Vụ án oan kéo dài 17 năm và những câu hỏi nóng bỏng

Những gì xảy ra trong vụ án oan và cách giải quyết án oan này khiến dư luận thực sự giật mình, bức xúc với những cán bộ tiến hành tố tụng trong vụ án này.


 Ông Trịnh Công Minh ngày còn sống luôn tin vào việc công lý sẽ được thực thi. Ảnh Lao động

Ông Trịnh Công Minh ngày còn sống luôn tin vào việc công lý sẽ được thực thi. Ảnh Lao động

Mang án oan xuống... mồ

Chỉ vì bị nghi vấn ăn cắp chiếc xe máy, ông Trịnh Công Minh bị bắt khẩn cấp và khởi tố. Tòa sơ thẩm TAND huyện Krông Ana, Đắc Lắc tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Sau đó, TAND tỉnh mở phiên phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm vì chứng cứ thu thập chưa khách quan. Tiếp đó, lần lượt TAND huyện Krông Ana trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra vẫn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh sau gần 18 tháng bị giam giữ. Sau 17 năm khởi tố bị can, Công an huyện Krông Ana quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Vụ án diễn ra từ ngày 2.2.1997 và đến khi ông Minh được tạm đình chỉ điều tra là ngày 27.7.1998. Sau nỗ lực 17 năm trời kêu oan của ông Minh, cuối cùng VKSND Tối cao kết luận cơ quan tố tụng cấp huyện để xảy ra oan sai. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Minh vẫn chưa được cơ quan chức năng xin lỗi, dù ông đã qua đời vì bạo bệnh.

Những gì xảy ra trong vụ án oan và cách giải quyết án oan trên khiến dư luận thực sự giật mình, bức xúc với những cán bộ tiến hành tố tụng trong vụ án này.

Thứ nhất, dù không đủ chứng cứ, cơ quan điều tra vẫn bắt khẩn cấp và khởi tố ông Minh tội trộm cắp tài sản và được VKS phê chuẩn. Tại phiên tòa sơ thẩm, dù không đủ chứng cứ, tòa vẫn tuyên án 12 tháng tù giam với ông Minh!

Thứ hai, bản án sơ thẩm tuyên 12 tháng tù giam, nhưng thời gian bị giam giữ của ông Minh đã lên tới 18 tháng!? Sự trớ trêu này đã quá mức tưởng tượng của mọi người.

Thậm chí, gần 17 năm sau (giữa tháng 3.2015), ông Minh mới được VKSND huyện Krông Ana ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú và 3 ngày sau đó, công an huyện ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Minh. Trong từng ấy năm trời, không chỉ bà con lối xóm xa lánh mà ông Minh không thể làm ăn gì vì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Khổ đau, xót xa chồng chất gần 20 chục năm lên đôi vợ chồng trẻ ngày nào.

Một câu hỏi nữa cần đặt ra như vị đại diện TAND tỉnh Đắk Lắk trao đổi với báo chí: “Tòa án trả hồ sơ đề nghị Công an điều tra bổ sung. Trong hồ sơ điều tra mới thì ông Minh có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Từ đó, căn cứ vào đâu để công an đình chỉ vụ án khi hồ sơ thất lạc?”

Thứ ba, khi điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã làm mất hồ sơ vụ án. Nguyên nhân chỉ có hai khả năng: một là, sự tắc trách khó tưởng tưởng của cán bộ điều tra; hai là, việc thất lạc hồ sơ là có chủ ý vì nhiều lẽ, trong đó có thể muốn trốn tránh trách nhiệm vì những dấu hiệu vi phạm tố tụng thể hiện rõ trong hồ sơ, nếu có. Tuy nhiên, bất kể lý do gì, đánh mất hồ sơ là chuyện không thể chấp nhận.

Mặt khác, khi đã mất hồ sơ rồi, vậy hà cớ gì mà mãi 17 năm sau mới bỏ biện pháp ngăn chặn với ông Minh và sau đó mới đình chỉ điều tra? Phải chăng, nếu không có sự đấu tranh đến cùng của vợ chồng ông Minh, họ hy vọng nhưng sai phạm của mình sẽ “chìm xuồng” ?

Thứ tư, dù đã xác định là án oan, nhưng từ đó đến nay, gần 3 năm đã trôi qua, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa xác định được ai sẽ phải đứng ra xin lỗi và đền bù. Nói đến lý của mỗi cơ quan khi không chịu đứng ra xin lỗi sẽ dài dòng, nên không đề cập ở bài này, nhưng với dư luận, cách đổ trách nhiệm cho nhau lúc này là điều không thể chấp nhận.

Thậm chí, các cơ quan này thống nhất gửi văn bản lên TAND TC để xin ý kiến hướng dẫn phân xử. Tuy nhiên, đến nay, chưa hiểu vì sao TAND TC vẫn chưa có văn bản trả lời. Trả lời báo chí, ông Lê Quang Tiến, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Hơn 2 năm nay chưa nhận được phản hồi. Vừa qua, đơn vị đã có văn bản nhắc lại sự việc, gửi TAND Tối cao để xin chỉ thị".

Với dư luận, không chỉ là các cơ quan gây ra án oan này phải sớm xin lỗi, đền bù thỏa đáng cho ông Minh, mà cần xử lý thích đáng cả những cá nhân tiến hành tham gia tố tụng, giải quyết án oan quá chậm trễ trong vụ án này. Tất cả cần minh bạch và xử đúng luật.

Vương Hà