Vụ Tiên Lãng đã không xảy ra, nếu…

(Dân trí) - Đến nay đã có khoảng 800 bài báo viết về vụ Tiên Lãng, với những thông tin cơ bản giống nhau nhưng cũng có những ý kiến khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc đó?

Vụ Tiên Lãng đã không xảy ra, nếu… - 1

Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị san bằng sau vụ cưỡng chế

Có thể sẽ còn lâu đông đảo người dân mới biết được chính xác kết luận cuối cùng của các cơ quan điều tra. Nhưng vụ Tiên Lãng có thể đã không xảy ra nếu như hai bên trong vụ việc “động trời” này hành xử đúng pháp luật và đúng tình người.

Cưỡng chế khi “chưa nằm trong diện cưỡng chế”?

Theo thông tin báo chí, chiều ngày 12/1, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã thừa nhận, nhà ông Vươn nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Nhưng vì đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế, nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà.

Có thể từ sự “lỡ lời” này cùng một số liên quan khác nên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã bị lãnh đạo TP Hải Phòng quyết định đình chỉ công tác.

Trên lý thuyết và lẽ thường tình, chính quyền xã Vinh Quang không thể huy động được một lực lượng khá lớn cảnh sát, công an để cưỡng chế đất đai của hộ gia đình Đoàn Văn Vươn nếu không có sự can thiệp của cấp trên. Đó là một điều chắc chắn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vì diện tích khu đất của hộ gia đình Đoàn Văn Vươn không thuộc vào “diện cưỡng chế” nên mọi hành vi cưỡng chế đều sai pháp luật.

Việc huy động một lực lượng hùng hậu như thế để “cưỡng chế” một hộ gia đình chưa đến chục người có phải là việc cần làm không? Có một điều cũng đáng phải suy nghĩ nữa. Đó là có phải vì biết trước hộ Đoàn Văn Vươn cố thủ bằng mìn và súng nên chính quyền địa phương mới huy động khá đông cảnh sát cơ động với trang bị vũ khí đầy đủ đến cưỡng chế?

Báo chí đã đưa tin rằng: “Sáng ngày 5/1, khi bị hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế thu hồi diện tích đất hơn 50 ha nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả cho dự án sân bay quốc tế Tiên Lãng tại vùng bãi bồi ven tại khu cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), chủ đầm là ông Đoàn Văn Vươn, 49 tuổi, trú tại xã Bắc Hưng cùng một số người trong nhà đã đặt mìn, nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế, 6 chiến sỹ công an, quân đội bị thương”.

Cũng có thể là chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng không biết trước được việc hộ Đoàn Văn Vươn kiên quyết chống cự bằng vũ khí có khả năng sát thương. Việc huy động lực lượng lớn công an và cảnh sát cơ động để cưỡng chế chẳng qua nhằm “giải quyết” nhanh vụ việc này để “làm gương” cho nhân dân biết sự kiên quyết của chính quyền trong việc thu hồi đất “để làm sân bay”, nhưng đáng tiếc là hành động đó lại phi pháp.

Diễn tiến vụ việc ngày 5/1 ở khu đất hộ Đoàn Văn Vươn với những mâu thuẫn, toan tính như trên đã đi vào ngã rẽ hết sức bi thảm.

Không biết chính quyền địa phương đã nắm bắt được những thông tin gì và suy nghĩ gì mà đã quyết định “tung quân đánh lớn” với hy vọng “đánh nhanh”, “thắng nhanh” để chứng tỏ uy quyền của những người nắm quyền hành sinh sát ở đây.

“Áp lực cao thì phản lực cường”, hộ Đoàn Văn Vươn cảm thấy họ bị đối xử không công bằng và cực kỳ bất công. Xin nhắc lại là, đến ngày 5/1, khu đất có căn nhà của hộ Đoàn Văn Vươn vẫn chưa thuộc diện “bị cưỡng chế”.

Kết quả là Đoàn Văn Vươn và các đồng sự đã làm cho 6 chiến sĩ công an, quân đội bị thương. Sau đó họ đã sợ hãi và bỏ trốn. Nhưng cuối cùng Đoàn Văn Quý, người trực tiếp cầm súng hoa cải bắn vào lực lượng tham gia giải tỏa, đã đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng đầu thú. Đoàn Văn Vươn và những người liên quan cũng đã bị bắt trước đó vào ngày 5 - 6/1.

Tôi tự hỏi rằng: Nếu ông Đoàn Văn Vươn là một người “dân ngu khu đen” thì chắc hẳn ông đã sợ mất vía và sớm “đầu hàng” khi một sức mạnh lớn lao ập đến bất thình lình về hướng căn nhà trơ trọi của ông giữa khu đầm cá bao la rộng lớn.

Nhưng chắc hẳn Đoàn Văn Vươn, một người đã từng học Đại học và nhận bằng kỹ sư đã biết rõ “pháp luật” về quyền sở hữu hơn những cán bộ địa phương ngồi trên xe máy đến thị sát vụ việc cưỡng chế. Chỉ có điều tiếc rằng không ai có chức có quyền ở đây mở đường cho Đoàn Văn Vươn thực hiện hành động của mình theo hướng “lương thiện” cả. “Ai cho ta lương thiện?” – câu nói của Chí Phèo ngày nào vẫn vang vọng đâu đây trong vụ Tiên Lãng…

Sao không tìm đến các “vị cứu tinh”?

Ngày 16/1,trả lời báo chí, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho hay, ông theo dõi sát vụ việc này và có thể khẳng định "chính quyền sai từ xã đến huyện".

Lần đầu tiên đọc được thông tin này, tôi cảm thấy vừa thương vừa giận Đoàn Văn Vươn.

Việc cưỡng chế hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn của chính quyền cơ sở rõ ràng là sai. Điều đau đớn ở đây là Đoàn Văn Vươn đã kháng cự dữ dội và làm bị thương 6 chiến sĩ tham gia cưỡng chế. Nếu không xảy ra sự việc đau buồn trên thì chắc hẳn giờ đây Đoàn Văn Vươn đã ngồi rung đùi và theo dõi tin tức về việc các quan chức địa phương bị lãnh đạo Hải Phòng đình chỉ công tác.

Nhưng tại sao Đoàn Văn Vươn lại không hành xử được như vậy?

Bởi lẽ những khiếu kiện về đất đai quá nhiều, chiếm đến 70 % tổng số vụ khiếu kiện ở Việt Nam.

Tôi đau xót nói rằng: Nếu không có kết quả động trời là “6 chiến sĩ bị thương trong vụ cưỡng chế” thì vụ việc ở Tiên Lãng sẽ mau chóng bị quên lãng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và càng không có chuyện “cái sảy nảy cái ung” như hiện nay với biết bao sai phạm được đem ra ánh sáng.

Nếu có một vị quan chức cấp cao nào đó của thành phố Hải Phòng (chưa cần đến cấp Trung ương) quan tâm đến vụ việc này ngay từ đầu và chặn đứng được việc làm sai trái của các lãnh đạo xã Vinh Quang thì đã không có một ngày 5/1 đen tối ở Tiên Lãng. Nhưng “vị cứu tinh” này đã không xuất hiện đúng lúc và kịp thời. Và ông Đoàn Văn Vươn, trong tình thế thân cô thế cô phải liều mạng trước cường quyền áp bức với cách hiểu đơn giản của một người nông dân: “Con giun xéo quá cũng quằn” và “Tức nước vỡ bờ”.

“Con giun xéo quá cũng quằn” và “Tức nước vỡ bờ” - đó là quy luật tự nhiên. Bởi đất đai quý như vàng thì người trong cuộc ai lại không xót lòng, xót dạ. Nhất là khi khu đầm của Đoàn Văn Vươn đã được đánh đổi bởi sinh mạng, máu, mồ hôi và nước mắt của những người trong gia đình ông.

