Vụ gỗ sưa trăm tỷ: “Mất bò, tìm lại được… xương”

(Dân trí) - Bạn đọc TS.Nguyễn Thanh Giang drgiang1949@dyahoo.com ví von như vậy, đồng thời nhấn mạnh: không thể cảm thấy vui vì giá trị của cây sưa hàng trăm năm tuổi là khi còn sống, chứ để bị chặt mất rồi có thu hồi được gỗ trị giá hàng chục tỷ cũng không còn ý nghĩa nữa....

Vụ gỗ sưa trăm tỷ: “Mất bò, tìm lại được… xương”
Cảnh hỗn loạn ở nơi 3 cây gỗ sưa cổ thụ bị triệt hạ

 

Cười ra nước mắt

 

Có lẽ chưa bao giờ dư luận lại phản ứng tiêu cực đến như vậy trước một thông tin có vẻ rất tích cực. Đó là việc UBND tỉnh Quảng Bình thưởng nóng và tặng quà cho đội kiểm lâm cơ động của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đang đóng chốt kiểm soát tại khu vực Khe Sến, sau khi đơn vị này lập “chiến công” bắt giữ được 5 hộp gỗ sưa trị giá khoảng chục tỉ đồng (một phần trong số gỗ sưa trị giá khoảng 50 tỉ đồng vừa bị hơn 300 đối tượng vây cướp đêm 5 rạng sáng 6/5).

 

Xưa nay các chiến sĩ áo xanh dũng cảm bảo vệ nguồn vàng xanh của Tổ quốc luôn chiếm được nhiều rất nhiều cảm tình của người dân. Đã bao lần dư luận lên tiếng đề nghị có những chính sách mạnh mẽ và hiệu quả hơn để tạo điều kiện cho các anh làm việc tốt, cũng như góp phần bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của các anh và gia đình…

 

Vậy mà lần này hoàn toàn ngược lại, rất nhiều lời phê phán, thậm chí khá gay gắt khi đề cập tới lương tâm, trách nhiệm và cả sự “tự biết xấu hổ” mà lẽ ra chính quyền địa phương và nhất là lực lượng chức năng cần thể hiện sau vụ “chảy máu sưa” rất nghiêm trọng vừa xảy ra.  

 

“Tại sao kiểm lâm để lâm tặc phá rừng, đẵn gỗ quý nghiêm trọng và trắng trợn như vậy rồi còn được thưởng? Thế này thì có lẽ kiểm lâm cứ vô trách nhiệm để lâm tặc đẵn hết gỗ quý, phá hết rừng, rồi lại tổ chức quây bắt… lấy lệ để nhận thưởng ư? Rừng và gỗ quý ơi, thương xót quá!” - Dinh:  buixuandinh.dth@mail.com

 

“Trời! Sự việc đã quá be bét rồi, bây giờ lực lượng chức năng mới làm được một tí tẻo teo… Mà quan trọng nhất là giữ cây khỏi bị chặt nhưng lại không làm được, cây đã bị chặt, đã đưa đi và bị tranh giành nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà mới làm được một tí đã khen thưởng ầm ĩ cả lên? Sao không thấy cơ quan chức năng cao hơn ra hình thức kỉ luật các cán bộ này vì đã lơ là để sự việc nghiêm trọng như trên xảy ra? Làm vậy mới thắt chặt được kỉ cương, chứ như tôi thấy đây thì chẳng qua cũng chỉ là lấy chút công để chuộc 1 phần trong vô vàn tội thôi. Đúng là chuyện có lẽ chỉ có ở VN?” - Lan Minh:  maybay@gmail.com

 

“Thật là không thể hiểu nổi. Ăn lương nhà nước để bảo vệ rừng, khi gỗ quý bị chặt thì không thấy sự có mặt của kiểm lâm nào. Chặt song rùi đi tìm gỗ lại được khen thưởng, thì khen thế để làm gì nhỉ? Mà gỗ quý như vậy thu về thì giải quyết thể nào, hay là mấy bác "trưởng' nào đó lại mỗi người một tấm? Ôi… giờ tôi mới hiểu tại sao rừng quê tôi lại ngày một mất dần đi như vậy!” - Nguyen Tien:  Tien_nt83@yahoo.com
 
“Tôi nghĩ, cơ quan chức năng làm việc là trách nhiệm. Vậy mà mới bắt được 5 hộp gỗ sưa thì đã trao tặng quà "chiến công", thật không hiểu nổi???? Trong khi lẽ ra tỉnh Quảng Bình cần tổ chức các lực lương chức năng truy quét ngay khi mới biết thông tin về vụ sưa tặc, thì sẽ không kéo theo những chuyện đáng tiếc làm rối loạn, gây mất trật tự an ninh như vừa rồi....” - Moc:  comay_269@yahoo.com
 
Vụ gỗ sưa trăm tỷ: “Mất bò, tìm lại được… xương”
Khi vụ hỗn chiến đã kết thúc, lực lượng chức năng mới có mặt để xử lý vụ việc

