Vụ hành hung 2 nhà báo tại Văn Giang: Sự thật chỉ có một mà thôi!

(Dân trí) - Có lẽ ai chưa từng chia sẻ cảnh ngộ như 2 nhà báo của VOV tại Văn Giang, Hưng Yên vừa qua thì còn có thể bán tín bán nghi. Song từ tận đáy lòng mình, chúng tôi hiểu và cũng như bao người dân, khâm phục các anh – những nhà báo dũng cảm.

Vụ hành hung 2 nhà báo tại Văn Giang: Sự thật chỉ có một mà thôi!
Nhà báo Năm xác nhận mình chính là nhân vật bị đánh (áo trắng, MBH trắng) trong clip

 

Tuyến đầu trên “mặt trận” tin tức

 

Là một trong những đồng nghiệp của họ, tôi cũng đã có thời được tòa soạn báo phân công viết mục nội chính. Cũng đã có vài lần tôi rơi vào hoành cảnh tương tự như 2 anh Năm và Long của VOV, lần nguy hiểm nhất cũng lại là khi đi viết về một vụ người dân khiếu kiện về đất đai tại địa phương cách Hà Nội không xa.

 

Tôi và một phóng viên báo Công an Nhân dân trước khi xuống xã đã ghé qua trụ sở UBND tỉnh và huyện để làm mọi thủ tục cần thiết. Vậy mà khi tới UNBD xã, tiếp chúng tôi vẫn chỉ có 1 vị đại diện cho chính quyền với tác phong rất “hình sự”.

 

Chúng tôi đưa cả thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu công tác và nói rõ đã thông qua chính quyền cấp trên trước khi xuống địa phương trực tiếp tìm hiểu thông tin từ các bên liên quan, vị đại diện xã vẫn lạnh lùng từ chối trao đổi. Và câu cuối cùng chúng tôi nhận được là lời đe dọa “sẽ cho người gô cổ” chúng tôi lại nếu không rời đi ngay.

 

Chuyện xảy ra cũng đã lâu, song tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những ánh  mắt thẫn thờ, đau xót, đầy bất lực của nhiều người dân phải chứng kiến cảnh chúng tôi rời trụ sở xã. Biết rõ lời đe dọa rất có thể trở thành hiện thực, chúng tôi vẫn quyết định liều ở lại gặp dân sau khi hội ý nhanh về phương án đối phó trong tình huống xấu nhất.

 

Hôm đó, tôi không nhớ nổi mình đã khóc cùng người dân địa phương bao nhiêu lần. Anh bạn đồng nghiệp (cũng là một chiến sĩ công an viết báo) cứng rắn hơn, mà mắt cũng đỏ hoe.
 

Được sự bảo vệ của đông đảo người dân trong xã, chúng tôi đã trở về an toàn và đăng bài phản ánh thực tế có sự bức bách của các cấp chính quyền địa phương trong việc thu hồi đất của dân.

 

Lập tức, tòa soạn nhận được công văn phản ứng từ chính quyền địa phương. Trong đó viết rằng chúng tôi là những “nhà báo mạo danh”, không hề liên hệ với địa phương, không xuất trình thẻ Nhà báo, khi làm việc với chính quyền xã có thái độ hống hách, không đúng mực… Rất may chúng tôi còn có băng ghi âm và hình ảnh ghi lại tất cả những gì diễn ra trên thực tế…

 

Sự thật là thế! Làm trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể “sinh nghề, tử nghiệp”. Nghề báo cũng vậy dù vẫn được mệnh danh không chính thức là “quyền lực thứ tư” (nay được cho là đã phải nhường vị thế cho quyền lực thứ năm – cũng không chính thức đâu nhé – là sức mạnh công chúng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển). Và với những người trong nghề như chúng tôi, thì “tử huyệt” luôn đe dọa chính là ở mảng bị coi là “rất xương xẩu” này.  

 

Vi phạm chồng vi phạm

Về quyền tác nghiệp của nhà báo nói chung, đúng như tác giả Lê Chân Nhân đã nêu rõ. Đó là: Có mặt tại hiện trường để đưa tin về một vụ cưỡng chế là trách nhiệm của nhà báo. Không ai có quyền cản trở, ngăn cấm hoạt động nghề nghiệp của báo chí. Điều này đã được luật hóa, mọi hành vi chống lại nhà báo lúc này chính là hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn đọc Luật sư Phan Lạc Tuấn bổ sung cụ thể hơn: Theo quy định tại Điều 15, khoản 1, điểm a, điểm b và điểm đ Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi năm 1999) thì Nhà báo có những quyền sau đây:

 

- Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

 

 - Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.