Đoàn Văn Vươn và những đồng sự sẽ phải gánh chịu những hậu quả do họ gây ra vào ngày 5/1 ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Có thể sẽ có những tình tiết giảm nhẹ tội cho “những người khốn khổ” này để dân tâm dân tình hả lòng hả dạ và pháp luật cũng giữ được sự thượng tôn của mình.

Nhưng tôi vẫn ước rằng, giá như Đoàn Văn Vươn đừng kháng cự mãnh liệt như vậy trong ngày 5/1. Bởi sau đó, Đoàn Văn Vươn có thể viết đơn tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ và những lãnh đạo công chính liêm minh khác thì chắc hẳn kết cục câu chuyện ở Tiên Lãng đã không đến mức sầu – thương – bi - thảm như hiện nay.

Chờ mong sự minh bạch của công lý

Việc thu hồi và đền bù đất đai của Nhà nước ta nhằm mục đích cao nhất là phục vụ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Với quá trình “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” như hiện nay thì việc thu hồi đất đai của người dân để làm đường, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới, trường học, bệnh viện, sân bay… sẽ còn diễn ra rất lâu dài và trên diện rộng. Và việc “tái cơ cấu” nền kinh tế Việt Nam theo hướng năng động và hội nhập cũng cần có sự quy hoạch lại đất đai và đô thị.

Trong thực tế, Nhà nước ta chỉ là đại diện cho nhân dân về mặt sở hữu tài sản quốc gia. Và việc cưỡng chế thu hồi đất đai đối với một số trường hợp hộ dân là cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương và của cả nước.

Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp từ ngàn xưa. Người nông dân Việt Nam chiếm đến 95% dân số trước Cách mạng tháng Tám và tỉ lệ nông dân trong thành phần dân số Việt Nam hiện nay cũng chiếm đa số. Do đó, Nhà nước ta cần lưu ý đến quyền lợi chính đáng của người nông dân trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Nông dân là lực lượng lao động cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống cả xã hội Việt Nam. Hơn nữa, việc xuất khẩu gạo và nông - lâm - hải sản đã đem lại cho đất nước nhiều ngoại tệ, trở thành một trong các mũi nhọn kinh tế hàng đầu của nước ta.

Hy vọng rằng vụ Tiên Lãng sẽ được giải quyết triệt để và từ đó rút ra được những bài học đích đáng, thấu tình đạt lý đối với những người trong cuộc và hơn nữa không còn để tái diễn những cảnh đau lòng như vậy.

Nguyễn Văn Toàn

( 287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, Thành phố Huế)

LTS Dân trí - Vụ việc đối đầu bằng bạo lực giữa ông Đoàn Văn Vươn, một người nông dân khai phá và kinh doanh đầm nuôi tôm, với chính quyền địa phương trong khi thực hiện hành động cưỡng chế không đúng pháp luật, đã được dư luận cả nước quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp các ngành các cấp có liên quan để nghe báo cáo và ý kiến đóng góp, cuối cùng Thủ tướng đã có kết luận huyện Tiên Lãng thực hiện việc cưỡng chế sai cả về luật pháp và đạo lý. Ông Vươn là người dùng vũ khí chống lại vụ cưỡng chế đó cũng vi phạm pháp luật, nhưng cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Đông đảo người dân đồng tình với kết luận của Thủ tướng. Mong rằng tinh thần chỉ đạo đó được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng pháp luật, không để lọt người, sót tội dù người đó là ai, giữ cương vị nào trong các cấp chính quyền địa phương. Riêng đối với ông Vươn và những người có liên quan, cần thực hiện đúng tình tiết giảm nhẹ như Thủ tướng đã chỉ đạo, vì đó là người bị cưỡng chế thu hồi đất không đúng, mặc dù trước đó đã khiếu kiện lên cấp trên nhưng không được giải quyết thấu tình đạt lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm