lại ư? Lại phải đóng tiền tiếp nhé, thế thì ai chịu được nên đành phải trốn ra ngoài thôi.

 

2 - Ai có đi mới biết, toàn cảnh môi giới đem con bỏ chợ...thôi rồi. Nhưng các khoản cần trừ thì họ trừ đều đặn lắm, LĐ không chạy đi đâu được. Ở nhà bảo là lương được tương đương 15 triệu đồng/tháng, nhưng xin lỗi nhé, tôi khẳng định: Không đúng đâu! Vì đấy là chưa trừ gì, chứ sau khi trừ còn lại tầm 3 – 4 triệu đồng/tháng thôi. Mọi người nhân lên đi xem 3 năm làm bị... trừ đầu trừ đuôi hết, còn đâu mà bỏ ra dành dụm nữa. Tôi thấy hình như mọi người ở nhà toàn bàn chuyện...trên trời, chỉ thấy được cái trước mắt. Cơ quan có chức năng thì chẳng quản lý được, cuối cùng lại chỉ tội dân nghèo thôi!”

 

Nhiều LĐ đã và đang ở HQ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm xương máu, nhưng trong khuôn khổ bài này chúng tôi chỉ có thể chọn trích đưa 1 lên ý kiến đại diện của  Nguyen Thanh Do victory_korea84@yahoo.com.vn:

 

“Mình hiện đang LĐ tại HQ, xưởng  mình có đến 50 người VN mà hầu như ai cũng… nản với phát biểu của bà Bộ trưởng LĐTBXH. Mình sang HQ được hơn 4 năm, dù số tiền mình chi phí để đi sang có hơn 30 triệu, chả thấm thía gì so với nhiều bạn tiền trăm triệu mới đi được. Nhưng mà nhiều lúc nghĩ lại mình mất tiền cho ông trưởng phòng CTHS SV trường học cũng ấm ức, thấy mình khờ. Năm 2008 trường mình được Bộ LĐTBXH cho 70 chỉ tiêu, trường giao xuống khoa, rồi lớp chọn sinh viên (SV), rồi thi chọn mấy lượt, rồi chọn 70 SV thi tiếng Hàn, tất cả đều đậu. Vậy mà ông trưởng phòng đó cũng lấy ít nhất của mỗi người từ 20 đến 50 triệu.

 

Riêng mình học định hướng xong rồi, chờ hơn 1 tháng chưa đi được, ông lấy lý do: Có lẽ ngoài Bộ LĐTBXH làm  thất lạc thủ tục. Mi đưa thầy ít tiền thầy ra coi răng. Thế là mất 5 triệu cho ông ấy. Ai ngờ đợt đó ông đi học cao học ở HN… Rồi đến khi mình có quyết định bay ông lại bảo: “Đem thầy ít tiền để thầy cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ và làm hồ sơ”. Mình thật thà hỏi tầm bao nhiêu nữa… thế là 15 triệu nữa lại… ra đi. Các bạn thấy đấy là một trường ĐH… hẳn hoi, mình cũng là SV loại giỏi, làm công tác XH nữa nên  thường xuyên tiếp xúc với ông mà còn như thế. Huống chi là những người phải qua cửa “cò vạc”.

 

Thanh Huyền Korea cutexnhok@gmail.com  nêu rõ nỗi ám ảnh với những người “một đi không muốn trở lại”:

 

“Không chạy tiền để đi thì chỉ có nước chờ hết hạn rồi đi lấy hộ chiếu về. Không phải ai cũng muốn ra lưu vong đâu. Giám đốc người HQ cũng lắm người nhiều chiêu trò lắm… Có câu "không ở trong chăn làm sao biết chăn có rận"… Nhiều người hết hạn cũng muốn về VN lắm chứ, nhưng câu hỏi đặt ra là:" Về rồi sẽ làm gì? lương bao nhiêu?... Quả thật rất khó tìm câu trả lời cho họ. Chỉ một số ít về vì lí do gia đình hoặc vì họ cũng xác định được việc làm ở VN thôi. Số còn lại không dám đánh đổi mức lương khoảng 20 triệu để lấy mức lương 2 triệu/tháng đâu. Nên thà… bị bắt chứ chẳng ai (đã bỏ trốn) chịu tự nguyện về cả. Cái đó cũng thật khó trách ai. Nhất là khi ở HQ tiền lương thưởng cao hơn hẳn, làm việc gì cũng quy củ… Trong khi đó ở VN thì hầu như đi đâu cũng phải đưa đồng tiền ra trước con người...”
 
Nhu cầu đi LĐXK sang Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn (ảnh minh họa: hoptacquocte.com)
Nhu cầu đi LĐXK sang Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn (ảnh minh họa: hoptacquocte.com)

 

Biết lợi bất cập hại, nhưng...
 
Cũng đồng ý với nhận định của các cơ quan chức năng rằng thị trường LĐ HQ "đóng băng" gây tổn thất lớn cho cả đất nước và cá nhân những người LĐVN, song nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ LĐVN bỏ trốn cao vẫn được chính những người LĐ nhấn mạnh và chắc cũng được khá nhiều người dân đồng tình rằng: khởi nguồn từ phía những người “nắm đằng chuôi” – họ chẳng cần đi đâu mà vẫn được hưởng lợi nhiều hơn hẳn số phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm sống nơi xứ người.

 

Mà khi cán bộ không gương mẫu thì tuyên truyền vận động bao nhiêu cũng chẳng ăn thua, vì đa phần dân ta ý thức còn thấp, chẳng thể mong nhanh chóng đưa mọi việc vào quy củ ngay được. Tuy nhiên, từ chính thực tế cuộc sống và làm việc, không ít LĐXK cũng tự nhận thức được vấn đề và hơn thế nữa còn đề xuất thêm những giải pháp thiết thực:

 

“Tôi là LĐVN tại HQ đã về nước, tôi xin nêu ra 1 số nguyên nhân khiến LĐVN tại HQ bỏ trốn hàng loạt như sau:

 

+ 1 là do chính sách thủ tục tuyển người quá nhiều phiền hà, nhất là đối với những người hết hợp đồng về nước. Trong khi đó HQ luôn rất cần người đã có kinh nghiệm làm việc tại đất nước của họ. Chính việc này là nguyên nhân cho các cuộc trốn chạy và sống lưu vong bất hợp pháp tại HQ gia tăng.

 

+ 2 là những tiêu cực trong công tác tuyển lựa và các loại dịch vụ “trên trời dưới đất” của các đối tượng cò mồi, khiến người LĐ phải chịu nhiều tốn kém, để đi ra nước ngoài được phải mất rất nhiều tiền. Nên khi đi được họ cảm thấy tiếc cho những đồng tiền đã chi ra, mà nếu về nước đúng hạn thì lại khó có cơ hội đi tiếp. Nên họ đành liều cứ sống bất hợp pháp nơi đất khách với bao rủi ro và phiền toái.

 

Tôi nghĩ, nếu cơ quan quản lý LĐ ngoài nước làm tốt hơn trong việc tuyển chọn, nghiêm khắc hơn trong việc quản lý, linh hoạt hơn trong việc tái tuyển chọn đối với những LĐ về nước đúng hạn  (cụ thể là có thưởng có phạt), thì tôi nghĩ đây không phải là 1 bài toán khó... Nhân đây xin chúc tất cả anh em đang LĐ tại HQ luôn mạnh khỏe và nên về nước đúng hạn, để chúng ta luôn mang tiếng thơm tại các thị trường LĐ ở nước ngoài” - Trần Trung Chính:  trungchinh2007@yahoo.com

 

“Theo tôi, muốn không còn có hiện tượng LĐVN trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp bên HQ này cũng đơn giản thui? Chỉ cần thưởng cho những ai báo có người bất hợp pháp từ 200 đến 300USD,  thì tui đảm bảo trong vòng 1 năm thui bất hợp pháp sẽ không còn 1 người nào nữa. Bản thân tui sắp hết hợp đồng bên này nhưng tui sẽ về, nếu các bên chức năng liên quan đồng ý áp dụng thưởng như vậy,  trong 1 tháng tui chắc chắn kiếm được 4.000 USD vì quanh công ty tui số LĐ bất hợp pháp có thể nói là nhiều lắm, nước nào có lẽ cũng có cả chứ không cứ gì riêng LĐVN” - Nguyen Van Tan:  nguyentan_83@yahoo.com.vn

 

Hai bàn tay cùng vỗ vào nhau thì mới nên tiếng, sai trái đúng là chẳng chỉ riêng bên nào. Nhưng để chữa những căn bệnh đã thành trầm kha rồi thì vô cùng phức tạp, nhất là khi lợi ích đã được hưởng bao lâu nay giờ bảo tự cắt bỏ chắc chẳng ai tự nguyện cắt…

 

Rồi thì nhiều người vẫn ung dung với các triết lý: “Người khôn, của khó”, “Khôn sống, mống chết”, “Chân mình còn lấm bề bề, lại còn cầm đuốc đi rê chân người” làm chi…??? Nhưng muốn chữa dứt “căn bệnh” LĐXKVN bỏ trốn, rõ ràng không thể chỉ từ một phía liên quan!

 

Khánh Tùng