 

- Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

 

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Hình sự năm 1999, thì người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

Có thể không phải ai cũng nắm được cụ thể về quyền tác nghiệp của nhà báo như vậy, nhưng những người dân dù là có trực tiếp chứng kiến vụ việc hay không thì cũng  không thể đồng tình với những hành vi vi phạm pháp luật.

 

Đỗ Văn Chiến: Đánh người là vi phạm pháp luật. Hành hung nhà báo đang làm nhiệm vụ lại vi phạm thêm Luật Báo chí . Đề nghị phải xử nghiêm và công khai.

 

Ho Khoi: Không thể chấp nhận được. Đánh người là hành vi vi phạm pháp luật. Người chấp pháp biết luật mà vẫn phạm luật thì càng phải xử nặng hơn. Đừng ỷ mình có thế, có quyền mà muốn làm gì thì làm.

 

Thương cùng nhiều bạn đọc khác nêu rõ thêm cơ sở cho nỗi nghi vấn từ phía người dân trước hành động cản trở các nhà báo tác nghiệp: Một chính sánh đúng, một cách làm đúng thì tại sao lại phải cấm quay phim, chụp ảnh? Mong các anh hãy sống và làm việc xứng đáng với những gì mà Bác Hồ đã căn dặn: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

 

Nguyen Van Tung_hvtc: Phóng viên đưa tin là chuyện đương nhiên, cớ sao lại đánh họ? Phải chăng có làm chuyện mờ ám, sai trái gì sao? cây ngay không sợ chết đứng kia mà.

 

Minh: Khi tôi xem clip này mà tôi cũng không thể hình dung được tại sao 2 nhà báo đó lại bị đánh dã man như vậy. Họ chỉ đứng đó, không hô hào, không chống đối mà lại bị đánh đập không thương tiếc. Khi xuất hiện clip này thì chính quyền lại bảo là clip dàn dựng, đến khi nạn nhân lên tiếng thì lại bảo đội mũ bảo hiểm nên vẫn chưa xác minh. Đến khi xác minh rồi lại đòi clip gốc. Xin hỏi các bác đòi clip gốc để làm gì???

 

Trung Hiếu: Tại sao lại cấm nhà báo? Tại sao lại không công khai? Phải chăng có gì khuất tất cần che giấu? Phải chăng chỉ có những người cưỡng chế mới được nói thông tin trong cuộc và chỉ họ được đưa ra các thông tin đó thôi? Nhà báo đứng ở xa quan sát mà còn bị đánh? Nhà báo còn có thể lên tiếng, còn dân ơi, dân biết kêu ai?

 

Bùi Tùng: Đánh nhà báo đã là chuyện vi phạm pháp luật. Nhưng nếu có chuyện "chỉ đạo" đánh nhà báo thì vi phạm gì? Cả pháp luật và đạo đức - đạo làm người!

 

Nguyễn Thanh: Tác giả bài báo đã nói hộ chúng tôi rất nhiều. Những hành động đối với hai nhà báo VOV là vi phạm pháp luật, chà đạp lên nhân phẩm con người. Ý kiến của ông Chánh văn phòng thể hiện sự quanh co, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết.
 
Vụ hành hung 2 nhà báo tại Văn Giang: Sự thật chỉ có một mà thôi!
Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (nguồn ảnh: 24h.com.vn)
 

Nước mắt đàn ông

 

Hình ảnh về  những giọt nước mắt hiếm khi rơi của đàn ông được Phạm Ngọc sử dụng nói thay cho nỗi lòng mình trước những cảnh tượng khiến là con người không ai không thấy đau lòng: Trước khi báo chí chính thống trong nước đưa tin về việc đánh người trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang, thì tôi đã xem tin bài (và video clip) trên một số blog cá nhân. Các bạn có biết không, nước mắt đàn ông là ít lắm. Thế mà hôm đó tôi xem và khóc rất nhiều. Khóc vì thương 2 người bị đánh thì ít, nhưng khóc vì căm giận thì nhiều. Giờ đây viết những dòng này, tôi khao khát mong muốn 2 điều:

 

- Quý báo hãy cho đăng mấy dòng tâm huyết này của tôi.

 

- Vụ này, theo tôi, là rất nghiêm trọng. Tôi tha thiết mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh mới có thể lấy lại lòng tin của dân.

 

Trần Anh Khoa chất vấn: Nhìn thấy cảnh đánh người, dù cho đó là ai thì họ vẫn là con người như nhau. Thế nhưng những kẻ chỉ biết vung tay lên đánh người mà họ không biết suy nghĩ rằng: nếu là họ ở vị trí người bị hành hung như vậy thì họ cảm thấy thế nào?

 

Ban Vu chỉ rõ: Tôi hết sức phẫn nộ trước cảnh đánh người. Dù là đánh nhà báo hay đánh dân thường cũng thế thôi, không lẽ nhà báo có mạng quí hơn mạng người dân? Họ có thể bắt người gây khó khăn cho họ trong khi thi hành công vụ, chứ họ không thể đánh người như thế, dù là nhà báo hay người bình dân, vì những người này họ có đứng ở tại "trận địa" và có những hành vi chống lại lực lượng chức năng đâu! Dân chúng xem qua cảnh này, không ai có thể ngồi yên được.

 

Lang Thu khẳng định: Hoan hô các nhà báo đã dám xông pha vào mặt trận chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải cho nhân dân. Nhân dân sẽ bảo vệ nhà báo…

 

Trước hết chúng ta đều là người dân

 

Vâng, sự tin yêu của người dân và những bày tỏ tình cảm của độc giả với nghề nghiệp của mình chính là phần thưởng lớn nhất, sự khẳng định vững chắc nhất cho năng lực và cái tâm của những người làm báo chúng tôi. Đặc biệt là với những đồng nghiệp dũng cảm, thường được người trong ngành chúng tôi ví như lực lượng trinh sát luôn xông xáo trên các mũi nhọn tác chiến…

 

Tuy nhà báo có được một số quyền xem ra có vẻ được ưu tiên hơn như vậy, nhưng tương quan giữa những người làm các ngành nghề khác nhau trong xã hội, theo nhấn mạnh của Nam Đàn là như nhau, bởi trước hết ai cũng là người dân và đều có quyền bình đẳng: Nhà báo thì sao và dân thì sao? câu hỏi này khiến cho người đọc đau lòng. Nhà báo hay Công an đơn giản cũng là dân. Nếu xét về bản chất xã hội, nếu hết giờ làm việc trở về với gia đình, mọi người đều là dân. Nhưng điều tôi thấy đáng nói ở đây chính là có sự phân biệt… cứ như thể người dân là người không có quyền hành, họ chỉ là người phải tuân thủ mọi quyết định hay hành động của những người khác. Nếu không phải là nhà báo mà chỉ là dân thường, ai sẽ lên tiếng bảo vệ họ? cụ thể là như trong cái video clip về vụ việc này?... "Cần xác minh xem nhưng người bị đánh trong video clip kia có phải là hai nhà báo hay không?" - câu nói này có lẽ đã bao hàm đầy đủ tính phân biệt rất rõ ràng. Và những người thực thi pháp luật nhưng lại phạm luật, tội này là rất lớn…

 

Cũng bàn về vấn đề này, Quang Dũng phân tích: Nếu không xử lý việc này rõ ràng và triệt để, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều hệ lụy đi theo. Đó là:

 

1.Dân sẽ không còn tin tưởng vào chính quyền.

 

2. Việc này đã xảy ra  không ít, nên nếu không bị xử lý thật nghiêm thì chắc sẽ còn tiếp diễn ở nhiều nơi khác, gây mất ổn định.

 

3. Khi dân bị bức bách tất sẽ có phản kháng, ví dụ như vụ Tiên Lãng...

 

Và giờ đây dư luận đang mong mỏi điều gì? Theo tôi là:

 

1. Cần thông tin cho dân đầy đủ để dân hiểu và chấp hành, để xảy ra cưỡng chế là do dân chưa phục và việc làm của chính quyền địa phương còn yếu kém, cần khắc phục hoặc thay mới.

 

2.Các phần tử có thái độ khiêu khích tất nhiên phải bị xử lý, nhưng việc chối bỏ trách nhiệm hoặc né tránh của cấp chính quyền địa phương là không thể chấp nhận được. Dù đúng dù sai vẫn cần thông tin rõ ràng cho dư luận hiểu, không nên để thành “cái lẽ thường tình” hoặc “chuyện nó phải thế”…

3. Xử lý nghiêm minh những cán bộ lạm dụng chức quyền, bức bách dân... Việc người thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật như thế là không thể chấp nhận được.

 

4. Các vị lãnh đạo của địa phương nên kiểm điểm, nhận trách nhiệm với dân khi để xảy ra việc như vậy chứ không nên quanh co chối lỗi. Việc để xảy ra chuyện hành hung nhà báo chỉ nói lên một điều là họ vẫn đang cố tình che dấu dư luận, vì nếu không sai thì việc gì phải thế. Cái này cần các cơ quan chức năng giải thích rõ với dân.
 
