Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: Luật không hề có “lỗ hổng”
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Viện Phó VKSND TP. Đà Nẵng - có hành vi “Cưỡng hôn” và dùng tay sờ mó vào người của bé gái, hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô, xét từ góc độ chứng cứ cũng như các quy định của pháp luật hướng dẫn về tội danh này.
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Viện Phó VKSND TP. Đà Nẵng - có hành vi “Cưỡng hôn” và dùng tay sờ mó vào người của bé gái, hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô, xét từ góc độ chứng cứ cũng như các quy định của pháp luật hướng dẫn về tội danh này.
Luật quy định rất cụ thể
Tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND Tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau: “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó…”
Với nội dung hướng dẫn trên, hành vi dâm ô được hiểu ở một phạm vi rất rộng, đó là tất cả những hành vi nào có tính chất “bỉ ổi” đối với người khác, và nhằm mục đích thỏa mãn tình dục, đều có thể xem là hành vi dâm ô, mà không nhất thiết phải có sự tác động vào thân thể của người đó.
Thế nhưng, khi cơ quan chức năng xây dựng Thông tư liên tịch số: 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV, hướng dẫn xác định hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì cách hiểu về hành vi dâm ô đã có sự thay đổi. Theo đó, hành vi dâm ô đối với trẻ em được xác định là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em…
Bé gái bị nguyên Viện phó Viện KSND TP. Đà Nẵng dâm ô trong thang máy.
Với quy định này, có người cho rằng, khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Hữu Linh về hành vi dâm ô. Bởi theo họ, hình ảnh từ camera cho thấy, không xác định được ông Linh có hành vi sờ, bóp vào bộ phận kích thích tình dục nào của bé gái. Mặt khác, điều luật cũng không quy định rõ, những bộ phận kích thích tình dục trên cơ thể của trẻ em là những bộ phận nào?
Chúng tôi cho rằng, cách đặt vấn đề như trên là chưa hiểu đúng tinh thần hướng dẫn của điều luật. Bởi lẽ, khi mô tả hành vi khách quan của tội phạm, quy định của điều luật được cấu tạo theo hướng mở (thể hiện rõ bằng dấu … ) nên không nhất thiết người phạm tội phải có những hành vi sờ, bóp như điều luật đã mô tả, mà bất kỳ một hành vi nào tác động lên cơ thể thuộc bộ phận kích thích tình dục của trẻ em, đều phải được xem là nằm trong chuỗi hành vi khách quan của tội phạm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, chúng ta nên hiểu thế nào về cụm từ những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em theo quy định của điều luật?
Thực ra, về mặt sinh lý học, hoàn toàn không có sự phân biệt giữa trẻ em và người lớn về những bộ phận kích thích tình dục, mà chỉ có những bộ phận có khả năng kích thích tình dục trên cơ thể con người nói chung.
Thế nhưng, do đối tượng mà điều luật bảo vệ là trẻ em nên bắt buộc nhà làm luật phải sử dụng cụm từ những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em.
Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu tinh thần hướng dẫn của điều luật trong ý nghĩa chung, tức là những bộ phận nào trên cơ thể của một người trưởng thành được xem là vùng “nhạy cảm”, thuộc bộ phận kích thích tình dục, thì đối với trẻ em cũng tương tự như thế.
Và, trong ý nghĩa đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy, ngoài cơ quan sinh dục, còn rất nhiều bộ phận khác trên cơ thể của một người trưởng thành (như môi, miệng, ngực, bụng, mông, đùi…) đều có thể xem là những bộ phận có khả năng kích thích tình dục.
Vì vậy, khi một người có hành vi tác động vào một trong những bộ phận cơ thể nêu trên của trẻ em, thì hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Chứng cứ đã rõ ràng
Trở lại trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, hình ảnh từ camera trong thang máy chung cư cho thấy, ông Linh đã có hành vi “cưỡng hôn” và dùng tay sờ soạng lên cơ thể của bé gái, góc quay cũng thể hiện rõ, hành vi của ông Linh là có tính chất “thô bạo”, và các vị trí trên cơ thể bé gái bị tác động, bao gồm: môi, miệng và một phần thân thể thuộc vùng bụng của bé gái. Đây đều là những bộ phận, những vùng cơ thể có khả năng gây kích thích tình dục ở con người.
Việc ông Linh có lời khai cho rằng, ông chỉ có hành vi “nựng” cháu bé, chứ không phải dâm ô là không đáng tin cậy và cũng không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm. Bởi lẽ, việc xác định có hay không hành vi dâm ô trong trường hợp này, không phụ thuộc vào sự thừa nhận hay không thừa nhận của đối tượng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhận định, đánh giá chung của dư luận trên cơ sở các hành vi mà đối tượng đã thể hiện ra bên ngoài.
Người ta có thể tin vào sự trong sáng của một họa sĩ chuyên vẽ tranh khỏa thân, khi ông ta nhìn ngắm cơ thể của một thiếu nữ để sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật, nhưng một thanh niên nhìn trộm phụ nữ đang tắm, thì không ai có thể tin rằng, anh ta trong sáng.
Cũng như thế, với tất cả những gì thể hiện qua hình ảnh do camera ghi lại, không ai có thể tin rằng, hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh đối với bé gái là “nựng”, là cử chỉ yêu thương trong sáng…
Ngày 21.4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) để điều tra về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Ông Linh là người đã sàm sỡ, ôm hôn... bé gái 7 tuổi trong thang máy tại Chung cư Galaxy 9 (quận 4, TPHCM) ngày 1.4 vừa qua, gây bức xúc trong dư luận. Sự việc bị camera an ninh trong thang máy của tòa nhà ghi lại. Ông Linh từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng, về hưu từ tháng 6.2018. Khai với điều tra viên, ông Linh xác nhận, mình là người trong clip. Tuy nhiên, ông phủ nhận việc sàm sỡ, dâm ô bé gái mà chỉ là "nựng" vì thấy cháu dễ thương.
Theo Luật sư Hồ Ngọc Diệp
Báo Lao động