Xây trụ sở nguy nga để làm gì?

(Dân trí) - Mấy hôm rày đọc báo thấy đại biểu Quốc hội than tỉnh nào cũng đua nhau xây trụ sở cơ quan công quyền hoành tráng, lộng lẫy như cung điện vua chúa ngày xưa. Lại chạnh nghĩ vì trên TV cảnh văn phòng công sở ở các nước nội thất nói chung khá bình thường…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Mà có khi trụ sở của ta còn nguy nga hơn nữa là khác, bởi như Điện Thái Hòa của vua chúa triều Nguyễn ở Huế chẳng hạn, cũng chỉ cao bằng tòa nhà 3 tầng bây giờ. Ngoại trừ cái ngai vua là có vẻ uy nghi, còn nữa thì…tôi thấy thua xa nội thất ở các công sở hiện nay.

 

Không chỉ trụ sở UBND tỉnh, tỉnh ủy mà trụ sở các sở ban ngành cũng rất hoành tráng. Phòng khách của cơ quan, phòng làm việc của các sếp đều sắm nội thất đắt tiền thuộc dạng quí hiếm với những bộ salông đồ sộ, chạm khắc tinh xảo, có giá hàng trăm triệu làm bằng gỗ quí thuộc nhóm đặc biệt bị cấm khai thác như trắc, sến, cẩm lai…Có văn phòng còn trưng cả bộ ngà voi thật uy nghi, lộng lẫy.

 

Ngược lại, xem tin tức thời sự thế giới trên truyền hình, thấy văn phòng công sở ở các nước nội thất khá là bình thường, đặc biệt không có những bộ bàn ghế đồ sộ bằng gỗ như ở ta. Ngay cả phòng họp cấp nhà nước, bàn ghế tôi thấy cũng đơn giản, phần lớn là sản phẩm công nghiệp. Phải chăng ở các nước đó, người ta không biết cách “chơi sang”?

 

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, bên tách cà phê tỏa hương vị thơm ngát đầy quyến rũ, Luồn và Cúi bèn làm một cuộc “vấn đáp” để tự giải tỏa những thắc mắc của mình.

 

Luồn hỏi: - Này cậu, tại sao công sở ở ta cái nào cũng to lớn, nguy nga thế nhỉ?

 

Cúi đáp: - Vì nước ta có rừng vàng, lắm gỗ quí?

 

- Sai!

 

- Vì nước ta giàu, lắm tiền nhiều bạc!

 

- Lại sai!

 

- Vì các sếp ở ta biết cách chơi sang?

 

- Vẫn sai!

 

- Vì đấy là những dự án tiền tỉ mà phần trăm không hề nhỏ?

 

- Đúng một phần ba!

 

- Vì quan chức mình thích giải quyết khâu oai?

 

- Thêm một phần ba nữa!

 

- Mệt cho cậu quá! Thế còn cái gì nữa?

 

- Cậu cứ bình tĩnh. Đi đâu mà vội mà vàng.

 

- Sốt ruột quá! Lẹ lên cha nội.

 

Luồn vẫn thủng thẳng, nhấm nháp tách cà phê rồi nói: - Này nhé, dân mình tuy được tiếng là gan góc nhưng mà cũng nhát lắm. Thời xưa, mỗi khi có việc phải đến công đường là run như cầy sấy. Chưa nói đến cái uy của quan lớn mà chỉ cần bước qua cổng công đường thôi là đã thấy choáng trước những tòa ngang dãy dọc, bởi lâu nay chỉ biết quanh quẩn nơi túp lều tranh của mình. Đứng trước cái to lớn, đồ sộ, tâm trạng người dân mình thường hay bị ngợp lắm! Cái sự choáng ngợp ấy còn có phần vì do mặc cảm với thân phận nghèo hèn nữa.

 

- Cậu cứ cà ràng mãi.

 

- Đánh trúng tâm lí đó của người dân, các sếp ngày nay đua nhau xây trụ sở thật to, càng uy nghi càng tỏ rõ cái uy của mình. Mỗi lần sếp mới nhậm chức là trụ sở y như rằng được lột xác. Đứng trước những “cung điện” nguy nga như thế, đố anh dân nào khi có việc phải đến gõ cửa công đường mà lại không run sợ, có gan cóc tía thì rồi cũng phải khép nép thôi. Cho nên, khi phải đối mặt với các vị công bộc, bao nhiêu sự chuẩn bị về tinh thần trước đó bỗng dưng biến mất, cái miệng chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ mà thôi. Đấy, cậu thấy quyền uy có tuyệt đối không?

 

- Quả đúng thế thật. Nói chi dân, ngay bọn ta đây tuy có tí máu mặt, ấy thế mà mỗi khi lên trển, chân còn bước không vững nữa là.

 

- Đấy, bây giờ thì cậu hiểu tại sao công sở ở ta cái nào cũng to lớn, nguy nga rồi chứ?

 

Nguyễn Duy Xuân