Vụ Vũ “nhôm” – thiệt hại 1.100 tỉ đồng chỉ là phần tảng băng nổi
(Dân trí) - Liệu Vũ “nhôm”, một doanh nhân bình thường, được tuyển ngang làm tình báo viên, liệu có thể đủ tầm làm người khởi xướng, cầm đầu vụ án cực kỳ nghiêm trọng này?
Chỉ riêng việc khởi tố, truy tố được những tình báo viên kỳ cựu và họ phải cúi đầu nhận tội, cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố gắng hết sức mình. Nhưng dư luận vẫn mong mỏi nhiều hơn thế.
Theo lời khai của các bị cáo tại tòa, việc tuyển chọn, quản lý tình báo chỉ rất ít người biết, tuy nhiên, các văn bản của những bị cáo này ký hoặc ký nháy gửi các cơ quan chức năng lại nêu rất rõ, 2 DN của Vũ “nhôm” là bình phong – vậy còn gì bí mật. Nguyên tắc tối thiểu đã bị các bị cáo có chức có quyền trong ngành xé toạc. Câu hỏi lớn đặt ra: Đâu là lý do khiến những bị cáo này sẵn sàng bất chấp những quy định tối thiểu của ngành?
Điều dễ thấy nhất, vì quyền lợi của những nhóm lợi ích, họ bất chấp tất cả. Vậy nên, việc hai cựu thứ trưởng Bộ Công an chỉ bị truy cứu trách nhiệm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận chưa thể an tâm.
Mặt khác, theo lời khai cựu tình báo Vũ “nhôm”, nhiệm vụ duy nhất của đối tượng này được giao là làm kinh tế. Nếu đúng như vậy, câu hỏi cần đặt ra: Lực lượng của Tổng cục 5 có cần đến những đóng góp kinh tế từ những DN bình phong?
Câu hỏi này rất cần đặt ra bởi, nếu có những đóng góp thật sự của các DN kiểu như thế này đi nữa (mà trong vụ Vũ “nhôm”, chẳng có đóng góp gì), thì lợi ích nhỏ nhoi đó có lấp được những lỗ hổng pháp lý mà các DN này mang lại. Thí dụ điển hình, những công văn đóng dấu mật, tuyệt mật, của các bị cáo này gửi cho chính quyền các thành phố Đà Nẵng, TP HCM những đề nghị ưu đãi được mua chỉ định thầu, được giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác, không chỉ làm mất công bằng trong làm ăn giữa các DN, làm méo mó trong sản xuất kinh doanh, mà nguy hiểm hơn, nó “phá nát” luật và dội “ bom tấn” vào lòng tin của người dân, của doanh nghiệp.
Điều trớ trêu là có bị cáo đề xuất với tòa, không nên hỏi những bí mật của ngành, đề xuất này đã được HĐXX chấp thuận. Nhưng, chính vị này từng ký các văn bản cho các cơ quan chức năng, lãnh đạo các thành phố liên quan để đề xuất có lợi cho Vũ “nhôm”, bị cáo sẵn sàng nêu rõ đó là DN bình phong, thì lúc đó có nghĩ đến chuyện giữ bí mật? Vậy vì lẽ gì, những cán bộ cao cấp như hai cựu thứ trưởng này đã bất chấp tất cả để phá đi những nguyên tắc tối thiểu và phải chăng, các bị cáo này chỉ là thiếu trách nhiệm? Chắc chắn là không. Chúng ta cũng lưu ý, trong phần luận tội, các công tố viên cũng nêu rõ: Chưa chứng minh được hành vi vụ lợi, điều đó đồng nghĩa, hành vi vụ lợi của các đối tượng này chắc chắn được xem xét tiếp. Dư luận tiếp tục chờ đợi.
Dư luận có quyền chờ đợi bởi lẽ, những dấu hiệu về hành vi vụ lợi khá rõ: Khai tại tòa, Vũ “nhôm” khẳng định, “mọi di biến động của Vũ hay toàn bộ công việc của Vũ đều phải báo cáo lãnh đạo Tổng cục 5”. Vậy, việc chuyển một số bất động sản mua rẻ ( nhờ các công văn mật, tuyệt mật làm cái ô), lẽ nào lãnh đạo Tổng cục 5 không biết? Vậy nếu biết, sao các bị cáo này không những không ngăn chặn mà vẫn tiếp tục ký các công văn “xin” quyền lợi cho Vũ “nhôm”?
Do đó, việc Vũ “nhôm” bị quy kết là người hưởng lợi toàn bộ số tiền thu lợi bất chính thì e rằng chưa thuyết phục dư luận. Bởi không chỉ oan cho Vũ “nhôm”, mà quan trọng là những đối tượng khác thoát tội “có hưởng lợi” – điều mà cơ quan CSĐT và VKS chưa chứng minh được.
Mặt khác, dư luận cũng băn khoăn: Liệu Vũ “nhôm”, một doanh nhân bình thường, được tuyển ngang làm tình báo viên, liệu có đủ tầm làm người khởi xướng, cầm đầu vụ án cực kỳ nghiêm trọng này? Nêu câu hỏi này ra, mục đích duy nhất, dư luận mong các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ hơn về vai trò, vị trí của những tình báo viên kỳ cựu có quân hàm từ đại tá đến thượng tướng đang là bị cáo trong vụ án. Tất nhiên, làm rõ được vai trò của các bị cáo này, không chỉ là dư luận càng khâm phục hơn các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn làm cơ sở để các cơ quan chức năng khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống.
Vương Hà