 

Một mất, mười ngờ

 

Từ chỗ quá bất bình với sự việc xem ra vẫn còn nhiều khuất tất này, nhiều người lại càng không thể gạt bỏ được tâm lý “một mất mười ngờ”, nhất là khi lòng tin đã không còn cơ sở nào để "đeo bám" nữa:
 

“Chúc mừng các cơ quan pháp luật QB. Nhưng tôi nghĩ nếu có bắt được gỗ thì cũng có lẽ cũng lại chỉ để bán, sung quỹ mà thôi. Còn những cây gỗ hàng trăm năm tuổi, mấy đời người mới có được cây như vậy mà cứ để cho lâm tặc chặt phá, dù có bắt lại được thì rừng cũng đã bị phá hoại rồi.....còn gì nữa là rừng… Phải làm sao cho rừng không bị phá chứ, cứ để chặt xong mới bắt thì còn gì nữa....Đến rừng của quốc gia mà cũng xảy ra chuyện bị chặt trộm.... thì hết nói nổi!” - Quá muộn:  quamuon@yahoo.com

 

“Có lẽ đây cũng là biện pháp nhằm làm dịu dư luận thôi, chứ làm gì chỉ thu được ít thế mà đã báo công. Họ thuê cả làng vận chuyển kia mà. Bắt được gỗ là bắt được người, từ đó cứ điều tra là ra 'ông trùm' ngay. Mà có lẽ 'các ông trùm' đó ở Quảng Bình thôi, các bác kiểm lâm ai mà không biết. Tôi là người dân ở Đồng Hới cũng còn nghe tiếng kia mà” - Nguyễn Mai:  nguyenmai0555@gmail.com

 

Và cũng từ chỗ còn nhiều điều nghi vấn đó, nên những câu hỏi về cách tư duy, phương pháp làm việc cũng như sự thể hiện trách nhiệm bảo vệ rừng của các ngành chức năng địa phương tiếp tục được dư luận đưa ra phân tích đúng – sai:

 

“Sau khi có thông tin 1 nhóm người chuẩn bị chặt hạ 3 cây gỗ sưa, vị lãnh đạo của Tỉnh này đã nói là "1 con kiến cũng không lọt ra khỏi rừng được". Thế nhưng 3 cây gỗ sưa nặng hàng tấn kia vẫn được tẩu tán gần hết !!! Vậy trách nhiệm của những vị lãnh đạo QB trong trường hợp này là như thế nào? Làm quan chức mà chỉ nói hay không thôi thì chưa đủ. Mà hình như ở Việt Nam có tiền lệ là không làm được thì đổ lỗi cho lực lượng mỏng. Nếu đây là tính mạng của người dân thì không hiểu các vị ấy sẽ bảo vệ như thế nào?...” - Phong:  vna4ll@yahoo.com

 

“Thực chất mà nói, tôi thấy các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cũng như BQL vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cần xem xét lại trách nhiệm của mình trong công tác quản lý. Trong thời gian dài như vậy sao để cho lâm tặc lộng hành mà không hay biết? Đến khi để xảy ra hậu quả như thế này thì mới ra tay, mà cho tới thời điểm này vẫn chưa thấy động thái tích cực gì từ tỉnh Quảng Bình. Hình thức khen thưởng như thế này liệu có thuyết phục khi đã để xảy ra hậu quả lớn như vậy ?” - Khong vui:  thuannguyen1984@yahoo.com.vn

 
Vụ gỗ sưa trăm tỷ: “Mất bò, tìm lại được… xương”
Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 (Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình) vừa bắt giữ 5 hộp gỗ sưa, khối lượng 366kg
 

Thuốc đắng dã tật

 

Và vì giận quá đôi khi người ta cũng có thể… mất nhẹ nhàng. Nhưng các cụ xưa chẳng đã dạy “thuốc đắng dã tật” đó sao. Ai cũng thích được khen, nhưng nhiều khi cũng nên biết tự chê mình và dũng cảm tiếp nhận những lời phê của người  khác nữa để "biết sai để sửa"...

 
 “Các chú không thấy xấu hổ khi nhận quà sao? Mất bò mới lo làm chuồng, để mất cây gỗ rồi mới truy tìm kẻ trộm, rồi còn trao quà và khen thưởng nữa thì còn nói làm gì? Tìm được trộm nhưng có nối lại các khúc gỗ đó để lại trở thành ba cây gỗ quý được nữa không?... Với những người được trao trách nhiệm quan trọng như các chú, nói thẳng là cháu thấy các chú xử sự như vậy không hay đâu... Khi làm mất gỗ thì sao không thấy ai chịu trách nhiệm cả?…” - Đinh Khắc Phúc:  yeunguoima_nguoikhongyeu1993@yahoo.com gay gắt.

 

“366kg gỗ sưa sẽ về đâu? Quảng Bình quê tôi là thế, có những kiểm lâm bị coi như lại chính là lâm tặc... Nhà nhiều vị toàn gỗ dát kín từ dưới lên trên…. Chắc sau đợt gỗ huê (sưa) này, mấy ông ấy lại có gỗ xẻ ốp nốt cho những chỗ còn lại ấy chứ… “ - Mr. Vo danh:  vodanh.ga@gmail.com không còn được mấy sự tin tưởng.

 

“Phải biết bảo vệ  tận gốc nghĩa là bảo vệ cây đứng trong rừng, khi đó anh mới làm tròn trách nhiệm của người kiểm lâm. Chứ đằng này với ba cây gỗ sưa lớn như thế mà lâm tặc ngang nhiên vào rừng để chặt hạ, mà kiểm lâm chẳng biết gì thì đúng là điều khó hiểu? Hình  như Kiểm lâm QB quên mất nhiệm vụ tuần tra kiểm soát rừng rồi thì phải? Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm QB trả lời thế nào với câu hỏi này???” - Nguyễn Hà Uyên Nhu:  uyennhu68@gmail.com diễn giải.

 

“..  Lâm tặc chở gỗ đi hiên ngang thì không việc gì, nhưng người bình thường mà chở gỗ đi trên đường không bị bắt mới lạ đó. Nên tôi nghĩ lâm tặc và kiểm lâm hình như phải sống dựa nhau… Mọi người không tin cứ vào nhà vị kiểm lâm bất kỳ nào thì sẽ rõ, trong nhà của kiểm lâm được làm toàn bằng gỗ quý hết. Chẳng lẽ những tấm gỗ này là gỗ nhân tạo hay sao…” - Tran:  quangthao11@gmail.com thở than.

 

“Mình ở Quảng Bình nên cũng hiểu đôi chút. Thật ra rừng Phong Nha rộng và đường đi có thể sang tận bên Lào nên cũng rất khó. Ngay cả những nhà nghiên cứu nước ngoài đã chuẩn bị rất tốt mà cũng có đi hết được rừng đâu. Vì vậy có nói gì thì cũng nên “ở giữa” để bình tĩnh mà phân tích. Kiểm lâm được trang bị súng, nhưng khổ nỗi lại có được quyền bắn đâu! (chỉ trừ trường hợp đặc biệt). Nói chung có khá nhiều điều bất cập từ chính sách cho tới thực hiện” - Tran Van Huy:  vanhuy75@yahoo.com gửi tới các bạn đọc khác lời  nhắn nhủ chân tình cùng lời nhận xét xem ra thấu đáo hơn.

 

“Theo thông tin tôi biết thì gần 70% số gỗ này đã được các thương lái TQ tận thu rồi. Chỉ còn lại một lượng rất nhỏ mà thôi. Số gỗ tận thu này rồi sẽ lại 'chảy' đến đúng địa  chỉ nó cần tới thôi.  Và tôi cũng nghĩ, nếu nhà nước bán loại gỗ quý trị giá này trực tiếp thì chắc sẽ thu về số tiền có thể đủ để xây dựng những tuyến đường huyết mạch và những công trình lớn của xã hội. Còn nếu có giữ lại thì sau này cũng vẫn bị trộm mất và cuối cùng tài nguyên vẫn chảy máu mà thôi. Tiền sẽ vào những nơi mà nhân dân không được hưởng. Tôi có tham khảo vài người bạn TQ và nghe họ nói rằng: giá trị gỗ này cực kì lớn vì có thể làm nên nhiều thứ…” - Xuân Lâm:  lamlxnk@yahoo.com.vn chia sẻ những suy nghĩ cùng lời cảnh báo  có vẻ ít tích cực hơn.

 

“Nếu cây mà không chặt thì đâu có giá hàng trăm tỷ. Chỉ khi nào nó được hạ xuống và trở thành hàng hóa thì mới có giá trị lớn như vậy. Các bạn thử nghĩ xem lâm tặc hay kiểm lâm hay các vị nào đó nữa có muốn phù phép cho cái cây gỗ chỉ đứng trong rừng và chẳng có giá, dù chỉ 1 đồng, thành tài sản hàng trăm tỷ đồng không? Cái lợi quá lớn mà cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì, có khi lại còn được khen thưởng nữa, vậy thì không làm có lẽ mới là không bình thường” - Phuong:  thach27@hotmail.com không dấu được tâm trạng bức xúc.

 

Công sức của chính quyền nhiều địa phương có rừng, trong đó có của lực lượng Kiểm lâm là rất lớn. Thậm chí máu của Kiểm lâm cũng đã bao lần đổ trong cuộc chiến rõ ràng rất không cân sức với lâm tặc và các thế lực “đứng đằng sau” khơi luồng cho chảy máu rừng này. Nhưng trong vụ việc chảy máu sưa rất lớn vừa qua, xem ra những động thái của Quảng Bình quả là đã khiến nhiều người dân khó có thể không gợn lên nhiều suy nghĩ.

 

Khánh Tùng