Vụ án xử bác sĩ Lương: Nguyên giám đốc bệnh viện có tội hay không?

(Dân trí) - Câu hỏi cần làm rõ, nguyên giám đốc Trương Quý Dương được coi là vô tội và những dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra có liên quan gì đến nhau?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Càng về cuối quá trình xét xử các bị cáo trọng vụ án có tới 9 nạn nhân chết oan uổng khi đang lọc máu ở BV Đa khoa Hòa Bình càng cho thấy rõ hơn những dấu hiệu không bình thường trong quá trình điều tra.

Đó không chỉ là những bản cung “sinh đôi” – dấu hiệu mớm cung - được các luật sư trưng ra tại tòa, mà còn có những dòng chữ được thêm vào có hại cho bác sĩ Lương vẫn bị đưa vào kết luận điều tra. Đó là biên bản bình xét thi đua cuối năm 2015 đã bị thêm vào hai dòng chữ.

Để hiểu rõ hơn bản chất việc thêm hai dòng chữ nhằm đưa bác sĩ Lương thành vật thế mạng, chúng tôi thấy cần phải tổng hợp, phân tích những dấu hiệu bất thường trong vụ án này.

Thứ nhất, đó là việc ông Trương Quý Dương - Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình, đã chỉ định thầu cho Cty Thiên Sơn. Sau đó, Cty Thiên Sơn lại “bán cái” cho Cty Trâm Anh.

Chỉ riêng nội dung này đã lộ những uẩn khuất: Chỉ định thầu cho Cty Thiên Sơn có đúng luật hay không và ai cho phép chỉ định thầu? Cty Thiên Sơn có đủ năng lực chuyên môn để bảo hành, vận hành những thiết bị này không? Có ăn chia gì không khi phải “mua bán” lòng vòng như vậy? Khai tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Cty Trâm Anh) thừa nhận không có chuyên môn về việc bảo hành, xúc lọc thiết bị này. Tất cả làm theo kinh nghiệm. Chuyên môn i tờ như vậy mà vẫn được ông giám đốc Dương chấp nhận. Quá kinh hãi.

Vì sao ông Dương dám để cho một doanh nghiệp không có chút chuyên môn nào tham gia vào quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị y tế vô cùng quan trọng này?

Thứ hai, vì sao việc ký kết một hợp đồng quan trọng như vậy mà các phó giám đốc đã khai tại tòa: Không biết tỷ lệ ăn chia thế nào với đối tác và cũng không biết họ có bao nhiêu máy được lắp đặt ở BV này. Chỉ riêng tỷ lệ ăn chia, phía BV chỉ được hưởng 10 %, bao gồm cả chi phí tiền điện nước, ấn phẩm, phụ cấp phẫu thuật đã nói nhiều điều.

Thứ ba, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai, không biết chỉ số AAMI là gì, chỉ biết đây là chỉ số quan trọng và được nhiều người “dạy” phải làm xét nghiệm sau khi sửa chữa thiết bị. Mà muốn xét nghiệm AAMI phải dừng máy chạy thận chừng 10-15 ngày. Tuy nhiên, khai tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Tình cho rằng, từ trước đến nay bệnh viện cũng chưa bao giờ phải dừng việc điều trị cho bệnh nhân với lý do "lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI”. Nếu những nội dung này đúng, phải chăng lãnh đạo BV này quá coi thường tính mạng của bệnh nhân. Và, nguyên giám đốc Trương Quý Dương phải trả lời vấn đề này thế nào?

Ba nội dung trên cho thấy, đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên cái chết oan uổng của 9 bệnh nhân. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về nguyên Giám đốc Trương Quý Dương. Vậy nhưng, không những không bị khởi tố bị can, ông ta vẫn ung dung cùng vợ đi nước ngoài. Không thể hiểu nổi.

Những điều khó hiểu này có liên quan mật thiết với những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng của cơ quan điều tra.

Trong nhiều nghi vấn, công luận muốn các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm rõ hai câu hỏi.

Câu hỏi đầu tiên: Những ai đã chỉ đạo điều dưỡng viên trưởng Đinh Tiến Công viết thêm những dòng phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương?

Tại tòa, ông Công khẳng định là ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện Hoà Bình, Trưởng khoa hồi sức tích cực) chỉ đạo viết thêm vào. Dù ông Khiếu không thừa nhận việc này, nhưng những lời khai khác của bị cáo Lương và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho thấy, lời khai của ông Công là có cơ sở. Mặt khác, liệu còn có ai cao hơn nữa yêu cầu ông Khiếu chỉ đạo việc này không?

Câu hỏi tiếp theo liên quan mật thiết với câu hỏi trên là, khai tại tòa, ông Hoàng Công Tình (phó trưởng khoa Hồi sức tích cực) đã khai nhiều lần với cơ quan điều tra rằng hai dòng viết thêm này lúc ông ký sổ không có. Vậy tại sao những dòng viết thêm này không bị loại bỏ và cơ quan điều tra không làm rõ động cơ viết thêm mà vẫn đưa nó vào kết luận điều tra và được coi là một căn cứ quan trọng để buộc tội bác sĩ Lương? Không thể hình dung được.

Hai câu hỏi trên càng nóng bỏng, khi luật sư đưa ra nghi vấn: cơ quan điều tra có mớm cung không khi có những bản cung “sinh đôi” và đâu là lý do phải mớm cung?

Câu hỏi cuối cùng, nguyên giám đốc Trương Quý Dương được coi là vô tội và những dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra có liên quan gì đến nhau?

Không phải vô cớ mà vị công tố tại phiên tòa đề nghị thay đổi hình thức ngăn chặn với bị cáo Lương và đề nghị cho bị cáo này hưởng án treo. Nhưng như vậy, bác sĩ Lương vẫn bị đánh giá là có tội.

Do đó, dư luận mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ, ai phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này và bác sĩ Lương có tội hay không?

Vương Hà