Phiếm đàm

Xin hãy thực tế, đừng mộng mị

(Dân trí) - Có trời mới biết tại sao lại như vậy và sắp tới có còn như vậy nữa không?

>> Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Sự thách thức của người có trách nhiệm


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tôi bỗng sợ sự mộng mơ của các nhà quản lý ở Hà Nội đang mang họa cho ngân khố, khi được biết các vị ngồi trong phòng lạnh tính toán rằng dùng hình thức xe buýt nhanh (BRT) như mô hình tổ chức của nước ngoài để đi từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) đến bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) dài 14,7 km với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường, xe có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút 1 chuyến. chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường. Thế là người ta hăm hở bỏ ra 55 triệu USD (hơn 1000 tỷ) chi cho dự án này, dự tính đến cuối năm 2016, nghĩa là còn vài tháng nữa sẽ đưa vào sử dụng thì mới tá hỏa nhận ra rằng thực tế giao thông trên tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa, đường hẹp, chỉ có 3 đến 4 làn giao thông hỗn hợp mỗi hướng và mật độ giao thông trên tuyến này và các tuyến lân cận rất đông, việc “Buýt nhanh xin một minh một đường để phát huy năng lực” khó có thể thực hiện được. Tính toán sơ bộ nếu tần suất xe Buýt nhanh chạy 3 phút/chuyến theo mỗi chiều thì tại mỗi giao cắt xác suất lớn là 1.5 phút sẽ có một xe Buýt nhanh qua và không thể có một chu kỳ cố định cho việc “xanh đèn dành riêng cho xe BRT”. Với điều kiện ưu tiên hoàn toàn tại giao cắt cho BRT và thực tế giao thông hiện nay tại Hà Nội vào giờ cao điểm, các dòng giao thông hỗn hợp sẽ trở nên hỗn loạn sau vài chuyến BRT vì chu kỳ đèn đỏ qua dày và độ dài đèn xanh theo các hướng không thể điều khiển tỷ lệ nhịp nhàng theo lưu lượng phương tiện. Thực tế hiển hiện rõ một cách cay đắng là tuyến đường Kim Mã – Yên Nghĩa thực sự không thể giải quyết được bảo đảm vận hành để đạt được các tiêu chí tối thiểu của một hệ thống BRT trong tương lai, vì thế nó đang gây lãng phí hơn 1000 tỷ VN đồng

Điều đáng lo ngại là những nhà quản lý có đầu óc mộng mơ kiểu ấy không ít. Riêng TP Hồ Chí Minh đã có gần 700 dự án “trùm mền” từ đầu óc mộng mơ. Nhìn rộng ra cả nước, điển hình là Dự án mở rộng Nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên với mộng mơ tạo ra thêm hàng chục ngàn việc làm, đến nay vẫn dở dang sau 10 năm xây dựng, muốn đầu tư tiếp phải có trên dưới 4.000 tỷ nữa mà hiệu quả đã thấy trước là thua lỗ. Nhà máy đạm ở Ninh Bình với mộng mơ số công nhân dự kiến lên tới 1.000 người nhưng đi vào hoạt động lại lỗ lũy kế lên tới 2.000 tỉ đồng, phải sa thải rất nhiều công nhân. Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất với mộng mơ tạo việc làm cho khoảng 200 kỹ sư, công nhân thì hiện chỉ còn giữ lại vài chục người để đảm bảo nhà máy hoạt động cầm chừng.

Những nhà quản lý mộng mơ đó, khi lập các dự án đều đưa ra những dữ kiện đẹp đẽ, thuận lợi hết sức chủ quan, duy ý chí, đến khi va đụng vào thực tế mới thấy tá hỏa vì những con số lỗ khủng khiếp. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) đã đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, chỉ giữa năm 2015 đã lỗ đến 1.732 tỷ đồng và từ tháng 9.2015 đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất để chống thua lỗ kéo dài! Còn Dự án Bauxite ở Tây Nguyên, Dự án Tân Rai, vốn ban đầu dự kiến trên dưới 8.000 tỷ thì khi hoàn thành lên đến 687 triệu USD (hơn 14000 tỷ đồng) và đã được dự kiến lỗ trong 3 năm là 460 tỷ đồng; Và Dự án Nhân Cơ sẽ lỗ hơn 3.000 tỷ trong 5 năm.

Nhưng có điều lạ là khi tan giấc mơ hoa, các chủ đầu tư đứng trước thua lỗ, thất bại, không hề có ai thừa nhận rằng mình làm kinh tế yếu kém mà luôn đổ lỗi tại những lý do khách quan như do chậm tiến độ, giá nguyên liệu, thiết bị tăng hoặc do tỷ giá ngoại tệ tăng cao so với tiền đồng v.v... và chẳng ai chịu trách nhiệm về sự mộng mị của mình đã gây tai hại cho đất nước.

Mà lạ hơn nữa là ở các nước, thường khi làm kinh tế, họ nếu có vấp phải sai lầm lớn, lần sau rút kinh nghiệm, sai lầm nhỏ hơn, lần sau nữa, không còn bị sai lầm nữa, còn ở ta thì ngược lại. Đã vấp phải sai lầm trước đây, từ 1995 đến năm 2000, chúng ta mộng mị về Chương trình 1 triệu tấn đường với số vốn bỏ ra 750 triệu USD (tương đương hơn 8.200 tỷ đồng) các nhà quản lý đã quyết định xây dựng ồ ạt 44 nhà máy đường ở 29 tỉnh , thành phố, hậu quả đã để lại số nợ khó đòi không có khả năng thanh toán là 7.158.863 triệu đồng. Chưa hết, những năm 90 cuối thế kỷ trước, chúng ta lại mộng mị Chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng, nhanh chóng xây dựng đưa vào hoạt động hơn 40 nhà máy có vốn đầu tư là hơn 160 triệu USD để rồi nhanh chóng tan giấc mộng vàng vì tan biến vì chất lượng xi măng quá kém, ô nhiễm môi trường nặng nề. Tưởng rút ra được bài học kinh nghiệm, nhưng những năm sau này lại tiếp tục mộng mị về Dự án mở rộng Nhà máy luyện cán thép Thái Nguyên, Dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Dự án Tân Rai, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng, Nhà máy đạm ở Ninh Bình, v.v... để dẫn đến sai lầm càng khủng hơn, gây hậu quả càng tai hại hơn.

Có trời mới biết tại sao lại như vậy và sắp tới có còn như vậy nữa không?

Nguyễn Đoàn