Xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn

Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn” đã tạo không gian đối thoại mở, đặc biệt là sự tham gia của trẻ em để nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà chính các em phải đối mặt trên môi trường mạng.

5_không_gian_hội_thảo-07_58_59_886.jpg

Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn”

Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn”. Hội thảo tạo không gian đối thoại mở đa bên, đặc biệt là sự tham gia của trẻ em để nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà chính các em phải đối mặt trên môi trường mạng.

Ngoài mục đích nâng cao nhận thức về quyền được sử dụng Internet và nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trách nhiệm của trẻ em và thanh niên trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh; Hội thảo còn hướng tới việc đề xuất và trao đổi về các sáng kiến, giải pháp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền riêng tư và bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời thúc đẩy vai trò của các bên liên quan, các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, trường học, gia đình, truyền thông và các bên liên quan khác trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Môi trường mạng có nhiều lợi ích đối với người dùng, nhưng cũng có những rủi ro tiềm ẩn, đáng để tâm, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em, thanh thiếu niên có thể gặp phải những rủi ro như bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân; bị bắt nạt, bôi xấu, rình rập; gặp người lạ, bị lợi dụng, xâm hại; tiếp nhận những thông tin sai lệch, những lời khuyên sai trái, phi đạo đức... “Càng ngày, các rủi ro càng đa dạng, không thể lường hết và không chừa một ai!”.

Cũng liên quan đến chủ đề này, sau hoạt động tập huấn vào buổi sáng cùng ngày, hơn 20 đại diện trẻ em và thanh thiếu niên đã cùng thảo luận và đưa ra 4 vấn đề chính liên quan đến việc tham gia môi trường mạng của chính các em: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; việc kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ trên mạng xã hội chưa hiệu quả; kỹ năng hướng dẫn sử dụng mạng xã hội của bố mẹ và hiểu biết và kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng của trẻ em còn hạn chế. Đó cũng chính là 4 chủ đề chính trong phiên đối thoại của Hội thảo.

Và trong hầu hết các giải pháp cho 4 nhóm vấn đề chính nêu trên, các em đều có mong muốn được cha mẹ hướng dẫn cách sử dụng Internet nói chung và sử dụng mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, để hướng dẫn được con cái sử dụng mạng, chính các bậc cha mẹ cũng cần học cách sử dụng mạng an toàn. Tại Hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ, chính điều đó cũng là một trong những cản trở lớn cho việc đồng hành cùng con.

Em Nhật Mai, Học sinh lớp 9 chia sẻ: “Em chỉ sử dụng mạng xã hội Facebook và thường chia sẻ những vấn đề mà em gặp phải trên mạng với bố nhiều hơn là với mẹ bởi vì bố em hiểu về công nghệ về mạng xã hội nhiều hơn. Điều em muốn làm sau buổi hội thảo hôm nay chính là cho bố mẹ em xem những quy định trong luật về quyền riêng tư của trẻ em, bởi vì bố em vẫn thường đăng ảnh của em lên Facebook mà không hỏi ý kiến của em”.

Nói sâu hơn về vai trò của các bên liên quan, Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nhấn mạnh tới vai trò của các bên liên quan trong việc giáo dục và đồng hành với thanh thiếu nhi. “Không phải là kiểm soát, cấm đoán mà tin tưởng, học hỏi từ thanh thiếu nhi, trao quyền cho các em để các em làm chủ công nghệ, là các công dân số chuẩn, sử dụng mạng xã hội an toàn, thông minh và có các trải nghiệm tuyệt vời”.

Trình bày tổng quan về các quy định pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bà Nguyễn Thị Nga -  Phó Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định: Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thiết lập các “lá chắn” vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016 và gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em dành hẳn một chương riêng (Chương IV) quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việc thiết lập Mạng lưới các tổ chức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là rất cần thiết để kết nối và huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thông tin, truyền thông trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro và nguy cơ bị xâm hại khi tham gia vào môi trường mạng.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương đã tổng kết, tái khẳng định sự quan tâm của đa bên đối với việc đảm bảo quyền của trẻ em được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng dựa trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của trẻ em để cùng chung tay giải quyết hiệu quả những vấn đề mà chính các em đang phải đối mặt.../.

Theo Minh Anh

Báo điện tử  Đảng Cộng sản Việt Nam