Vụ hành hung 2 nhà báo tại Văn Giang: Sự thật chỉ có một mà thôi!
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trách nhiệm và đạo lý

 

Về cách hành xử của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng ở địa  phương này, địa phương khác vẫn còn chưa đúng mực, tạo khoảng cách và khiến người dân bức xúc, dẫn đến mất lòng tin… bạn đọc cũng gửi tới các cơ quan chức năng những lời góp ý chân tình, song song với những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ lẽ phải, yêu cầu xử lý nghiêm minh những người (và cả chỉ đạo) vi phạm để giữ vững kỷ cương, phép nước.

 

Nguyen The Thang: Tôi có xem đoạn Video quay cảnh đó. Đúng là họ xuống tay rất mạnh như các nhà báo nói, chứ không phải là nhẹ nhàng và có tính chất răn đe đâu. Hình ảnh đã có, sao lại không biết đích xác là những ai mà còn phải đợi điều tra nữa? Chưa kể những người trong cuộc càng biết rõ nhất đó là những ai. Cần xử lý nhanh chóng, nghiêm minh và có lời xin lỗi tới các nhà báo. Các cấp chính quyền cũng cần xem xét lại các biện pháp khi thực hiện cưỡng chế. 

 

Lê Hải: Theo tôi, cũng nên huấn luyện giáo dục trước những người sẽ tham gia lực lượng cưỡng chế phải biết mình là con em của nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, sao có thể cư xử không đúng mực với dân? Thế thì làm sao người dân tin tưởng và yêu mến họ được?

 

Nguyễn Thị Hương: Tôi hoàn toàn đồng ý. Cần xử lý nặng người chỉ đạo và người trực tiếp hành hung các nhà báo. Vụ Tiên Lãng Hải Phòng chưa qua, vụ Hưng Yên lại nổi lên. Không thể để trong hàng ngũ của ta vẫn có những cán bộ nhưng lại cậy chức, cậy quyền với dân đến thế…

 

Trinh Tuan: Đất nước ta đang trên con đường tiến lên hiện đại văn minh. Đừng để cho những chuyện này cản trở sự đi lên của đất nước. Cứ như thế này thì sẽ gay go đấy. Mong chính quyền cơ sở cần  luôn hành động đúng, đồng thời các cấp chính quyền hữu quan ở trung ương nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm những vụ việc như thế này. Có làm như thế mới là yêu nước.

 

N.S:  Đau lòng, đó là cảm nhận của bất cứ ai trong chúng ta khi xem đoạn băng ghi lại cảnh hành hung phóng viên đang tác nghiệp. Mong các cơ quan liên quan xử lý thật nghiêm những con người này, vì đây có lẽ là mầm mống gây mất lòng tin của nhân dân…

 

Ngân: Nhà báo cần thực hiện nghĩa vụ của mình, đó là đưa các thông tin mà độc giả quan tâm. Và vụ việc ở Hưng Yên là một trong những sự kiện đang được rất nhiều người quan tâm. Do vậy, sự việc xảy ra như thế với 2 nhà báo là không thể chấp nhận được. Đề nghị làm rõ sự việc và trả lại quyền lợi cho nhà báo.

 

Nguyen Thanh Nga: Đề nghị chính quyền xử lý thật nghiêm vụ đánh người này theo đúng pháp luật, không thể có chuyện "thông cảm". Nhà báo không làm gì vi phạm pháp luật mà bị "dân phòng" đánh dã man thế, trong khi xung quanh có CA, sau đó lại bị bắt, tịch thu giấy tờ, thì người dân càng rất lo lắng cho sự an toàn của mình…

 

Sự thật luôn chỉ có một. Trước một vụ việc đã rõ ràng như vậy, chúng tôi cũng như hàng triẹu người dân đang cùng  hướng về Hưng Yên, chờ xem các cơ quan chức năng địa phương thể hiện "có cách nhìn nhận toàn diện và thấu hiểu sự việc diễn ra" như thế nào. Trước hết là qua buổi làm việc dự kiến diễn ra ngày 16/5, liệu kết quả lcó lại khiến dư luận lại phải thốt lên những lời cay đắng như Nguyễn Hà Anh đã bày tỏ:

 

Thất vọng! Một vụ án đất đai tại Hải Phòng chưa kịp nguội đã có thêm ngay "vụ Hưng Yên". Đã nhiều bức xúc trong dân, đã nhiều sai phạm của các cấp chính quyền nhiều nơi trong xử lý thu hồi, xử lý vi phạm về đất đai. Mong rằng các cấp chính quyền ở Hưng Yên có hướng giải quyết đúng đắn.

 

Vẫn mong 2 đồng nghiệp VOV vững tin. Chúng tôi và tất cả người dân luôn bên cạnh các anh! Và chúng tôi tin các anh sẽ lại tiếp tục có những bài viết sắc sảo nói lên sự thật, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những người dân vẫn thường tự nhận là "thấp cổ bé họng"... 

Kiều Anh