Xây dựng văn hóa tranh luận, phản biện
Xây dựng văn hóa tranh luận, phản biện
Văn hóa nghe lời, thiếu tranh luận
Tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục TP.Hồ Chí Minh diễn ra vào sáng 14/8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân có nhiều tâm tư, chia sẻ về các vấn đề giáo dục và những lời gửi gắm đến đội ngũ quản lý, giáo viên, học trò Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khi đến Israel công tác, tôi đã phải đặt câu hỏi với đối tác tại sao, bí quyết nào để đất nước họ thành công. Khi đó, họ đã chỉ tay về phía bãi biển, nơi đám trẻ nhỏ đang chơi đùa và nói với tôi: “Bí quyết của chúng tôi nằm ở đó!”.
Họ giải thích, những đứa trẻ đang vui đùa đó nhưng có một đặc điểm, khi học chúng không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không. Tính tranh luận, phản biện là một nét văn hóa của người Israel được hình thành ngay từ nhỏ. Bởi nếu không đặt câu hỏi này ngay từ nhỏ thì lớn lên không có nhu cầu để sáng tạo. Và giáo viên chấp nhận câu hỏi của học trò trong mọi vấn đề.
“Bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói và đặt câu hỏi cho tất cả những người tham dự: “Điều này chúng ta có làm được không?”.
Đây là những băn khoăn, trăn trở của người đứng đầu TP. Hồ Chí Minh và trước đó một thời làm tư lệnh Ngành giáo dục. Đồng chí cho rằng đây không phải là điều dễ dàng khi chúng ta thiếu văn hóa tranh luận và cái văn hóa này nó đến từ bao giờ và từ đâu. “Thầy cô nói nhiều khi như chân lý, học trò không được chất vấn thầy cô. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi. Học trò chất vấn thầy cô còn bị xem là thiếu lễ phép” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Xây dựng văn hóa tranh luận, phản biện
Câu chuyện đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nêu ra rất đáng để chúng ta phải quan tâm suy nghĩ, bởi thực tế cho thấy chỉ có tranh luận và phản biện xã hội mới phát triển được.
Chúng ta thấy rằng chế độ ta là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Qua 4 bản Hiến pháp đều ghi nhận quyền tự do của người dân trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Cụ thể hóa các quyền đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó nêu rõ: “Phản biện xã hội” là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Như vậy, với những qui định như trên chúng ta cần cụ thể hóa để xây dựng văn hóa tranh luận, phản biện ngay trong trường học tạo ra tính dân chủ, sáng tạo trong môi trường giáo dục. Bản chất của tranh luận, phản biện chính là khoa học tìm tòi cái mới, cái tiên tiến, cái tốt hơn. Xây dựng “thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi” có nghĩa là cần có sự sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được “tôn sư trọng đạo”, thầy cô vẫn được tôn trọng, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc. Và điều này cũng đồng nghĩa với đổi mới toàn diện giáo dục trong đó không để tình trạng độc thoại diễn ra, thầy nói trò nghe mà không được phản hồi. Văn hóa tranh luận phản biện chính là tạo một môi trường giáo dục để học trò nêu lên chính kiến; thầy cô khuyến khích người học luôn mở rộng thêm vốn kiến thức, lắng nghe khi người học nói, cho phép người học phản biện, phương pháp dạy học, sách giáo khoa, giáo trình hay cởi mở đối với việc người học có quan điểm khác với mình.
Ngoài ra, nếu người dạy khuyến khích người học có thái độ hoài nghi khoa học, kiểm chứng lại thông tin, chủ động nêu vấn đề, khen ngợi khi học sinh có phát hiện riêng cũng có thể là yếu tố giúp tư duy phản biện của học sinh phát triển.
Bên cạnh đó, thầy cô nên tổ chức cho người học tranh luận với nhau thường xuyên, yêu cầu học sinh tự chứng minh quan điểm của mình, tổ chức cho người học thực hành phát hiện chỗ sai, chỗ yếu kém, chỗ hạn chế, nhận xét những lỗi lập luận của người học, hướng dẫn người học cách thức đánh giá một vấn đề, cách thức lập luận thuyết phục trong nội dung mình đang giảng dạy.
Đây là công việc có thể nói là rất khó khăn bởi nếp cũ lời thầy cô luôn đúng đã tồn tại quá lâu rồi, song muốn thay đổi để phát triển chúng ta nhất định phải xây dựng cho được văn hóa tranh luận, phản biện vì sự phát triển thịnh vượng của quốc gia dân tộc./.
Theo Nguyễn Minh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam