Xây dựng sai phép, không phép: Cần xử lý nghiêm cán bộ

(Dân trí) - Cùng với việc cưỡng chế các công trình không phép, sai phép, dư luận mong rằng, cần kỷ luật thích đáng đúng người, đúng tội, kể cả xử lý hình sự, không thể xử lý cán bộ kiểu thí tốt như một số vụ việc vừa qua.

Chiều 13/6, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình khẳng định Công ty cổ phần Đa quốc gia (chủ đầu tư) đã vi phạm về trật tự xây dựng rất nghiêm trọng tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (phường Cống Vị).

Trước đó nửa năm, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính (hơn 6.000 m2) và Nghĩa Đô (hơn 14.000 m2) và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 1/4.

Nhưng quan trọng hơn, vấn đề là làm sao không để phát sinh với các công trình xây dựng không phép, sai phép?

Vậy việc phòng ngừa này có thể thực hiện được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Lẽ ra, câu trả lời phải là hoàn toàn được, nếu công vụ được thực hiện nghiêm túc, nhưng tôi vẫn dùng chữ có thể, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thực thi công vụ của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Chúng tôi nói hoàn toàn được bởi, các công trình xây dựng không phép, sai phép không làm trong ngày một, ngày hai mà phần lớn là vài tháng, nhiều khi kéo dài vài năm. Trong khi, mỗi người dân đều biết, chỉ sửa chữa nhỏ trong ngõ ngách, đều có mặt ngay của trật tự xây dựng.

Vậy vì lý do gì, những công trình không chỉ ở Ba Đình, Cầu Giấy mà còn những công trình không phép, sai phép hoành tráng hơn rất nhiều vẫn có thể xây dựng được?

Những công trình khủng không phép, sai phép trên cả nước không hề ít, tôi chỉ nêu hai ví dụ điển hình mà công luận đề cập đến nhiều.

Hai biệt phủ sang trọng được xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp ở đèo Hải Vân (Đà Nẵng) được tiến hành xây dựng hàng năm trời có trị giá cả trăm tỉ đồng. Việc xây dựng này không chỉ liên quan đến thanh tra xây dựng mà còn cả trách nhiệm của kiểm lâm và tất nhiên có cả chính quyền quận Liên Chiểu. Dù vậy, không hiểu vì lý do gì nó vẫn được xây dựng cho đến khi gần hoàn thiện. Nếu không có báo chí lên tiếng mạnh mẽ, chắc giờ nó đã hoàn thiện và đi vào sử dụng.

Còn với công trình khủng với gần hai nghìn bậc thang không phép được xây dựng ngay vùng lõi di sản thế giới ở Tràng An, Ninh Bình thực sự như thách thức dư luận.

Vậy, cách xử lý với những công trình không phép này như thế nào?

Tất nhiên, khi công luận đã lên tiếng, chính quyền địa phương không thể án binh bất động và cũng thường “hòa tấu” lên tiếng mạnh mẽ: Sẽ cưỡng chế nếu không tự giác tháo dỡ.

Nhưng từ lời nói đến hành động luôn còn khoảng cách thật xa vời. Nếu không có sự theo dõi, phản ánh sát sao của báo chí, nhiều công trình sẽ vẫn tồn tại bình thường.

Với biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang, chính quyền đã phải dời mốc yêu cầu tự tháo dỡ vài lần, đến nay, sau hai năm mới “cơ bản” được thực hiện. Còn với công trình khủng ngay lõi di sản thế giới ở Tràng An, dù mốc xin tự tháo dỡ ngày 30/3 đã qua gần hai tháng, nhưng đến nay, nó vẫn đang được tiến hành với tốc độ … rùa bò.

Nhưng dư luận quan tâm hơn chính là vấn đề xử lý những cán bộ có trách nhiệm như thế nào?

Hai công trình xây dựng biệt phủ ở đèo Hải Vân vi phạm trật tự xây dựng rất nghiêm trọng, hậu quả hàng trăm tỉ đồng đã đổ xuống sông, xuống biển. Vậy nhưng, việc xử lý cán bộ khiến dư luận không thể hiểu nổi: Khiển trách, cảnh cáo một số cán bộ cấp đội, cấp phường!?

Liệu, nếu không có sự làm ngơ, thiếu trách nhiệm ít nhất từ cấp quận, chi cục lâm nghiệp thì các công trình này có thể xây nổi cái móng?

Vậy đâu là lý do kỷ luật kiểu bỡn cợt dư luận như vậy?

Còn với công trình hủy hoại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới, đến nay mới dừng ở mức, kết luận thanh tra yêu cầu những cán bộ liên quan tự kiểm điểm, làm rõ mức độ vi phạm, đề xuất hình thức xử lý, báo cáo về tỉnh trước 30/6 này.

Dư luận tiếp tục chờ đợi và theo dõi.

Vì vậy, để ngăn ngừa có hiệu quả các công trình không phép, sai phép, dư luận mong rằng, cần kỷ luật thích đáng đúng người, đúng tội, kể cả xử lý hình sự và không thể xử lý kiểu “thí tốt” như một số vụ việc vừa qua. Nếu địa phương làm không nghiêm, mong rằng các cơ quan chức năng ở trung ương cần vào cuộc.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm