Vụ Vinalines: Voi vẫn chui lọt lỗ kim

(Dân trí) - Có lẽ cái tên Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) bắt đầu gây sự tò mò lớn trong công chúng, sau khi nó trở thành nơi phải gánh bớt một cơ số nợ cho việc tái cơ cấu Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN). Dẫn tới cái tên Dương Chí Dũng…

Vụ Vinalines: Voi vẫn chui lọt lỗ kim
Một trong số các ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam do ông Dương Chí Dũng (ảnh nhỏ) phê duyệt đang bỏ trống, không hoạt động (Ảnh: Diệp Đức Minh, nguồn: Thanh Niên)

 

Chọn mặt gửi vàng... nhầm?

 

Phản hồi những thông tin liên quan tới cả Vinashin và Vinalines suốt thời gian qua, nhiều ý kiến được bạn đọc gửi tới diễn đàn đã nhấn mạnh mong muốn được dư luận có phần châm chước cho những sai pham do các cá nhân là quan chức hàng đầu tại hai “Tổng” đang bị ví như những “con tàu dọa đắm” này gây ra. Mục đích trước hết là vì cuộc sống của  hàng ngàn người lao động cùng gia đình họ, bao lâu nay đã gắn số phận mình với Vinashin và Vinalines. Sau đó là ủng hộ các nỗ lực chung nhằm gìn giữ cho ngành hàng hải VN hai cơ sở từng được coi như những đầu tàu mạnh mẽ một thời.

 

Đọc những dòng tâm sự của các bạn đọc là người lao động trực tiếp của Vinashin và Vinalines, chúng tôi càng hiểu thêm tình cảnh khốn khó, vô vọng của họ khi nhiệt huyết với ngành vẫn nóng bỏng, nhưng lòng tin và hy vọng thì gần như đã mất hoàn toàn.

 

Kết cục như vậy, theo chính những người trong cuộc, là ở sự “chọn mặt gửi vàng” nhầm vào những ông A, ông B, anh C... mà giao trọng trách nắm giữ cả núi tiền, để họ tự tung tự tác và kinh doanh kiểu ném xuống sông xuống biển, dẫn đến kết cục bi đát hôm nay.

 

Riêng với Vinalines, tình trạng có lẽ đã có thể bớt phần gay go nếu như không phải gánh thêm một cơ số nợ cho Vinashin khi thực chất lúc đó “Tổng” này cũng đang khó khăn lắm rồi (theo nhận xét của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm).

 

Nhưng điều khiến dư luận bức xúc và đặt dấu hỏi nghi vấn nhiều nhất hiện nay là: trong tình cảnh cũng gần… “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy, khi Vinalines cũng đang trong giai đoạn bị thanh tra với bao lời đồn đại, dị nghị về mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa vị này với vị khác, thì Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng lại được Bộ GTVT quyết định bổ nhiệm lên vị thế Cục trưởng Cục Hàng hải?

 

Bênh vực cho quyết định bị bủa vây bởi rất nhiều nghi vấn có sự chạy chức, chạy quyền ấy, cũng có vài tiếng nói cho rằng: đây có thể là động tác trấn an đối tượng, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra. Và cũng có ý kiến khác như Truong Gia Binh:  vuthihoasd@gmail.com nhận xét khá gay gắt:

 

“Tôi đọc tất cả các bình luận trên thì thấy một điều là chỉ như muốn hạ gục người đứng đầu Bộ GTVT, chứ các bạn không nêu ra được những ý kiến có sức thuyết phục. Nếu vậy, theo tôi thấy thì đây là cách  nhìn thiếu thiện chí, gây bức xúc cho người đọc, nên tôi không thể tán thành những ý kiến trên”.

 

Đúng là mỗi khi có chuyện gì xảy ra, mọi dự đoán vẫn luôn chỉ là dự đoán. Và đã là dự đoán thì mọi giả thuyết về các tình huống có thể xảy ra đều được đưa ra, có thể đúng cũng có thể sai hoặc có cả phần sai lẫn phần đúng…
 
Vụ Vinalines: Voi vẫn chui lọt lỗ kim
Ngôi nhà số 2, ngõ 26, đường Nguyên Hồng (Q.Đống Đa, Hà Nội) của gia đình ông Dũng luôn đóng cửa im ỉm từ ngày 18/5 (Ảnh: Lê Quân, nguồn: Thanh Niên)

 

Chuyện không có gì lạ

 

Có điều, về vấn đề sử dụng và bổ nhiệm cán bộ ở nước ta, lâu nay dư luận người dân đã nhiều lần lên tiếng phê phán những hiện tượng tiêu cực vẫn tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực. Giờ đây, khi lại thêm một minh chứng nữa về cái sự bổ nhiệm khá kỳ cục này, bảo sao số đông phản ứng không có lý?

 

“Trước khi đọc bài phỏng vấn ông Cao Sĩ Kiêm này, tôi đã nghe ý kiến của một Thứ trưởng GTVT về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục HH. Theo tôi, những người có trách nhiệm cần xác minh rõ ràng về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ tại Bộ GTVT. Kết quả thanh tra dù là sơ bộ thì cán bộ chủ chốt như Bộ trưởng, Bí thư Đảng, Đoàn Bộ cũng được thông báo. Vậy không lẽ các vị không biết ông Dương Chí Dũng có mắc khuyết điểm, sai sót?  Bằng không thì chỉ cần nghe dư luận thôi cũng phải tìm hiểu, xác minh chứ không lẽ cứ nhắm mắt cho qua? Lại còn việc ông Dũng trốn khỏi nhiệm sở, thông tin rò rỉ từ khâu nào?

 

Là người dân, chúng tôi chỉ thấy xót xa vì sự thất thoát quá lớn do lối làm ăn tắc trách, vô nguyên tắc để rồi gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi chỉ mong sao các cơ quan có trách nhiệm làm rõ để củng cố thêm lòng tin của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tham ô, mua quan bán chức này. Mong cho những công trình của đất nước khang trang, xứng với đồng vốn mà từng người dân đã phải chắt chiu mới có được” - Nguyễn Lê Minh:  leminh_ng22@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ, việc bổ nhiệm này mới nghe  thì có vẻ là lạ, nhưng thực tế thì chẳng có gì lạ cả! Ở các tập đoàn cũng như các doanh nghiệp nhà nước thì bổ nhiệm CB theo kiểu "gia đình" vẫn đang tồn tại và có vẻ ngày càng phát triển… Sau đó là đến bổ nhiệm theo đánh giá năng lực bằng "phong bì”, quan hệ “vay-trả” giữa các sếp....Cuối cùng mới là vì… chuyên môn” – Phan Hieu: phanhieubn@gmail.com

 

“Việc làm thất thoát nguồn vốn của nhà nước tại Vinalines, tôi nghĩ, chắc chắn phải có cả một e kíp cùng vào cuộc. Và số tiền thất thoát đó phải chăng một phần đã chui vào túi một số cá nhân có quyền lực? Còn việc Bộ GTVT bổ nhiệm cán bộ kiểu này thì thật đúng là quan liêu, hoặc có chuyện ‘chạy quyền chạy chức’. Quá chán!” - Nguyễn Văn Bình:  maitrang7984@gmail.com

 

“Theo tôi cần phải quy trách nhiệm đối với lãnh đạo bộ GTVT, vì có lẽ đây là bộ phung phí và làm thất thoát tiền của Nhà nước nhiều nhất, để xảy ra nhiều sai phạm nhất… Qua đó có lẽ chúng ta cũng hiểu thêm được phần nào việc bộ GTVT chỉ tính toán thu phí, thuế sao cho được nhiều mà không dựa trên những cơ sở khoa học xác đáng nào... Chúng ta không thể cứ để tình trạng mãi thế này được…” - Tuyen: tuyencnsc@gmail.com 

 

“Tại sao Bộ BTVT lại có nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ vậy? Phải chăng việc quản lý cán bộ không sâu sát, hay có việc "chạy chức chạy quyền" ở đây. Những người không có năng lực, tham nhũng, tư cách đạo đức kém mà vẫn được đề bạt? Từ vụ PMU 18, Đại lộ Đông Tây, tới Vinashin, Vinalines... Hay tại các vị Bộ trưởng gần đây không phải là người xuất thân từ ngành giao thông (ông Hồ Nghĩa Dũng xuất thân từ ngành Năng lượng, ông Đinh La Thăng từ ngành Dầu khí) nên không nắm rõ, không sâu sát các cán bộ cấp dưới nên mới để xảy ra tình trạng này???” - Nguyen Van:  htlovemuzik@gmail.com

 

“Theo tôi, Bộ GTVT quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải nhiều khả năng là để "giúp" ông Dương Chí Dũng hạ cánh an toàn. Nhưng...ai ngờ....... Vì vậy, tôi nghĩ rằng người ký quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Cũng xin gửi lời khen ngợi và khâm phục tới cơ quan điều tra đã vượt qua mọi rào cản để điều tra vụ án tham nhũng lớn này” - Nguyễn Đăng Khoa:  khoadang72@yahoo.com

 

“Đề nghị yêu cầu người ký quyết định bổ nhiệm ông Dũng đang bị thanh tra mà vẫn được đề bạt phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Người đó phải trả lời và nhận khuyết điểm (chứ không thể trả lời kiểu bao biện được), không thể nói không biết, vẫn làm theo đúng quy trình được. Sao làm đúng mà bổ nhiệm vẫn sai? Nên nhớ trước khi được bổ nhiệm vào vị thế Cục trưởng Hàng hải, ông Dũng đã có khuyết điểm làm thất thoát ở Vinalines rồi” - Trần Anh:  trananh1980@gmail.com

 

“Tôi thì phải thừa nhận là Bộ GTVT, đứng đầu là BT Thăng hình như rất "tiếu lâm”… Khi Thanh tra đã phát hiện (mà đâu cần Thanh tra mới biết, xem các dự án mua đồ cũ, bỏ xó, tàu mua về nằm bờ...  cơ quan chủ quản biết thừa là tầm bậy chứ!) sai phạm khủng khiếp, nhưng ông Dũng vẫn được "vội vàng" bổ nhiệm lên cấp cao hơn?

 

BT Thăng và Bộ GTVT ơi, sao các vị quản lý mà không biết quân mình làm gì, năng lực thế nào, có sai phạm hay không? Thế sao người dân  không cho là các vị cứ "săm soi" tiền lẻ của dân, còn tiền mà quân ông làm thất thoát do sai phạm gấp bao nhiêu lần tiền dự kiến thu phí thì các vị lại không để ý.  Tôi vẫn cho rằng làm gì có chuyện đó, phải có khuất tất hay vì lợi ích nhóm thì mới… không biết, trong khi ngược lại những ‘người trần mắt thịt’ khác ai cũng biết thừa” - Mai Anh:  Maianh_dn@walla.com

 

“Đây có thể nói như chuyện ‘con voi chui lọt lỗ kim’, mà người xưa cũng từng nói "nén bạc đâm toạc tờ giấy " mà. Tôi cho rằng không ai có chức có quyền ở bộ GTVT mà lại không biết, song họ nói vậy là có thể do các nguyên nhân như số tiền mua chức quá lớn. Hoặc có thể đang đánh “một canh bạc mạo hiểm”, nếu không bị phát hiện ra biết đâu nhiệm kỳ tới ông Dũng còn được đẩy lên cao hơn?...” - Hà Nguyên Vũ: thuy.nguyenmanh55@gmail.com

 

“Con voi nó chui lọt lỗ kim rồi, chuyện này ai cũng biết tỏng ra. Vấn đề là có làm đến nơi đến chốn hay không thôi. Tôi cho rằng chắc gần như DNNN nào bị thanh tra ra thì đều có thể cũng giống như Vinalines thôi, cứ kiểm tra kỹ thì biết ngay. Tất cả cũng chỉ vì: (1) Sở hữu không rõ ràng, nên cha chung không ai khóc; (2) Cơ chế quản lý lỏng lẻo, không minh bạch; (3) Tham ô, tham nhũng vẫn tràn lan; (4) Tình trạng bao che, né tránh trách nhiệm; (5) Tình trạng độc quyền, độc đoán tại các DNNN” - Phạm Lâm:  smallest_factory@yahoo.com

 

“Qua việc bổ nhiệm Cục trưởng Dũng, cho thấy trách nhiệm ở đây hoàn toàn thuộc về cơ quan chủ quản là Bộ GTVT. Cần xem lại và quy trách nhiệm cả người tham mưu việc này và người trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm,  bởi vì dù ông Dũng có vi phạm hay không thì trong quá trình đang điều tra cũng không được phép bổ nhiệm. Tôi chắc rằng người soạn thảo quyết định bổ nhiệm và người ký quyết định bổ nhiệm biết rất rõ rằng ông Dũng đang bị điều tra, nhưng vẫn "cố tình làm ngơ" để ra quyết định bổ nhiệm là "có vấn đề”… Đề nghị Chính phủ có giải pháp thật hiệu quả để khắc phục kiểu đề bạt cán bộ "có vấn đề" như ở hai cơ quan nói trên, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được đúng những người có năng lực có thể giúp ích cho nước nhà” -   Trần Hoài Nam: tranhoainam@gmail.com

 

“Tôi không hiểu tại sao Bộ chủ quản lại nói là không nắm được tình hình ở Vinalines, trong khi mọi người đều biết là tập đoàn đang ngập trong nợ nần, lãnh đạo cấp trưởng cấp phó mất đoàn kết, kinh doanh thua lỗ triền miên... Vậy Bộ chủ quản quản cái gì , hay Bộ chỉ  quản bóng quản gió ...ở đâu đâu.... Theo tôi, đây có thể coi là 1 biểu hiện rõ nhất của tình trạng "cha chung không ai khóc " của các tập đoàn kinh tế NN hiện nay: dạng thành tích thì nhận còn sai phạm thì đùn đẩy...” - Lê Xuân Cừ:  culx@vst.gov.vn

 

“Bộ GTVT là bộ quản nhiều tiền thuế của dân nhất, đồng thời có lẽ cũng là bộ để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực nhất.  Điển hình là khi 2 vụ lớn PMU18 và Vinashin còn chưa kịp khép lại, thì Vinalines tiếp tục xảy ra. Các đơn vị khác, tôi nghĩ, có lẽ chưa thanh tra thì chưa lộ đó thôi. Trách nhiệm này, theo tôi, thuộc về lãnh đạo bộ qua các thời kỳ đã buông lỏng quản lý hoặc vì lợi ích nhóm mà bỏ qua. Để cho kéo dài tình trạng tiền của Nhà nước, nhưng ai có quyền thì người ấy tự tung tự tác chi tiêu…” - Lương Khánh:  luongkhanh6@gmail.com
 
Vụ Vinalines: Voi vẫn chui lọt lỗ kim
Ông Dương Chí Dũng vắng mặt khi CQĐT khám xét... (ảnh: anninhthudo.vn)

 

Những kẽ hở chết người

 

Song song với bao câu hỏi còn bỏ ngỏ về sự bổ nhiệm cán bộ này, bạn đọc cũng nhận xét rộng hơn sang các khía cạnh liên quan hoặc có thể coi như những kẻ hở vẫn tồn tại lâu nay, để các đối tượng trục lợi có cơ hội dễ dàng tìm được cách lách qua.

 

“Theo tôi, tất cả chỉ vì ở VN xem ra nền kinh tế thị trường có lẽ còn có phần hơi lạ… Đó là các tập đoàn lớn vẫn có được sự bảo hộ và cả bảo vệ nữa. Trong khi suốt thời gian dài vừa qua, hầu hết các tập đoàn nhà nước này hoặc thua lỗ hoặc có sai phạm nghiêm trọng (như điện lực, dầu khí, than khoáng sản, Vinashin, Vinalines…)  Và người dân e ngại rằng khi thanh kiểm tra tiếp sẽ còn nhiều DNNN nữa cũng trong tình trạng tương tự. Hãy nhanh chóng xóa bao cấp và có những cơ chế minh bạch để cho tất cả các doanh nghiệp cùng tiến. Đây cũng là điều tất yếu phải diễn ra như vậy trong nền kinh tế thị trường. Xin đừng cố níu kéo cho các DNNN này nữa, để cho đất nước mạnh mẽ đi lên!” - Xuan Dan:  dan2ulsa@gmail.com

 

“Tôi nghĩ, có một nguyên nhân sâu xa chúng ta cần thấy và sửa ngay: đó là trong việc bổ nhiệm và đề bạt các cán bộ nguồn, hầu như vấn đề tâm và tầm của người đó chưa được chú trọng đầy đủ. Cho nên hầu như ai được dự kiến vào vị trí nào thì chắc chắn không bị loại khỏi vị trí đó. Hơn nữa khi mắc sai phạm ở dưới, thì nhiều trường hợp lại được chuyển lên làm ở vị trí cao hơn. Những điều  đó là quá bất hợp lý… Tôi mong rằng việc đề bạt cán bộ cần  luôn được xem xét kỹ 2 đức tính: đó là tài năng và đức độ. Người có tài mà không có đức nhiều khi lại chỉ tác hại hơn mà thôi… Ví dụ như các vị đứng đầu Vinashin, Vinalines… đó, họ đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mồ hôi sức lực của dân đóng góp đó. 

 

Tôi cho rằng trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT không phải là không nhìn thấy những sai phạm của ông ta. Mà nếu không nhìn thấy rõ tức là Bộ GTVT chẳng quản lý được gì hết khi thực hiện việc sử dụng vốn nhà nước cấp cho ngành mình, mà mình là cấp có thể nói quản lý trực tiếp đơn vị gây thất thoát lớn” - Võ Tấn Điền:  tandien_qn@yahoo.com

 

“Sao thấy hầu như không có một tập đoàn,  tổng công ty nào của Nhà nước ta khi xem xét đều không có vấn đề. Từ Vinashin, Vinalines, EVN…. Đúng là kể ra thì dài lắm, liệu có sẽ còn nhiều vụ bê bối nữa bị phanh phui không?....Dù sao thì điều căn bản vẫn là dám nhận ra và quyết tâm khắc phục hậu quả hay không mà thôi. Nghị quyết TW 4 có thành công hay không cũng được thể hiện ở những việc cụ thể như thế này đây. Nếu bắt đúng yếu huyệt của vấn đề rồi, nhưng lại vẫn xuê xoa thì…

 

Tôi nhận thấy công tác cán bộ của chúng ta trong một thời gian dài đã bị buông lỏng và có nhiều sai lầm, vì thế một bộ phận không nhỏ các cá nhân không xứng đáng lại vào được vị trí này, vị trí khác... Tôi khẳng định: việc trốn chạy của ông Dương Chí Dũng dứt khoát là nhờ có sự bao che. Giờ chỉ trong mong sớm làm rõ được việc này, nhưng được hay không có lẽ chỉ có Trời mới biết...” - Quynhutar:  quynhtar@yahoo.com.vn

 

“Làm việc ở môi trường nào mà không xảy ra sai sót. Tuy nhiên nếu anh đã làm việc ở những cấp cao, tại các cơ quan quản lý cấp nhà nước thì không nên để xảy ra bất kỳ sai sót nào, bởi sai sót dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cả quốc gia…. Tôi hiểu rằng nếu muốn làm kinh tế thì anh phải am hiểu về kinh tế và chính trị, phải giỏi kinh tế hơn chính trị…” -  Hoàng Triều:  lengoctrieu@yahoo.com.vn

 

“Thực tế xưa nay đã cho thấy, những chuyện như vậy ai cũng biết, chỉ một nhóm người bổ nhiệm với đối tượng được bổ nhiệm là không biết. Ấy là uẩn khúc tại sao các DNNN lớn bé cứ thi nhau thua lỗ, phá sản mà chẳng… chết. Còn đối tượng quản lý DNNN các cấp thì cứ đua nhau trở thành ‘đại gia’ ngầm… Ai cũng biết mà không ai nói hay không dám nói, ấy là uẩn khúc. Tại sao?” - Lệ buồn:  Roi30@yahoo.com

 

 “Ông Dũng đã hành động sai phạm đến mức này, lại bỏ trốn để cơ quan pháp luật phải truy nã là làm đau lòng cha mẹ, anh em trong một gia đình có truyền thống trong ngành bảo vệ pháp luật. Việc ông Dũng sai thì đã rõ, nhưng vấn đề ở đây là công tác cán bộ của ta có vấn đề. Mà nguyên nhân gốc rễ là những người có trọng trách làm công tác cán bộ chỉ "tìm người của mình", chứ không tìm người cho công việc. Và nguyên nhân nào để cán bộ của ta vẫn có tình trạng "cái ghế cao hơn cái đầu" thì chắc mọi người biết rõ rồi, nói ra cũng bằng thừa.

 

Nhưng từ việc ông Dũng "bị lộ" này,  ta càng khẳng định thêm nghi vấn chắc còn nhiều vị “chưa bị lộ và sắp bị lộ nữa" trong đội ngũ cán bộ hiện nay. Bởi vì không ít tổ chức và cá nhân hôm trước còn "trong sạch, vững mạnh", nhưng ngay sau đó đã có tin bị vướng vào vòng lao lý… Để chấm dứt tình trạng như với ông Dũng này, theo tôi cần sửa từ gốc chứ vụ này suy cho đến cùng thì phần nhiều tội của ông Dũng cũng là do "cái gốc" là công tác cán bộ của ta hiện nay có vấn đề thôi” - Dương Trọng: trongcahp59@gmail.com

 

“Theo tôi, đối với các DN nhà nước, nếu vẫn không thay đổi quy trình về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, mà vẫn cứ thực hiện như hiện nay thì việc bổ nhiệm sai, nhầm vẫn còn tồn tại dài dài. Quy trình bổ nhiệm hiện nay có vẻ như là chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều cấp, nhưng thực chất chỉ là hình thức. Chỉ cần Chủ tịch HĐQT thích ai, người đó sẽ được cất nhắc. Trong công ty “con”, Giám đốc nâng đỡ ai người đó chắc chắn sẽ được lên chức. Chưa thấy có một cuộc thanh tra về công tác tổ chức nào (đối với DNNN). Nếu có, tôi chắc chắn sai phạm sẽ tùm lum” - Quyen:  quyenvv06@yaho.com.vn

 

“Mọi cái, kể cả các sai phạm cá nhân, tôi nghĩ đều do cơ chế và hình thái tổ chức. Vì thế, tôi cho rằng sẽ còn những Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nữa từ các tập đoàn nhà nước khác, vấn đề là khi nào thì được công khai trước công chúng thôi. Một khi các tập đoàn này được thành lập và nuôi dưỡng bởi những quyết định duy ý chí và không có mục đích hay tiêu chí đánh giá rõ ràng, không có hệ thống theo dõi và đánh giá chặt chẽ, thì tôi e là sẽ còn nhiều ngàn tỷ đồng của ngân sách và nhân dân trôi theo ra sông ra biển, và trôi vào túi cá nhân một vài nhóm người.

 

Trong khi nhà nước vẫn cần một số doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu 100% và để làm những việc mà cơ chế thị trường bỏ trống hay không thể phục vụ tốt cho xã hội, thì tôi nghĩ những doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần phải trả về cho cơ chế thị trường, do cơ chế này quyết định sự sống còn và phát triển. Đó mới chính là yêu cầu cải cách cơ cấu hiện nay” - Quỳnh Anh:  ho_danghoa@yahoo.com

 

Tựu trung lại, điều người dân mong muốn nhất hiện nay vẫn là cần có ngay những động thái cụ thể và đủ sức mạnh chấn chỉnh lại tình trạng đã gây ra quá nhiều hệ lụy khôn lường từ khâu tổ chức cán bộ của chúng ta. Như Nguyễn Hoàng Phúc hoangphuchp2000@yahoo.com nhấn mạnh:

 

“Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, vì vậy chắc chắn là chúng ta sẽ có mắc sai lầm. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cần cân nhắc để hạn chế mức thấp nhất sai lầm ấy. Hiện nay không thể chấp nhận được những sai lầm có hệ thống liên tục xảy ra. Đã đến lúc Quốc hội nên chấn chỉnh nghiêm túc các tập đoàn nhà nước. Đừng để người dân cứ mãi thất vọng với cách tổ chức cán bộ của ta!”

 

Khánh Tùng