Vụ án xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Vì sao nhiều bị cáo được giảm hình phạt?

(Dân trí) - Phiên tòa này, VKS chấp nhận những ý kiến có lý của các luật sư, các bị cáo về những góc khuất, về từng vụ việc cụ thể và HĐXX cũng đồng tình về những đánh giá của VKS. Đó là tín hiệu tích cực.

Vụ án xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Vì sao nhiều bị cáo được giảm hình phạt? - 1

Vũ “nhôm”, đối tượng có “quyền lực rất lớn” chịu mức án cao nhất trong các bị cáo: 25 năm tù

Ngay đầu năm 2020, bản án dành cho Vũ “nhôm” và 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được dư luận hết sức quan tâm bởi đây là vụ án điển hình cho mối liên kết chặt chẽ vừa tinh vi vừa trắng trợn giữa các nhóm lợi ích. Nhưng trong phạm vi bài này chúng tôi muốn nói nói về việc từ trước đến nay, dư luận thường rỉ tai nhau rằng những án lớn, nghiêm trọng, đặc biệt với các bị cáo là cựu quan chức cao cấp thường là các bản án “bỏ túi”. Đặc biệt, vụ án này diễn ra ở Đà Nẵng, nhưng được xét xử ở Hà Nội, dù đúng luật nhưng dư luận càng xôn xao, bàn tán và quan tâm nhiều hơn. Nhưng diễn biến xét xử cho thấy: Không những không có gì bất thường mà còn cho thấy rất rõ không có án “bỏ túi” và Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá công minh mức độ phạm tội của đối tượng chủ mưu và những bị cáo chỉ là “đầu sai”.

Điều rất rõ là phần đề nghị mức án trong bản luận tội ban đầu và sau tranh tụng tại tòa của đại diện VKS có những thay đổi quan trọng về tình thế phạm tội lẫn đề nghị mức án. Đặc biệt, việc thay đổi này của các vị công tố không những không gây nghi hoặc mà còn khiến dư luận thấy phần tranh tụng có ý nghĩa thực sự và công lý được thực thi.

Điều dễ nhận thấy nhất với những đối tượng được coi là đầu vụ, phải chịu trách nhiệm chính là Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), là 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến vẫn phải chịu những bản án nghiêm khắc. Nhưng trong phần đề nghị mức án sau khi tranh tụng, VKS cũng đã không truy cứu trách nhiệm hình sự với 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng trong một số vụ việc cụ thể. Nhờ vậy, mức án của cựu Chủ tịch Trần Văn Minh chỉ là 17 năm tù so với đề nghị mức án ban đầu là 25- 27 năm của VKS và cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến chỉ bị tuyên 12 năm so với đề nghị của VKS là 18- 20 năm tù. Riêng với Vũ “nhôm”, như HĐXX nhận xét, dù không thừa nhận có quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng nhưng từ các lời khai của các bị cáo khác và diễn biến vụ án, Vũ “nhôm” có “quyền lực rất lớn”. Do đó, Phan Văn Anh Vũ bị HĐXX tuyên 25 năm tù. Đây là mức án nghiêm khắc và cần thiết với Vũ “nhôm”- đối tượng đã đưa hàng loạt tướng tá Bộ Công an, lãnh đạo ở Đà Nẵng, TP HCM vào vòng lao lý ở trong các vụ án khác nhau.   

Vụ án xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Vì sao nhiều bị cáo được giảm hình phạt? - 2

Bị cáo Trần Văn Minh chịu mức án 17 năm tù, thấp hơn nhiều so với mức đề nghị ban đầu của VKS: 25 -27 năm tù.

Với những bị cáo là cấp dưới của các đối tượng trên, những đánh giá của VKS và mức án của HĐXX dành cho họ khá thuyết phục: Phân hóa rõ đối tượng chủ mưu với người bị động thực hiện; phân hóa rõ đối tượng ngoan cố với những người khai báo thành khẩn.

Trên diễn đàn này, trong bài “Vụ án xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: đắng cay cho nhiều bị cáo”, người viết từng dẫn lại lời bào chữa đầy chua xót của cựu Chánh văn phòng Nguyễn Văn Cán. Bị cáo Cán thừa nhận rằng có biết nội dung văn bản trái luật nhưng vẫn phải trình vì trước đó Chủ tịch Trần Văn Minh nói: “Vấn đề này, mình và ông Thanh (cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh - pv) đã kết luận với nhau rồi, ông về cứ chấp hành'!? Lời bào chữa của bị cáo Can cũng của một số bị cáo dạng “đầu sai” khác cho rằng mình bị động, đã được các vị công tố ghi nhận, đánh giá lại mức độ phạm tội của từng bị cáo, đồng thời thay đổi mức án đã đề nghị trước đó. Đặc biệt, HĐXX cũng ghi nhận những nội dung được làm sáng tỏ tại phiên tòa nên mức án được tuyên đa số theo đề nghị của VKS. Nhờ vậy, cựu Chánh văn phòng Nguyễn Văn Cán bị VKS đề nghị mức án từ 3- 4 năm tù, sau được chính VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và đề nghị này đã được HĐXX chấp thuận và tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Cán. Là người chẳng quen biết gì ông, nhưng tôi cũng mừng cho ông và mừng cho công lý: Xử nghiêm, nhưng có lý, có tình.  Tất nhiên, sẽ có một số người cho rằng, ông Cán biết sai mà vẫn làm thì phải chịu tội, đúng như vậy nhưng có tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự không lại là việc khác. Trong vụ án này, không chỉ ông Cán mà một số bị cáo là cán bộ ở Đà Nẵng nhờ làm rõ hơn mức độ đồng phạm, giúp sức cho 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng phần lớn là bị động, ở mức hạn chế, nên sau phần tranh tụng được chính VKS đề nghị giảm mức án so với bản luận tội ban đầu và cơ bản được HĐXX chấp thuận.Không chỉ các bị cáo là cán bộ của thành phố, mà các bị cáo được Phan Văn Anh Vũ “dựng” lên làm giám đốc, trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng đã xác định rõ họ cũng chỉ là “con rối” trong tay Vũ, nên được VKS đánh giá, nhận định khác về mức độ so với bản luận tội ban đầu và HĐXX cũng đồng thuận với nhận xét này. Nhờ vậy, một số bị cáo là giám đốc bù nhìn bị tuyên mức án nhẹ hơn nhiều so với đề nghị mức án ban đầu của VKS. Trong đó, bị cáo Phạm Minh Cương, cựu Tổng giám đốc CTCP Xây dựng 79 và bị cáo Nguyễn Quang Thành, cựu giám đốc Cty TNHH Minh Hưng Phát (em vợ Phan Văn Anh Vũ) cùng bị tuyên 3 năm tù (trước đó, cùng bị VKS đề nghị từ 7- 9 năm).

Với những người theo dõi phiên tòa, đây là động thái đáng mừng của VKS, HĐXX khi chấp nhận những ý kiến có lý, có tình của các luật sư, các bị cáo về những góc khuất, về từng vụ việc cụ thể trong các vụ bán công sở và dự án trái pháp luật. Đó là thắng lợi của công lý: Xử lý phải nghiêm, nhưng đúng mức phạm tội, đặc biệt với những đối tượng  phải thực hiện theo lệnh cấp trên. 

Vương Hà