Vụ án chưa kết thúc, lòng người vẫn còn bất an
(Dân trí) - Dù Tòa đã tuyên án bác sĩ Lương 30 tháng tù nhưng dường như vụ án vẫn chưa kết thúc và lòng người vẫn bất an
Vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình do bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh chạy thận sau khi nghe điều dưỡng báo cáo hệ thống nước sửa chữa xong, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bác sĩ Lương, cuối cùng mức án tuyên ban đầu 42 tháng tù xuống còn 30 tháng.
Tuy vậy, vụ án dường như vẫn chưa kết thúc và lòng người vẫn bất an.
Vụ án chưa kết thúc bởi căn cứ để Tòa kết tội bác sĩ lương là do tồn dư hoá chất HF làm 8 nạn nhân tử vong không phải vậy, mà phát hiện ra lại là do hệ thống RO1 hỏng 3 van nước nên đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc cho máy chạy thận nhân tạo. Liên quan đến tình tiết mới này, Bộ Y tế sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Còn lòng người, trước hết là đội ngũ thầy thuốc bất an là vì phiên toà phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương 30 tháng tù, Bộ Y tế cho rằng sẽ là một tiền lệ rất xấu, từ đây có bất kỳ sự cố y khoa xảy ra dẫn đến tử vong của bệnh nhân thì thầy thuốc nào trực tiếp tham gia công tác cứu chữa, điều trị, chăm sóc người bệnh sẽ như bị cáo Lương đều có thể bị gánh chịu trách nhiệm pháp lý hình sự. Các thầy thuốc thay vì cho sự xả thân tận tâm chữa bệnh, cứu người sẽ thủ thân, an toàn cho mình. Ví dụ, trước khi dùng thuốc cấp cứu cho bệnh nhân khi thấy bệnh nhân đang nguy kịch, bác sĩ sẽ có văn bản yêu cầu kho thuốc của bệnh viện phải xác minh bằng văn bản loại thuốc đó có đảm bảo chất lượng không. Kho thuốc này lại bằng văn bản xin ý kiến Lãnh đạo bệnh viện. Lãnh đạo Bệnh viện lại bằng văn bản hỏi nơi quản lý thuốc của Bộ Y tế v.v… cứ vậy, cứ vậy và hậu quả cuối cùng, bác sĩ chờ có được văn bản trả lời là thuốc đó đảm bảo chất lượng để điều trị cho bệnh nhân thì bệnh nhân đang nguy kịch có lẽ đã chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không thể bắt bẻ bác sĩ vào đâu được.
Nhân nào thì dẫn đến quả ấy ngay lập tức: TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết một câu chuyện có thật, mới xảy ra ở một bệnh viện tỉnh sau vụ án bác sĩ Lương. Đó là trường hợp sản phụ tử vong thai nhi vẫn còn có thể được cứu vì tim thai vẫn còn đập đến 5 phút sau đó nếu bác sĩ quyết định mổ cấp cứu nhanh, bỏ qua các bước quy trình thì có thể cứu sống em bé. Tuy vậy, ê-kíp bác sĩ trực ca này đã không cứu thai nhi vì lý do: “Từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương ở Hòa Bình bị khởi tố, chúng em không dám làm sai quy trình là thông báo với người nhà, chờ sự đồng ý của họ… mà lao ngay vào mổ cứu con, bởi nếu thành công thì là điều quá tốt, nhưng nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”. Hậu quả dẫn đến hai mẹ con sản phụ đều tử vong.
Bởi thế, dù Tòa đã tuyên án bác sĩ Lương 30 tháng tù nhưng dường như vụ án vẫn chưa kết thúc và lòng người vẫn bất an là vậy. Mong rằng trong Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2010, những bất cập trên trong quy trình khám chữa bệnh sẽ được khắc phục.
Nguyễn Đoàn