Bạn đọc viết:

Vu lan đời Mẹ, đời Con...

(Dân trí) - Ngày rằm tháng 7 còn là lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ, vì vậy quan trọng hơn các ngày rằm âm lịch khác. Mẹ dặn chúng tôi phải đối xử hiếu thuận với ông bà cha mẹ từ khi còn sống, đừng để đến lúc chết mới cúng, tủi vong linh lắm.

Vu lan với Mẹ, với Con...

 

Mỗi dịp lễ Vu lan báo hiếu, tôi lại bùi ngùi nhớ về thời thơ ấu còn ở bên cha mẹ. Có một câu hát nghe mà xót xa bùi ngùi nhớ về bậc sinh thành:“Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.

 

Những câu hát về người mẹ, người cha vẫn khiến cho tôi day dứt khi nghĩ về những trò dại dột thuở ấu thơ, nghĩ đến những lúc hàn vi bên cha mẹ còn chia nhau từng bát cháo. Giờ đây cuộc sống đủ đầy thì cha mẹ đã không còn nữa.

 

Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm, lại đông con nên cuộc sống rất vất vả. Ông nội tôi là nhà nho nên quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, bảo bố mẹ tôi đẻ nhiều con cho “đông đàn dài lũ”. Ngày đó cũng chưa có biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên chị em tôi có hẳn 8 thành viên.

 

Ông bà nội đã già, mẹ tôi đau yếu luôn, lại bận bịu việc sinh nở, nuôi con, chỉ quẩn quanh việc đồng áng, vì thế bố làm trụ cột về kinh tế. Ai cũng bảo bố tôi làm “tốt tiền” nhưng thu nhập của thợ mộc có cao lắm cũng chỉ đủ trang trải lo ăn mặc cho 12 người trong gia đình và học hành cho 8 đứa con.

 

Mơ ước có được mấy gian nhà ngói chỉ là xa vời. Nơi sinh sống của gia đình chúng tôi vẫn là mái nhà tranh, tường đắp đất, vách trát bằng rơm trộn bùn. Cửa sổ và cửa ra vào đều bằng một tấm liếp đan bằng tre, có một cây gậy chống lên hạ xuống khi cần thiết. Mỗi năm 2 lần, cứ đến vụ gặt xong là lại phải gom rạ để lợp nhà, lợp bếp. Cũng có những khi chưa kịp lợp đã đến mùa mưa, nhà phải chịu cảnh dột, cả nhà “ngủ ngồi” nếu như có trận mưa đêm, dột đúng giường nằm.

 

Bữa ăn nhà tôi phần lớn là trộn ngô, khoai, sắn. Bố mẹ bao giờ cũng xới một phần nhiều cơm nhất nhường ông bà, phần bố mẹ chỉ là những mẩu sắn củ khoai còn dính chút cơm. Có lần gia đình tôi phải ăn ngô hầm trừ bữa. Những lúc ăn ngô hầm như thế, ông nội tôi lại đem bát ngô ra cối giã nhuyễn (vì ông rụng hết răng không nhai được). Bé út đòi cơm, không ăn ngô, ông bảo “ăn ngô với muối cho trắng má”. Lúc đó tôi thấy bố mẹ đều quay đi chấm nước mắt.Chắc bố tủi thân vì không lo cho cha mẹ già và vợ con được đầy đủ bằng người.

 

Những khi vui chuyện, bố vẫn nói chị em tôi là tài sản lớn nhất của bố, phải cố gắng học cho giỏi để sau này thoát nghèo, làm rạng rỡ tổ tiên.

 

...Chúng tôi lớn lên và trưởng thành từ sự nghèo khó ấy. Bố vẫn nói “nhà mình nghèo vì ông nội là nhà nho sinh ra hết thời, nhưng không hèn”. Tôi vẫn tâm niệm lời bố dặn “giấy rách phải giữ lấy lề, con ạ”.

 

Tuy cuộc sống khó khăn là thế, nhưng mỗi khi “rằm ba tết bảy”, mẹ tôi vẫn chu toàn. Đặc biệt là nồi cháo hoa mẹ nấu vào rằm tháng 7, sau khi cúng mẹ lấy cành lá vảy lên ngọn cỏ. Mẹ bảo ngày rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân”, mọi linh hồn đều được mở cửa ngục “xá tội” lên trần gian. Trong số đó có cả những cô hồn không còn người cúng giỗ được gọi là chúng sinh. Vì thế phải nấu cháo vảy lên ngọn cỏ để chúng sinh cùng hưởng thụ. Ngày rằm tháng 7 còn là lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ. Vì vậy quan trọng hơn các ngày rằm âm lịch khác...

 

Trên nền ngôi nhà tranh năm xưa, nay em tôi đã xây lại khang trang sạch đẹp, nhưng cha mẹ tôi giờ đã khuất núi, đâu có còn được hưởng thụ?

 

Bữa ăn hôm nay đã đầy đủ dinh dưỡng, thậm chí không chỉ “ăn no mặc ấm” mà còn “ăn ngon mặc đẹp”, “ăn kiêng mặc mốt”. Ngô khoai sắn bây giờ lại trở thành đặc sản, câu chuyện bát ngô hầm giã nhỏ ăn với muối trắng của ông nội tôi ngày trước chỉ còn là ký ức.
 
Cha mẹ tôi giờ ở nơi nao...

 

Một nén tâm nhang thành kính xin dâng lên cha mẹ mùa lễ Vu lan!

 

Nguyễn Thị Diệp 
 (Hiệu trưởng THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm