Xe đạp công cộng trong 5 thành phố: “Không nên làm ồ ạt”

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều chuyên gia ủng hộ việc phát triển xe đạp công cộng ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng lưu ý không nên phát triển ồ ạt mà phải chọn những khu vực, tuyến đường phù hợp cho người sử dụng.

Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ và UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.

Hà Nội chưa có đường dành riêng cho xe đạp
Hà Nội chưa có đường dành riêng cho xe đạp

Ông Doãn Minh Tâm - Viện trưởng Viện khoa học và Công nghệ GTVT - cho biết, mỗi giải pháp đặt ra đều phải đạt được mục tiêu nhất định. Do vậy, chỉ đạo của Thủ tướng chắc chắn đã có cơ sở nên 5 thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện.

Tuy nhiên, điều ông Tâm muốn các cơ quan chức năng phải làm rõ cơ sở khoa học khi triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố. “Đề án phải làm rõ mục đích là vấn đề môi trường hay giải quyết ùn tắc giao thông. Đứng về mặt môi trường xe đạp là phương tiện sạch. Tuy nhiên, đứng về mặt hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông thì xe đạp cùng các đối tượng xe 2 bánh nói chung đang nằm trong gói hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Tâm phân tích.

Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - phân tích rõ những lý do cần phải triển xe đạp công cộng ở trung tâm 5 thành phố lớn là nhiều người có nhu cầu đi lại bằng phương tiện này. Hơn nữa, người dân sử dụng xe đạp còn mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và an toàn giao thông…

Do xe đạp là phương tiện thô sơ, nên ông Hùng lưu ý các thành phố không nên phát triển ồ ạt mà phải lựa chọn khu vực, tuyến đường phù hợp cho người sử dụng. “Nếu phát triển xe đạp ồ ạt, nhiều địa điểm sẽ không có ai đi. Tuy nhiên, ở những tuyến đường có tốc độ giao thông vừa phải, mật độ thấp đi xe đạp sẽ hòa nhịp với loại phương tiện khác mà không cản trở”, ông Hùng giải thích.

Theo ông Hùng, chính quyền 5 thành phố lớn sẽ phải nghiên cứu cụ thể Đề án phát triển xe đạp công cộng để phù hợp với thành phố của mình. “Để phát triển xe đạp công cộng, chính quyền cần đưa ra chính sách hợp lý như tuyến đường nào, khu vực nào nên phát triển xe đạp, vị trí trông giữ xe làm sao cho hợp lý… Còn đầu tư xe đạp là việc của các nhà đầu tư”, ông Hùng nói thêm.

Vào đầu năm 2013, Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố về việc sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu sở này phải lấy ý kiến của các sở ngành liên quan để làm rõ tính cần thiết của đề án.

Sở Công thương cũng nói rõ lý do đề xuất sử dụng xe đạp thay thế ô tô, xe máy là sự phát triển quá nhanh của các phương tiện cơ giới đã gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị. Vì vậy, sở này cho rằng việc xây dựng đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, quy hoạch giao thông còn chưa hoàn chỉnh.

Quang Phong