Bạn đọc viết:

Vụ tai nạn nổ gas tại Tạ Quang Bửu: Giá như…

(Dân trí) - Sáng hôm sau, lòng tràn đầy đau xót, vẫn đi qua phố Tạ Quang Bửu, đến đoạn đường thấy nhà 2 bé, tất cả vẫn còn ngổn ngang, hoang tàn. Không biết đã có ai lo lắng cho sự an toàn của cư dân trong đó chưa…

Ngày…, lúc 7h30 trên đường đi làm đến Bộ Xây dựng, theo thói quen tôi đi đường Tạ Quang Bửu. Chỉ còn một quãng ngắn là đến cơ quan, đột nhiên tôi bị chặn lại và yêu cầu quay đầu. Trong lòng hơi chút ngạc nhiên, nhưng bạn cảnh sát trẻ măng nói với tôi rằng: "Chị ơi quay lại đi, đang nguy hiểm".
 
Tràn đầy băn khoăn thắc mắc, tôi đến công ty và cố gắng tìm hiểu lý do của việc chặn đường này. Đến 8h15, các trang mạng tràn ngập tin tức về vụ nổ gas khiến một căn nhà 2 tầng sập đổ và 2 em bé còn đang kẹt bên trong. Cảm xúc trong lòng một người mẹ có con nhỏ như tôi thật xót xa. Tôi thì thầm cầu Trời khấn Phật để hai bé con có thể rời khỏi đó an toàn. 9h hai bé vẫn chưa ra, 10h hi vọng vẫn còn nhưng buồn vô cùng, 11h.. 12h... hi vọng đã tắt…
 
Vụ tai nạn nổ gas tại Tạ Quang Bửu: Giá như… - 1

Vụ nổ khí gas tại Tạ Quang Bửu tiếp tục là bài học xương máu cho nhiều người

 

Đau lòng và rơi nước mắt là cảm xúc chung của những người mẹ như tôi. Nhưng là một KTS, một người đã có 6 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, tôi cảm thấy bức xúc vì cách làm việc có phần bị động và thiếu tổ chức của đội cứu hộ. Hơn 100 con người đủ các thành phần cần thiết: cứu hộ, PCCC, công an, y tá, bác sỹ.. hàng xóm, người thân... Tất cả đều mong ngóng có thể tham gia góp phần sức lực của mình để cứu 2 bé, nhưng tất cả lại cực kỳ bị động, hoảng loạn và chỉ có thể đứng nhìn 2 em bé dần dần ra đi.

 

Theo tôi, đây là sự bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp của cứu hộ Việt Nam và thiếu tầm nhìn của người chỉ huy, vì luôn để có sự cố rồi mới tham gia mà dường như không có sự tính toán, lường trước để đề phòng. Ân hận vì mình không thể làm gì giúp hai bé dù bây giờ mọi chuyện là quá muộn, nhưng tôi tin rằng những đề xuất sau đây dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của mình, sẽ có thể khiến đội cứu hộ nhìn nhận lại và có những hành động nghiêm túc hơn trong công tác tập huấn cứu hộ:

 

- Trước hết khi có sự cố việc đầu tiên là phải xác định vị trí nạn nhân, tình trạng của nạn nhân (để có những ưu tiên và xử lý đúng lúc). Sử dụng kích đẩy để nâng tạm khối bê tông lên, để có chỗ cho nạn nhân thở. Cắt điện ngay ở khu vực xung quanh.

 

- Lực lượng y tế cần có mặt ngay lập tức, truyền ống dẫn oxy đến vị trí người bị nạn (để tránh việc nạn nhân bị hít phải quá nhiều khói bụi gây tắc nghẽn phổi trong quá trình phá các khối bê tông ở trên).

