Vụ án Vinashin: Những điều nguy hiểm ẩn sau con số 105 tỉ đồng
(Dân trí) - Tập đoàn Vinashin đang thuộc dạng kiểm soát đặt biệt và chỉ được sử dụng số tiền Nhà nước rót vào khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nhưng, dù không được Thủ tướng đồng ý, lãnh đạo Tập đoàn này vẫn mang đi gửi tiết kiệm. Tại sao họ dám liều lĩnh như vậy?
Ngày 12.6, HĐXX tuyên 4 cựu lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) hàng chục năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã nhận tới 105 tỉ đồng lãi xuất ngoài từ ngân hàng Oceanbank.
Diễn biến vụ án cho thấy, nhiều vấn đề còn nguy hiểm hơn ẩn sau số tiền 105 tỉ đồng: Nhà nước rót vốn cứu doanh nghiệp (DN), nhưng việc sử dụng như thế nào lại được kiểm soát quá lỏng lẻo; Vụ án này cũng cho thấy, dù đang bị kiểm soát đặc biệt, nhưng các vị có chức quyền ở Vinashin vẫn dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng; Dù những người tiền nhiệm đang bị khởi tố, trở thành đại án đang gây cực kỳ bức xúc cho dư luận, nhưng những người kế nhiệm vẫn vô tư phạm pháp. Không thể hình dung nổi.
Để hiểu thêm tính chất đặc biệt của vụ án, chúng tôi điểm lại một chút diễn biến đại án xảy ra trước đó ở Tập đoàn Vinashin, trước khi các đối tượng kế nhiệm lãnh đạo Tập đoàn này tiếp tục vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, trước thời điểm Vinashin cho Ocenbank vay số tiền khủng, Tập đoàn này đang xảy ra đại án, đứng trước nguy cơ vỡ nợ, được Chính phủ đổ tiền vào cứu.
Cuối năm 2009, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tập đoàn này nợ gần 19.900 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu. Sau đó, Vinashin được thanh tra toàn diện, kết luận Thanh tra Chính phủ vào tháng 11/2010 cho thấy, số nợ của Tập đoàn thực tế lên tới gần 92.600 tỷ đồng (đã trừ các khoán nợ nội bộ). Từ đó, Thanh tra Chính phủ gửi 9 nội dung sai phạm lớn được chuyển cho cơ quan điều tra.
Từ đó, một loạt vụ án đã được khởi tố, hầu hết lãnh đạo của Tập đoàn này, từ Chủ tịch cho đến Tổng và Phó Tổng giám đốc cùng các thuộc hạ đã bị đưa ra xét xử, trong đó có cựu chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình. Thay thế những người đứng đầu Tập đoàn vừa bị khởi tố, lần lượt các ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin), Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin), Phạm Thanh Sơn (cựu Phó tổng giám đốc Vinashin) và Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng Vinashin) được bổ nhiệm thay thế.
Những tưởng rằng, một loạt vị tiền nhiệm bị truy tố trước phiên tòa được coi là đại án, những người kế nhiệm sẽ biết chùn tay. Nhưng không, trong thời gian các vụ án này đang nóng dư luận, những đối tượng này vẫn thỏa thuận, bàn bạc với nhau, bạn bạc với đối tác để cho vay và chia nhau tới 105 tỉ đồng lãi xuất ngoài, thật không thể hình dung nổi. Câu hỏi cần đặt ra, sao họ dám liều đến thế?
Thứ hai, việc Nhà nước rót số tiền lớn (Vinashin đã tiếp nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN và 4.190 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương) cho Vinashin tái cơ cấu, người viết không dám lạm bàn, nhưng trong tình trạng như vậy, lãnh đạo Vianshin vẫn có thể lấy tới 104.000 tỷ đồng và gần 182 triệu USD đem gửi ngân hàng thì càng không thể hiểu nổi.
Đặc biệt, thời điểm đó Vinashin đang thuộc dạng kiểm soát đặt biệt và chỉ được sử dụng số tiền Nhà nước rót vào khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nhưng, dù không được Thủ tướng đồng ý, Tập đoàn này vẫn phớt lờ và vẫn mang đi gửi tiết kiệm!?
Thứ ba, câu hỏi đặt ra là, vì sao đang bị kiểm soát đặc biệt, lãnh đạo Tập đoàn này vẫn có thể thực hiện tới 2.300 hợp đồng giao dịch (diễn ra chủ yếu từ 2010 -2012) với số tiền lớn như thế mà không một cơ quan chức năng nào phát hiện ra? Chúng tôi đưa ra câu hỏi này bởi vụ án hưởng lãi xuất ngoài này ( nhiều đối tượng, nhiều ngành, trong đó nhiều nhất là các đối tượng ở PVN bị khởi tố) được phát hiện từ đại án Hà Văn Thắm xảy ra ở Ocenbank, chứ không phải phát hiện từ sai phạm cách sử dụng tiền không đúng mục đích của Tập đoàn Vinashin.
Thứ tư, chúng ta luôn thiếu vốn để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật - xã hội, nên phải vay các kiểu trong và ngoài nước với đủ dạng sức ép của những nước cho vay. Số liệu mới nhất được Bộ Tài chính cung cấp cho biết, dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP... Theo Bộ Tài chính, số nợ trên vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng cho thấy, số nợ đó lớn, sức ép trả nợ lớn. Vậy mà, một Tập đoàn đang trên bờ phá sản, đang được Chính phủ giải cứu, vẫn có thể có tới hàng trăm nghìn tỉ đồng nhàn rỗi cho ngân hàng vay. Càng theo dõi thấy đáo diễn biến vụ án, dư luận càng không thể hiểu. Phải chăng, cách quản lý vốn kiểu đó góp phần khiến nợ công chúng ta ngày càng nặng nề và chúng ta, con cháu chúng ta đang è cổ trả nợ.
Vương Hà