 

- Một chuyên gia tâm lý và người thân cần bình tĩnh ở vị trí gần đó, liên tục động viên và trấn an tinh thần người bị nạn (để tránh việc kêu gào mất sức và hoảng loạn tâm lý của người bị nạn, dẫn đến hít phải nhiều khói bụi hơn).

 

- Trong thời gian kể trên (chỉ khoảng 15 phút), đội cứu hộ cần họp bàn khẩn cấp để đưa ra phương án cứu hộ. Trong đó trưởng nhóm nhất định cần phải là một kỹ sư kết cấu giàu kinh nghiệm. Tuyệt đối không để nhiều người làm việc không có hiệu quả đứng lên trên khối bê tông đang đè lên các nạn nhân,  vì sẽ tăng thêm một khối lượng lớn tải trọng không cần thiết.
 
Trong trường hợp này, các giải pháp đưa ra có thể như một kỹ sư kết cấu đã nói: 4 thợ phá bê tông, 2 máy khoan, 2 máy cắt thép... Hoặc sử dụng mìn khối lượng nhỏ phù hợp để tách khối bê tông, hoặc khối tum thang + lồng thép ra. Hoặc có thể sử dụng lực lượng tình nguyện để kéo khối tum thang + lồng thép sang một bên để đổ xuống lấp lối đi (với số lượng người ở đó cộng với số lượng SV có thể huy động ở trường Bách khoa bên cạnh), làm giảm nhẹ khối lượng chèn ép lên 2 bé....
 
Ở công trình xây dựng cao tầng bên cạnh có một cần cẩu, có thể tức tốc liên hệ và tiến hành cẩu khối tum thang đi. Việc bơm khí nén vào đầu bên này sẽ dồn lực vào phía còn lại và tăng khối lượng chèn ép lên 2 bé. Điều duy nhất cần nhớ đó là không thể có chung lời giải cho mọi tình huống bất ngờ, vì thế hãy tận dụng mọi nguồn lực tại chỗ có thể.

 

Thực tế mọi việc diễn ra quá chậm so với thời gian cần thiết để cứu được 2 bé (khi được đưa ra bé Duy Anh vẫn còn ấm), vậy nên nếu có người dám quyết định nhanh hơn thì có thể người lớn chúng ta sẽ không phải ân hận như bây giờ.
 
Tôi đã chứng kiến lực lượng cứu hộ của Mỹ cứu được một em bé 5 ngày tuổi và mẹ bé ra khỏi đống đổ nát của một căn nhà 2 tầng bị đổ sập sau bão Katrina. Thực ra toàn bộ lực lượng cứu hộ của họ là người dân, chỉ có 2 người là cứu hộ chuyên nghiệp, còn hai chục con người còn lại là người dân xung quanh đó. Khi nghe thấy tiếng kêu cứu, họ đã lao đến, nhanh chóng xác định vị trí, dùng máy xúc cẩu đi những vật liệu nặng xung quanh. Còn ở vị trí người bị nạn, họ phối hợp rất nhịp nhàng ăn ý: 6,7 người đàn ông to khỏe mang những cấu kiện nặng đi, rồi thả ống dẫn khí xuống. Rồi trong vòng 15 phút, tất cả mọi người đều nhanh chóng phối hợp để bê vác đống đổ nát ra và may mắn đã cứu được cả 2 mẹ con.

 

Sơ xuất và nhầm lẫn có thể đến bất kỳ lúc nào, vì thế mỗi chúng ta cũng hãy tập luyện cho mình những kỹ năng sống cần thiết để cố gắng không sai lầm để không phải hối hận. Song bây giờ thì tất cả chỉ còn lại lời... "giá như...". Thương 2 bé, thương 2 bố mẹ bé, thương gia đình, người thân của 2 bé, thương cho chúng ta, chúng ta đã chẳng làm được gì... Nhưng cầu mong anh chị có nghị lực để vượt qua khó khăn và mất mát lớn lao này, để cho 2 bé được đầu thai và lại có cơ hội trở về làm con của anh chị!